Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Katipunan
Hiệu kỳ chính thức của Katipunan
Con dấu của Katipunan. Dòng chữ đọc là "Kataas-taasang Kagalang-galangang Katipunan ng mga Anak ng Bayan."

Katipunan một tổ chức cách mạng được thành lập ở Philippines với mục tiêu đấu tranh chống thực dân Tây Ban Nha bằng con đường bạo lực, giành độc lập cho Philippines. Viết tắt là KKK (Kata á s – taasan, Kagalang – galang Katipunan ng mg á Anak ng Bayan), tên tiếng Việt là Liên minh những người con yêu quý của nhân dân.

Katipunan theo tiếng Tagalog có nghĩa là “liên hiệp”, được thành lập ngày 7.7.1892 bởi Andres Bonifacio và các đồng chí của ông là Teodoro Plata, Ladislao Diwa,… Lúc đầu, là một tổ chức bí mật, mãi đến năm 1896 Katipunan mới hoạt động công khai. Mãi đến năm 1893, Bonifacio vẫn xem tổ chức này là một bộ phận của Liên minh Philippines do Jose Rizal sáng lập. Katipunan có cơ quan ngôn luận riêng là tờ báo Kalaayan (Tự do), được phát hành lần đầu tiên và cũng là lần cuối vào tháng 3. 1896.

Tuy không có cương lĩnh rõ ràng, và còn mang nhiều màu sắc tôn giáo, nhưng với khẩu hiệu “bình đẳng” và phương pháp cách mạng bình dân, Katipunan đã phản ánh ở một mức độ nào đó quyền lợi và khát vọng của nhân dân lao động. Vì vậy, Katipunan trở thành tổ chức cách mạng của quần chúng cần lao gắn với lợi ích dân tộc, vì nó đề ra nhiệm vụ tiến hành cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, thực hiện bình đẳng về ruộng đất đối với nông dân; chủ trương bình đẳng trong xã hội, không phân biệt màu da, giầu nghèo và địa vị xã hội; đấu tranh chống áp bức và bảo vệ những người bị áp bức, bị bóc lột; giành độc lập cho Tổ quốc. Với mục tiêu như thế, Katipunan là một tổ chức phù hợp với người dân Philippines trong bối cảnh lúc bây giờ. Lời tuyên thệ của Katipunan trước dân tộc Philippines được thể hiện qua câu nói nổi tiếng của nhà lãnh đạo cao nhất Bonifacio: Cần nhớ lấy hạnh phúc và vinh quang là chết cho sự nghiệp cứu lấy Tổ quốc. Khi thành lập, Katipunan đưa ra 4 mục tiêu chính: Mỗi hội viên phải có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển của tổ chức, có trách nhiệm đoàn kết mọi người dân Philippines, đấu tranh giành độc lập cho Philippines bằng một cuộc cách mạng hoặc khởi nghĩa vũ trang, sau khi giành độc lập sẽ thành lập nước cộng hòa.

Bonifacio xây dựng Katipunan thành một tổ chức có kỷ luật cao. Hội viên phải ký bằng máu của mình khi tham gia hội, lễ kết nạp được tiến hành bằng các nghi thức phức tạp. Ban đầu, Katipunan chỉ kết nạp nam giới, sau này mở rộng kết nạp cả nữ giới. Đến năm 1894, Katipunan có tới hàng chục vạn hội viên.

Khi Jose Rizal lãnh tụ của Liên minh Philippines bị bắt, Bonifacio định củng cố Liên minh, nhưng vì tổ chức này chỉ chủ trương đấu tranh ôn hòa nên ông đã xa rời dần. Sau đó, Liên minh Philippines tự giải tán do sự uy hiếp của thực dân Tây Ban Nha, Katipunan bắt đầu triển khai con đường đấu tranh bạo lực. Ngày 23.8.1896, Katipunan đã quyết định khởi nghĩa với khẩy hiệu “Chiến thắng hay là chết”. Ngày 28.8.1896, Bonifacio đại diện cho Katipunan ra lời kêu gọi khởi nghĩa, hàng vạn người đã cầm vũ khí xuống đường, khởi nghĩa nhanh chóng lan ra toàn quốc. Lực lượng khởi nghĩa do Katipunan vùng Cavite lãnh đạo giành thắng lợi, đánh tan các đợn vị đồn trú của Tây Ban Nha làm chủ thị trấn Kawit và Magdiwang. Trong quá trình khởi nghĩa, Katipunan bị phân hóa thành hai phái: Phái Magdiwang của Mariano Aslvarez và phái Magdalo của Aguinaldo. Hội nghị hợp nhất hai phái trong một chính phủ mới do Bofacio chủ trì thất bại và tại đây Bonifacio cũng để mất chức tổng thống của Chính phủ cách mạng vào tay Aguinaldo. Mâu thuẫn giữa hai phái trong Katipunan về việc thành lập chính phủ chung, cùng với mâu thuẫn tiềm ẩn trước đó giữa Bonifacio và Aguinaldo đã bùng nổ gay gắt vào tháng 3.1897. Đây là một tổn thất cho cách mạng. Sau đó, Bonifacio bị Aguinaldo sát hại.

Ngày 25.10.1897, Katipunan tuyên bố giải tán. Sau khi chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc với sự thất bại của Tây Ban Nha, lực lượng Mỹ đã đổ bộ lên các đảo của Philippines, bắt Aguinaldo và toàn bộ chính phủ cách mạng, thành lập chính phủ mới thân Mỹ. Chính quyền Mỹ tiến hành xóa nốt những tàn dư còn sót lại của Katipunan.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử thế giới cận đại, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
  2. D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
  3. GS. Lương Ninh (chủ biên), GS. Đỗ Thanh Bình, GS. Trần Thị Vinh, Đông Nam Á – Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, xuất bản lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
  4. Ongsotto, Philippine History Module- based Learning l’ 2002 Ed. Rex Bookstore, Inc. ISBN 978-971-23-3449-8.