Mục từ này cần được bình duyệt
Kéo vợ

Kéo vợ (tiếng Hmônghei pux) là một nghi thức mang tính bắt buộc trong quy trình nghi lễ hôn nhân cổ truyền của nhiều cộng đồng Hmông ở phía Bắc Việt Nam. Tục kéo vợ có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của các cộng đồng người Hmông. Một số nhà nghiên cứu cho rằng phong tục này có nguồn gốc từ tư tưởng mẫu hệ, có ý nghĩa bảo vệ phụ nữ trong các cuộc hôn nhân.

Kéo vợ là nghi thức diễn ra trước lễ cưới và hoàn toàn mang tính tự nguyện, phải được sự đồng ý của các cô gái. Theo quy định của tập quán, khi đến tuổi lập gia đình, sau khi tìm hiểu và ưng ý một cô gái nào đó, bố mẹ hoặc chính người con trai sẽ tổ chức một đoàn người, thường từ 3 đến 5 thành viên, đi kéo cô gái đã được chọn về nhà mình để làm vợ. Nhóm người đi kéo vợ ít nhất phải có từ 3 đến 5 người. Thành viên của đoàn kéo vợ thường là những người khỏe mạnh và biết cách không làm đau cô gái trong cuộc giằng co với gia đình bên nhà gái hoặc chính bản thân cô gái để đưa cô gái về nhà. Từ lúc cô gái bị kéo về nhà chàng trai cho đến lúc cuộc hôn nhân diễn ra là một quá trình của sự thương thoả, lựa chọn và phần chủ động trong quá trình này hoàn toàn thuộc về người phụ nữ, kể cả trong trường hợp cô gái hoàn toàn bị động trong lúc kéo. Sau khi hoàn tất công việc kéo cô gái về gia đình, nhà trai sẽ cử chị gái hoặc em gái của người con trai ngủ chung 3 đêm với cô gái. Thông qua những đêm trò chuyện, cô gái sẽ có cơ hội hiểu hơn về nếp sống của gia đình chàng trai. Trong ba ngày ở lại gia đình, chàng trai cũng sẽ dẫn cô gái đi thăm họ hàng, ruộng nương của gia đình để cô gái biết nhiều hơn về gia cảnh của gia đình nhà chồng tương lai. Nếu cô gái đồng ý ở lại làm dâu, vào buổi sáng ngày thứ tư, đại diện gia đình nhà trai sẽ giã bánh dầy, mổ gà cắt tiết đánh dấu, rồi đưa cô gái về nhà lấy đồ. Đoàn sang nhà gái nhất thiết phải có cha mẹ và người con trai. Đến nhà gái, người con trai phải quỳ lạy tất cả các thành viên của nhà gái để làm quen. Đáp lại, bên nhà gái cũng chuẩn bị bữa cơm tiếp đãi nhà trai. