Kì quan địa chất là những cảnh quan thiên nhiên hoặc công trình nhân tạo thuộc loại độc đáo nhất, kỳ lạ nhất, hoàn mỹ nhất, đẹp nhất, hiếm nhất..., tức là những giá trị thẩm mỹ, khoa học, giáo dục... của kỳ quan phải được xếp hạng cao nhất trên phạm vi toàn thế giới hay chí ít cũng toàn quốc. Các kỳ quan thiên nhiên ngoài ra còn phải đáp ứng thêm một số yêu cầu ngặt nghèo hơn nữa, đó là có ranh giới rõ ràng, toàn vẹn và chưa hoặc ít bị tác động nhân sinh.
Kì quan địa chất có thể hiểu là kỳ quan thiên nhiên có nguồn gốc địa chất-địa mạo; bên cạnh giá trị thẩm mỹ chúng còn có giá trị, ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất-địa mạo. Kì quan địa chất vì thế cũng có thể hiểu là những đại diện tiêu biểu nhất trong số các danh thắng địa chất (Xem mục từ: “Danh thắng địa chất”), một bộ phận vốn cũng đã khá nhỏ trong số các di sản địa chất (Xem mục từ: Di sản địa chất). Nói cách khác, kì quan địa chất là những di sản địa chất có giá trị, ý nghĩa đặc biệt, ngoại hạng trên phạm vi toàn thế giới hay từng quốc gia về khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, có ranh giới rõ ràng, tính toàn vẹn cao và chưa hoặc ít bị tác động nhân sinh. Cũng vì yêu cầu cao như vậy mà cơ bản là không có một bộ tiêu chí nào đủ toàn diện, đủ bao quát để chọn ra được các kỳ quan một cách đồng thuận nhất, khách quan nhất. Vả lại các cảnh quan thiên nhiên hay các công trình nhân tạo cũng mỗi nơi một vẻ, việc đối sánh chúng để phân biệt thứ hạng cũng có thể coi là một việc không tưởng. Vì thế mà bên cạnh 7 kỳ quan của thế giới cổ đại - đều là các công trình nhân sinh - mà ngày nay đã không còn nữa, nhiều tổ chức, nhiều chiến dịch quốc tế đã nhiều lần thử tìm kiếm các kỳ quan thế giới mới, nhưng kết quả đạt được là không hề giống nhau và cũng chưa bao giờ được công nhận chính thức. Chẳng hạn kết quả bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên của Mạng truyền hình cáp CNN Hoa Kỳ là (1997):
- Hẻm vực Grand Canyon ở Bắc Mỹ
- Rạn san hô Great Barrier Reef ở Châu Úc
- Cảng Harbor of Rio de Janeiro ở Nam Mỹ
- Đỉnh Everest ở Châu Á
- Cực quang Aurora ở Bắc cực và Nam cực
- Núi lửa Paricutin ở Bắc Mỹ
- Thác nước Victoria Falls ở Châu Phi.
Kết quả bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới do công ty tư nhân NewOpenWorld tổ chức (2011) bao gồm:
- Rừng và sông Amazon ở 9 nước Nam Mỹ (Bolivia, Brasil, Columbia, Ecuador, Guyane thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela)
- Vịnh Hạ Long ở Việt Nam
- Thác Iguazu ở biên giới giữa hai nước Argentina và Brasil
- Đảo Jeju ở Hàn Quốc
- Đảo Komodo ở Indonesia
- Sông ngầm Puerto Princessa ở Philippines
- Núi Bàn ở Nam Phi. Tuy nhiên kết quá này bị đánh giá là cục bộ, dân tộc, thiếu khách quan, dựa theo số lượng phiếu bầu chọn kèm theo tiền nộp.
Năm 2007, ba phương tiện thông tin đại chúng thuộc loại lớn nhất của Cộng hòa Liên bang Nga là báo Izvestia, đài phát thanh Mayak và đài truyền hình Rossiya đã khởi xướng cuộc bình chọn 7 kỳ quan của nước Nga. Từ danh sách 49 địa điểm ban đầu, năm 2008 cuộc bình chọn đã gút lại 7 cái tên, đa số là kỳ quan thiên nhiên, bao gồm:
- Hồ Baikal ở phía nam Siberi
- Thung lũng Geyser với các xuất lộ nước nóng ở Kamchatka
- Núi Elbrus cao 5.642m ở tây Kavkaz, cao nhất Châu Âu và là một trong bảy đỉnh núi cao nhất thế giới
- Manpupuner - các ngọn núi nhỏ linh thiêng - các tượng đài địa chất ở miền bắc dãy Ural thuộc nước Cộng hòa Komi
- Tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi trên đồi Mamayev Kurgan ở Thành phố Volgograd, được Sách kỷ lục Guinness công nhận là tượng đài cao nhất thế giới
- Thánh đường Saint Basils ở thủ đô Matx-cơ-va
- Cung điện Peterhof, Thành phố Saint Petersburg.
Đối với Việt Nam, 10 kỳ quan thiên nhiên được trang Web Lonely Planet lựa chọn năm 2020 gồm:
- Vịnh Hạ Long
- Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng
- Hang Sơn Đoòng
- Đảo Phú Quốc
- Dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Việt Nam
- Thác Bản Giốc
- Bãi tắm Sao ở An Thới, Phú Quốc
- Vườn quốc gia Ba Bể
- Núi Thủy Sơn thuộc Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng
- Các đụn cát ở Mũi Né.
Những danh sách tương tự có rất nhiều, cả trên bình diện quốc tế, châu lục lẫn ở từng quốc gia, không liên quan gì đến Liên Hiệp Quốc, UNESCO cũng như danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới của UNESCO. Có thể thấy là hầu hết các kỳ quan thiên nhiên kể trên đều có nguồn gốc địa chất-địa mạo, và bên cạnh giá trị thẩm mỹ chúng đều có giá trị, ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất-địa mạo. Vì thế cũng có thể gọi chúng là các kỳ quan địa chất.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Natural wonders of the world. DK Penguin Random House. First American Edition, 2017. Published in the United States by DK Publishing, Dorling Kindersley Limited, Penguin Random House LLC. ISBN 978-1-4654-6417-0.
- https://en.wikipedia.org/wiki/New7Wonders_of_Nature
- https://en.wikipedia.org/wiki/Seven_Natural_Wonders_(CNN)
- https://en.wikipedia.org/wiki/Wonders_of_the_World
- https://www.lonelyplanet.com/articles/vietnam-best-natural-wonders
- https://www.russiadiscovery.com/news/seven_wonders_of_russia