Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kháng chiến chống Triệu

Kháng chiến chống Triệu (181-179 tcn), cuộc kháng chiến của quân và dân Âu Lạc do An Dương Vương (Thục Phán) lãnh đạo, chống quân Triệu (Trung Quốc) xâm lược.

Vào khoảng năm 206 tcn, lợi dụng lúc nhà Tần (Trung Quốc) sụp đổ, nhà Hán mới lên, Triệu Đà, Huyện lệnh huyện Long Xuyên, đã tập hợp lực lượng chiếm 3 quận: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng (nay thuộc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc) lập nên nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương, đóng ở Phiên Ngung (Quảng Châu). Triệu Đà tiếp tục âm mưu mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, trong đó nước Âu Lạc là mục tiêu chủ yếu. Về phía Âu Lạc, ngay sau khi giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Tần (214 - 208 TCN), An Dương Vương chăm lo củng cố, bảo vệ đất nước, xây dựng thành Cổ Loa (kinh đô Âu Lạc, (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội). Đây là công trình phòng thủ quân sự lớn nhất lúc bấy giờ. Cùng với đó, An Dương Vương coi trọng việc thu phục người hiền tài, phát triển quân đội, lập các xưởng chế tạo vũ khí và đã sáng chế ra loại nỏ liên châu bắn 1 lần được nhiều mũi tên bằng đồng (truyền thuyết gọi là nỏ thần). Nhờ vậy, Âu Lạc đã xây dựng được lực lượng quân sự bảo vệ đất nước khá hùng mạnh (một vạn quân thường trực và nhiều tướng giỏi, như: Cao Lỗ, Nồi Hầu v.v.)

Năm 181 tcn, Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc, kéo quân qua vùng Tiên Du, núi Vũ Ninh, sông Bình Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) để tiến đánh thành Cổ Loa. Trước tình hình đó, An Dương Vương cùng tướng sĩ khai thác điểm yếu của giặc, đồng thời dựa vào thành Cổ Loa kiên cố và nỏ liên châu lợi hại, chủ động phản công, tập kích, tiến công, làm cho chúng thiệt hại lớn về lực lượng, rơi vào thế ngày càng khó khăn. Không thắng được bằng quân sự, Triệu Đà dùng kế giảng hòa, xin cho con trai là Trọng Thủy cầu hôn với công chúa Mỵ Châu (con gái An Dương Vương), tìm cách ở rể tại Âu Lạc với mục đích dò xét bí mật quân sự. Trọng Thủy đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo, gây chia rẽ nội bộ triều đình Âu Lạc. An Dương Vương đã mất cảnh giác mắc mưu thâm độc của Trọng Thủy, lần lượt sa thải nhiều tướng sĩ trụ cột của triều đình như Nồi Hầu, Cao Lỗ… Sau khi nắm được toàn bộ bí mật quân sự và làm suy yếu nghiêm trọng quân đội Âu Lạc, năm 179 TCN, Triệu Đà đem đại quân tấn công vào kinh thành Cổ Loa. An Dương Vương bị bất ngờ, nhanh chóng thất bại. Triệu Đà đã hoàn thành việc thôn tính Âu Lạc.

Thất bại của cuộc Kháng chiến chống Triệu không chỉ là thất bại của nhà nước Âu Lạc, mở đầu hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, mà còn là thất bại đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bài học về ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Qua đó, khẳng định sức mạnh đoàn kết thống nhất toàn dân tộc (đoàn kết toàn dân) là nhân tố quyết định giành thắng lợi trong chiến tranh chống xâm lược của dân tộc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử Việt Nam. Quyển 1, tập 1, NxB Giáo dục Hà Nội, 1970.
  2. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam. Tập 1, NxB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1999.
  3. Lịch sử Việt Nam giản yếu, NxB Chính trị quốc gia Hà Nội - 2000.
  4. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1- Lịch sử quân sự, NxB QĐND, 2015, tr 649-650.