Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kháng chiến chống Tần
Bản đồ các khu vực lẻ tẻ do nhà Tần chiếm được của các nhóm tộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử sau năm 214 TCN.

Kháng chiến chống Tần (214-208 tcn) cuộc kháng chiến của quân dân Âu Việt và Lạc Việt nước Văn Lang thời Hùng Vương chống quân Tần (Trung Quốc) xâm lược.

Năm 221 tcn, Tần Doanh Chính lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Tần Thuỷ Hoàng, thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế thống nhất đầu tiên ở Trung Quốc. Tần Thuỷ Hoàng vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng mở rộng hơn nữa phạm vi thống trị của đế chế Tần bằng chiến tranh xâm lược. Theo đó, một mặt Nhà Tần bành trướng lãnh thổ lên phía bắc; mặt khác tiếp tục theo đuổi chủ trương “bình Bách Việt” của nước Sở trước đây, đem quân tiến công, thôn tính các bộ tộc Bách Việt ở phía nam Trường Giang.

Năm 218 tcn, Tần Thuỷ Hoàng sai Hiệu uý Đồ Tuy (sách chép nhầm thành Đồ Thư) chỉ huy 500 nghìn quân chia thành 5 đạo tiến xuống phía nam: đạo thứ nhất đóng ở đèo Đàm Thành Lĩnh (nay là Việt Thành Lĩnh ở phía bắc tỉnh Quảng Tây), đạo thứ hai đóng ở ải Cửu Nghi (đông bắc Quảng Tây, giáp Hồ Nam), đạo thứ ba ở Phiên Ngung (Quảng Châu), đạo thứ tư chiếm vùng Nam Dã (Giang Tây), đạo thứ năm trấn vùng sông Dư Can (Phúc Kiến). Ngoài ra, để bảo đảm cho cuộc tiến quân được nhanh chóng, thuận lợi, Nhà Tần còn cử tướng Sử Lộc (vốn người gốc Việt, làm quan ngự sử triều Tần) phụ trách việc xây dựng, sửa chữa đường sá, vận chuyển lương thực. Trong 3 năm (218-215 tcn) kể từ khi xuất quân xâm lược, quân Tần vừa phải đào kênh để vận chuyển lương thực, vừa phải đối phó với cuộc chiến đấu của người Việt. Quân Tần theo sông Ly đến lưu vực Tây Giang, năm 214 tcn một lực lượng quân Tần tiến vào địa bàn của người Âu Việt và Lạc Việt ở đất Văn Lang. Tại đây, quân Tần với ưu thế về lực lượng đã giết hại một tù trưởng thủ lĩnh người Âu Việt là Dịch Hu Tống, nhưng không dập tắt được tinh thần chiến đấu của người Việt.

Trước thế mạnh ban đầu của hàng chục nghìn quân Tần, người Âu Việt và Lạc Việt rút vào rừng, suy tôn Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt lên làm chủ tướng, tiến hành cuộc chiến tranh du kích rộng lớn, lâu dài, dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở, dùng cách đánh nhỏ, đánh đêm, đánh lén trong nhiều năm, gây cho quân Tần nhiều tổn thất. Sau khi dồn quân Tần vào tình thế nguy khốn cùng đường, “lương thực bị tuyệt và thiếu, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong”, năm 208 tcn Thục Phán quyết định tập trung lực lượng tổ chức phản công, đánh lớn, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đập tan cuộc xâm lược của quân Tần. Kết quả, sau 6 năm chiến đấu kiên cường, cuộc kháng chiến của người Âu Việt và Lạc Việt đã giành thắng lợi, đại phá quân Tần và giết được tướng Đồ Tuy. Quân Tần bị chết hàng chục nghìn người, buộc Nhà Tần phải bãi binh, rút quân về nước. Đây là cuộc chiến tranh giữ nước đầu tiên của người Việt, đồng thời cũng là cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên giữa dân tộc Việt với chủ nghĩa bành trướng phương Bắc; là cuộc kháng chiến của một nước nhỏ chống lại âm mưu xâm lược của một đế chế phong kiến lớn mạnh và tàn bạo nhất thời đó. Thắng lợi của Kháng chiến chống Tần thể hiện tài trí và khả năng đánh giặc của người Việt trong buổi đầu lịch sử giữ nước. Sau thắng lợi, Thục Phán lên ngôi vua (An Dương Vương), hợp nhất các tộc người Âu Việt và Lạc Việt, đổi tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện. Đông Anh, tp Hà Nội), kế tục và phát triển nước Văn Lang của các Vua Hùng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Quốc Vượng-Đỗ Văn Ninh, Về An Dương Vương, tạp chí Khảo cổ học, số 7-8, tháng 12 năm 1970, tr 92
  2. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
  3. Lịch sử Việt nam, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
  4. Lịch sử Việt nam giản yếu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
  5. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt nam, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.