Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của Triều Tiên

Kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của Triều Tiên là cuộc kháng chiến kéo dài của người Triều Tiên trong thời kỳ Goryeo (cg. Cao Ly) chống lại sự xâm lược của quân Nguyên Mông xâm lược suốt từ năm 1231 đến năm 1273.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của đế quốc Mông Cổ, các nước Kim, Tống và Goryeo luôn là mục tiêu xâm của đội quân Tatar.

Năm 1218, quân đội Goryeo đã liên kết với Mông Cổ tiêu diệt thế lực lớn quân Khiết Đan. Đó là sự tiếp xúc đầu tiên giữa hai nước. Mông Cổ sau đó luôn chèn ép và bắt Goryeo phải triều cống. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi thái quá về đồ cống nạp, Goryeo đã từ chối đáp ứng, Đây là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự rạn nứt trong quan hệ hai nước. Năm 1225, sứ thần Mông Cổ bị ám sát trên đường quay trở về từ Goryeo. Triều đình Mông Cổ coi đó là hành động có chủ ý của Goryeo nên đã tuyên bố chấm dứt quan hệ bang giao giữa hai nước.

Năm 1231, triều đình Mông Cổ đã phái quân sang chinh phạt Goryeo, mở đầu cho tổng số sáu lần xuất quân xâm lược Goryeo từ năm 1231 đến năm 1255.

Lần thứ nhất (1231): Đại Hãn Oa Khoát Đài sai tướng Saritai tiến vào lãnh thổ Cao Ly, quân đội Goryeo do Thừa tướng Choe U chỉ huy đã chống đỡ quyết liệt song vẫn để mất vùng Anjiu. Quân Mông Cổ dồn lực tấn công dữ dội thành Guseong nhưng vẫn không buộc được quân Goryeo đầu hàng và buộc phải rút lui. Ngược lại, trước những đợt tấn công mãnh mẽ của quân Mông Cổ, năm 1232 chính quyền võ thần họ Choi của Goryeo cũng đã phải dời kinh đô từ Gaegyeong (nay là Gaeseong) ra đảo Ganghwa.

Lần thứ hai (1232): quân Mông Cổ dưới sự dẫn đường của phản thần Hong Bok-won đã tấn công và chiếm được phần lớn miền bắc bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Mông Cổ đã thất bại trong nỗ lực chiếm đảo Ganghwa, đồng thời còn bị đẩy lùi tại Gwangju. Trong trận chiến tại thành Cheoin (tháng 12/1232), tướng Mông Cổ Saritai đã bị quân dân Goryeo do nhà sư Kim Yun-Hu lãnh đạo giết chết ngay tại chiến trường, buộc quân Mông Cổ phải rút lui một lần nữa. Đây là một trong những trận đánh nổi tiếng thể hiện tinh thần kháng chiến đoàn kết, quật khởi của nhân dân Triều Tiên.

Lần thứ ba (1235): quân Mông Cổ tấn công một số vùng thuộc các tỉnh Gyeongsang và Jeolla. Dù nhân dân chống đối kiên cường nhưng do lực lượng chênh lệch, triều đình Goryeo buộc phải xin nghị hòa, xin gửi người làm con tin để đổi lại quân đội Mông Cổ sẽ rút quân.

Lần thứ tư (1247): Khả Hãn Quý Do giao cho Amuqan thống lĩnh quân đội tiến đánh Goryeo và yêu cầu triều đình Cao Ly phải dời đô trở lại Gaegyeong. Yêu cầu này tiếp tục bị triều đình Goryeo từ chối. Đến khi Quý Do qua đời (1248), quân Mông Cổ mới rút lui nhưng vẫn tiếp tục cướp phá ở một số vùng thuộc lãnh thổ Goryeo.

Lần thứ năm (1253): Mông Kha lại sai tướng Yaku xuất quân đánh Goryeo, yêu cầu triều đình Cao Ly đầu hàng. Triều đình Goryeo tập họp nông dân ẩn trốn trong các quan ải trên núi và trên các hòn đảo ngoài khơi. Trước sự cướp phá và gây sức ép của quân Mông Cổ, cuối cùng vua Cao Tông đã phải đồng ý dời đô trở về đất liền và phái người con là Angyeonggong (thực chất không phải con ruột) làm con tin để xin đình chiến.

Về phía nhân dân, cuộc kháng chiến vẫn diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi. Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly, đánh vào quốc đô, một cánh quân đánh vào Ủng Tân. Tướng quân Yi Yong-sang (cg. Lý Long Tường - nguyên là Thái tử của nhà Lý ở Đại Việt) đã lãnh đạo nhân dân vùng Hwasan (Cgl. Hoa Sơn) chống trả quyết liệt với đội quân Mông Cổ suốt 5 tháng ròng rã, buộc quân Mông Cổ phải rút lui. Sau chiến công này, Yi Yong-sang được vua Cao Ly phong làm Hoa Sơn tướng quân. Dấu tích nơi quân Mông Cổ đầu hàng tại đó được gọi là “Thụ hàng môn”.

