Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Kỷ niệm chương

Kỷ niệm chương là hình thức khen thưởng do các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đặt ra để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của các cơ quan, tổ chức đó

Việc xét tặng Kỷ niệm chương được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003; sửa đổi, bổ sung năm 2013). Tên Kỷ niệm chương, đối tượng và tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương do bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định; phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương trước khi ban hành. Kỷ niệm chương thường được tặng vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành và xét tặng đột xuất đối với các trường hợp đặc biệt; chỉ xét tặng một lần cho cá nhân và không có hình thức truy tặng. Một số Kỷ niệm chương của các bộ, ban ngành: Kỷ niệm chương “Hoạt động Quốc hội” của Quốc hội; Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Bộ Công an; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục” của Bộ Giáo dục - Đào tạo; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

Việc xét tặng Kỷ niệm chương trong Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, các nghị định của Chính phủ và thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Việc xét tặng Kỷ niệm chương của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định, gồm:

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam” để tặng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều công lao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam; quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng có đủ 30 năm trở lên công tác liên tục trong Quân đội nhân dân Việt Nam, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, không bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, khi được nghỉ chế độ hoặc chuyển ngành.

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng” tặng cho cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; có nhiều công lao, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng dân quân tự vệ từ đủ 10 năm trở lên; không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; cá nhân không thuộc thành phần dân quân tự vệ, phải có đủ 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác dân quân tự vệ, được cấp có thẩm quyền công nhận; chiến sĩ dân quân tự vệ có thời gian công tác liên tục trong lực lượng dân quân tự vệ đủ 6 năm trở lên, không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ được Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ khen thưởng về thành tích thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, người nước ngoài có nhiều công lao, đóng góp đối với Dân quân tự vệ Việt Nam, được cấp có thẩm quyền công nhận.

Kỷ niệm chương của các ngành trong quân đội có Kỷ niệm chương của Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ đội Biên phòng và của Ban Cơ yếu Chính phủ... Đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét, tặng Kỷ niệm chương của các ngành do thủ trưởng các ngành quyết định. Kinh phí bảo đảm việc ban hành, xét, tặng Kỷ niệm chương do cơ quan, đơn vị ban hành Kỷ niệm chương chịu trách nhiệm.

Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được cấp Giấy chứng nhận, Kỷ niệm chương và mức tiền thưởng theo quy định.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002.
  2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về Công tác Thi đua – khen thưởng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
  3. Nguyễn Ngọc Dũng, Hỏi và đáp về Luật thi đua, khen thưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
  4. Luật Thi đua – Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng 2013 và các văn bản hướng dẫn.
  5. Lê Quang Thưởng, Từ điển Tổ chức và công tác tổ chức, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017.
  6. Thông tư 151/2018/TT-BQP Quy định chi tiết và Hướng dẫn Thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
  7. Thông tư 57/2020/TT-BQP ngày 13 tháng 5 năm 2020 Hướng dẫn Công tác Thi đua khen thưởng về Dân quân tự vệ.