(cg. Transparent glass), loại kính truyền ánh sáng và cho phép nhìn rõ hình ảnh xuyên qua. Không phải tất cả các loại kính đều trong suốt, vì có một số loại kính hấp phụ ánh sáng chọn lọc nên có màu sắc khác nhau. Độ trong của kính được đánh giá bằng hệ số truyền ánh sáng. Hệ số truyền ánh sáng là phần truyền qua kính mà không bị tán xạ của dòng ánh sáng chiếu lên mẫu. Tuỳ theo hệ số truyền ánh sáng, kính trong chia làm 2 loại: Kính không màu có hệ số truyền ánh sáng tiêu chuẩn, và Kính đặc biệt trong suốt có hệ số truyền ánh sáng cao. Hệ số truyền ánh sáng phụ thuộc vào chiều dày của kính. Kính càng mỏng, hệ số truyền ánh sáng càng cao. Đối với chiều dày 2 mm, hệ số truyền ánh sáng của kính không màu và kính đặc biệt trong suốt tương ứng là không nhỏ hơn 0,89 và 0,92.
Kính không màu, loại kính trong phổ biến nhất với tông màu hơi xanh. Có thể dễ dàng nhận thấy màu xanh này khi nhìn vào cạnh mép tấm kính, kính càng dày, màu xanh càng rõ. Tuy nhiên loại kính này lại trong suốt, không màu nếu nhìn xuyên qua mặt kính.
Kính đặc biệt trong suốt, loại kính hoàn toàn trong suốt, có khả năng truyền ánh sáng cao, cho phép nhìn rõ hình ảnh xuyên qua không bị sai lệch, sắc nét, màu sắc tự nhiên. So với kính không màu, kính đặc biệt trong suốt không có tông màu xanh. Về mặt thành phần, điểm khác biệt của kính đặc biệt trong suốt là hàm lượng sắt ôxit rất nhỏ.
Kính trong được sản xuất từ thuỷ tinh natri canxi. Nguyên liệu chính để sản xuất loại thuỷ tinh này là cát thạch anh (silic điôxit, SiO2), đá vôi (canxi cacbonat, CaCO3) và sô đa (Natri cacbonat, Na2CO3). Bản thân silic điôxit là nguyên liệu để sản xuất một loại thuỷ tinh đặc biệt gọi là thuỷ tinh thạch anh. Nhưng sản xuất loại thuỷ tinh này rất tốn kém do nhiệt độ nóng chảy của silic điôxit rất cao, 1723oC. Thuỷ tinh thạch anh được sử dụng chủ yếu làm các sản phẩm thuỷ tinh dùng trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về độ bền hoá và khả năng chống sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Thuỷ tinh thạch anh còn được sử dụng trong ngành quang học. Tuy nhiên khi đó nguyên liệu để sản xuất phải là đá thạch anh, không phải là cát thạch anh.
Để giảm nhiệt độ nóng chảy của silic điôxit, cần phải sử dụng chất trợ chảy. Natri cacbonat cung cấp natri ôxit là chất trợ chảy rất tốt cho silic điôxit. Thuỷ tinh natri có nhiệt độ nóng chảy thấp, ví dụ hỗn hợp 75% silic điôxit và 25% natri ôxit có nhiệt độ nóng chảy 850oC. Nhưng loại thuỷ tinh này rất dễ hoà tan trong nước, và dung dịch tạo thành gọi là thuỷ tinh lỏng. Khi cho thêm canxi ôxit, thuỷ tinh natri canxi trở thành không tan trong nước. Tuy nhiên, nếu hàm lượng canxi ôxit đưa vào quá mức sẽ gây ra hiện tượng kết tinh khi làm lạnh khối nóng chảy, làm giảm chất lượng sản phẩm. Thành phần tối ưu khoảng 75% silic điôxit, 10% canxi ôxit và 15% natri ôxit. Trong sản xuất kính tấm, một phần canxi ôxit được thay bằng magiê ôxit. Ngoài ra một số vật liệu khác còn được cho thêm vào phối liệu để khử bọt, khử màu trong quá trình nấu thuỷ tinh.
Sản xuất kính trong gồm các quá trình: chuẩn bị phối liệu, nấu thuỷ tinh, tạo hình sản phẩm, ủ và xử lý nhiệt. Trong quá trình chuẩn bị phối liệu, các cấu tử được sàng, sấy, nghiền mịn (nếu cần), định lượng theo tỷ lệ nhất định và được trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất. Quá trình nấu thuỷ tinh được chia một cách quy ước thành các giai đoạn: tạo silicat, tạo thuỷ tinh, khử bọt, đồng nhất và làm nguội. Quá trình tạo hình sản phẩm được thực hiện bằng các phương pháp cán, phương pháp kéo, và phương pháp nổi. Sản phẩm tạo thành có dạng tấm. Sau khi tạo hình, sản phẩm được ủ và xử lý nhiệt để nâng cao cường độ cơ học. Khi sử dụng trong xây dựng, kính trong dùng để làm cửa sổ, cửa đi, mặt bàn, tủ, quầy trưng bày, để hoàn thiện bên trong và bên ngoài nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TCVN TCVN 7526:2005 - Kính xây dựng - Định nghĩa và phân loại
2. ГОСТ 33004-2014 Стекло и изделия из него. Характеристики. Термины и определения
3. ГОСТ 111-2014 Стекло листовое бесцветное. Технические условия
4. Федеральное агентство по Техническому Регулированию и Метрологии, Производство стекла, Москва, Бюро НДТ, 2015