Lần thứ sáu (1254): Phát hiện triều đình Goryeo cử con tin không phải vương tử trong hoàng tộc, Mông Kha lại sai tướng Jalairtai tiến đánh Goryeo. Đây là lần xâm lược gây thiệt hại nặng nề nhất cho vương triều Goryeo. Việc tàn sát dân thường vô tội cùng chính sách tàn phá làng mạc, xóm làng khiến cho vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, ở đó chỉ còn lại đống tro tàn. Một số di sản văn hóa như ngôi chùa gỗ Hwangnyong-sa và các bản ván khắc in Đại tạng kinh có từ 200 năm trước đó đã bị đốt sạch.

Năm 1258, trước sự tàn phá ác liệt của quân Mông Cổ, đại diện triều đình Goryeo đã xin đầu hàng quân Mông Cổ, cử thái tử Nguyên Tông đến Mông Cổ làm con tin và hứa sẽ dời đô về lại Gaegyeong.

Triều đình Goryeo cũng ra lệnh giải tán đội quân Sambyeolcho (cgl. Tam biệt sao), một đội quân đặc biệt luôn đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ, được thành lập từ giai đoạn nắm chính quyền của các võ quan Goryeo trước đây. Đến năm 1270, triều đình Goryeo đã phải tuân theo quân đội Mông Cổ rời đô trở về vùng đất cũ Gaegyeong.

Mặc dù triều đình Goryeo chấp nhận làm bù nhìn cho Mông Cổ nhưng nhân dân không đầu hàng. Năm 1270, đội quân Sambyeolcho do tướng Bae Jung-son chỉ huy đã giương cao ngọn cờ kháng chiến nhằm giành lại độc lập tự chủ. Bae Jung-son đã huy động hơn 1000 chiếc thuyền chở đầy người và của cải từ đảo Ganghwa đi ra đảo Jindo để xây dựng căn cứ kháng chiến và triều đình riêng. Quân đội của triều đình Sambyeolcho dưới quyền chỉ huy của Bae Jung-son được gọi là quân giải phóng.

Để đàn áp đội quân Sambyeolcho, liên quân Mông Cổ và triều đình bù nhìn Goryeo đã mở cuộc tấn công tổng lực. Đến năm 1273, căn cứ cuối cùng trên đảo Jejudo của đội quân Sambyeolcho bị chế ngự. Cuộc kháng chiến chống lại Mông Cổ xâm lược khép lại nhưng đã cho thấy tinh thần đấu tranh dũng cảm và ý thức độc lập, tự chủ của nhân dân Triều Tiên.

Cuộc kháng chiến chống Mông Cổ của nhân dân Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Đại Việt và Nhật Bản. Ở Việt Nam, ba lần quân Mông Nguyên xâm lược đều bị nhà Trần đánh bại. Chiến thắng của nhân dân Đại Việt trước quân đội Mông Nguyên vào thế kỷ XIII đã góp phần làm suy yếu ý đồ bành trướng của đế quốc Mông Nguyên ở khu vực Đông Á nói chung.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lý Cơ Bạch, Lịch sử Hàn Quốc tân biên, Lê Anh Minh (dịch), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  2. 朝鲜民主主义人民共和国科学院历史研究所著,吉林省哲学社会科学研究所译,《朝鲜通史》,吉林人民出版社出1975年版 (Sở nghiên cứu Lịch sử Viện Khoa học nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên biên soạn, Sở Nghiên cứu khoa học Viện Khoa học xã hội Triết học tỉnh Cát Lâm dịch, Triều Tiên thông sử, Nxb Nhân dân Cát Lâm, Cát Lâm, 1975).
  3. Kyung Moon Hwang, A History of Korea, Palgrave Macmillan, New York, 2010 (Kyung Moon Hwang, Lịch sử Hàn Quốc, Nxb. Palgrave Macmillan, New York, 2010).
  4. Mark Peterson, Phillip Margulies, A brief history of Korea, Facts On File, Inc, New York, 2010 (Mark Peterson, Phillip Margulies, Lịch sử Hàn Quốc vắn tắt, Nxb. Facts On File, New York, 2010).
  5. Michael J. Seth, A Concise History of Premodern Korea From Antiquity through the Nineteenth Century, Volume 1 (Second Edition), Rowman & Littlefield, London, 2016 (Michael J. Seth, Lịch sử giản lược Hàn Quốc tiền cận đại từ thời cổ đại đến thế kỷ XIX, tập 1 (tái bản), Nxb. Rowman & Littlefield, London, 2016).