Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ký hiệu bản đồ địa hình

Ký hiệu bản đồ địa hình là hệ thống ký hiệu được trình bày dưới dạng hình đồ họa quy ước, có thể kết hợp với màu sắc, chữ và chữ số để thể hiện các yếu tố gắn với đối tượng nhằm biểu thị, giải thích các yếu tố địa hình, địa vật có trên mặt đất, lên bản đồ địa hình.

Tập tin:Quy ước vị trí chính xác các ký hiệu tương ứng.png
Quy ước vị trí chính xác các ký hiệu tương ứng

Ký hiệu bản đồ địa hình là một nội dung trong hướng dẫn thành lập bản đồ và được xuất bản thành quyển riêng cho từng tỉ lệ bản đồ hoặc dãy tỉ lệ bản đồ, như: dãy tỉ lệ 1:500 - 1:5000, dãy tỉ lệ 1:10.000 - 1:25.000, tỉ lệ 1:50.000, tỉ lệ 1:100.000 và tỉ lệ 1:250.000. Trên mỗi tờ bản đồ địa hình, các Ký hiệu bản đồ địa hình được diễn giải ở dạng bảng theo các nhóm yếu tố nội dung bản đồ như: điểm trắc địa; điểm dân cư; khu công nghiệp, nông nghiệp; đối tượng văn hoá - xã hội; các hệ thống giao thông, thuỷ văn; địa hình; thực phủ, chất đất; ranh giới hành chính. Các đặc điểm của Ký hiệu bản đồ địa hình gồm: đảm bảo tính nhất quán về chủng loại, thống nhất cho tất cả các dãy tỉ lệ bản đồ trong nhóm phân loại, có tính kế thừa từ tỉ lệ này đến tỉ lệ khác. Sử dụng một hệ thống Ký hiệu bản đồ địa hình thống nhất là quy định bắt buộc đối với tất cả các cơ quan, ngành khi thành lập bản đồ địa hình trong phạm vi cả nước. Ký hiệu thường mô phỏng theo hình dạng, vị trí thực, các đặc trưng định tính, định lượng của địa vật, dáng đất, để dễ đọc và dễ nhớ. Dựa vào tính chất và tác dụng, Ký hiệu bản đồ địa hình thường có ba loại: ký hiệu vẽ theo tỉ lệ, ký hiệu 1/2 tỉ lệ và ký hiệu vẽ không theo tỉ lệ (tượng trưng). Ký hiệu vẽ theo tỉ lệ là những ký hiệu biểu thị được đúng quan hệ về tỉ lệ của địa vật trên bản đồ với thực địa, có thể thu nhỏ theo tỉ lệ bản đồ mà vẫn thể hiện đúng vị trí, hình dạng như thực địa, có thể đo tính được diện tích của chúng vẽ trên bản đồ; dùng để biểu thị những đối tượng có kích thước rộng lớn như: rừng cây, đồng cỏ, vùng dân cư, hồ lớn, sông lớn... Vị trí chính xác của loại ký hiệu này là đường viền của ký hiệu. Ký hiệu 1/2 tỉ lệ dùng để biểu thị các đối tượng có chiều dài lớn, chiều rộng hẹp (không thể vẽ theo tỉ lệ được) như đường giao thông, kênh mương nhỏ... Những ký hiệu này chiều dài vẽ theo tỉ lệ, chiều rộng vẽ không theo tỉ lệ mà theo quy định riêng với từng loại tỉ lệ. Vị trí chính xác của ký hiệu là trục trung tâm của ký hiệu. Ký hiệu vẽ không theo tỉ lệ để biểu thị những đối tượng kích thước nhỏ, không thể vẽ lên bản đồ theo tỉ lệ thu nhỏ, nhưng lại có nhiều ý nghĩa quan trọng về mặt định hướng do đó cần có vị trí chính xác trên bản đồ như: cây độc lập, nhà thờ, tháp nước, ống khói nhà máy, các điểm chuẩn đo đạc... những đối tượng này phải dùng ký hiệu đặc trưng diễn tả hình dáng gần giống nó, hoặc lấy một vài đặc điểm chung nhất của địa vật để biểu thị.

Trên bản đồ địa hình hiện đang sử dụng trong LLVT, màu sắc của ký hiệu thường sử dụng bốn màu chính: màu nâu thể hiện đường bình độ, dáng đất, nền đường nhựa, khu nhà chịu lửa, ghi chú độ cao; màu xanh nước biển thể hiện yếu tố thủy hệ và ghi chú về thủy hệ; màu xanh lục thể hiện thực vật và ký hiệu thực vật; màu đen thể hiện các ký hiệu còn lại và ghi chú thuyết minh. (754 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng Tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987.
  2. Trường sĩ quan Pháo binh, Địa hình Pháo binh, Sơn Tây, 2001.
  3. Bộ quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa QS, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2004.
  4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà nội, 2005.
  5. Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Địa hình quân sự - tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
  6. Bộ Tổng Tham mưu - Cục Bản đồ, Từ điển Địa hình quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.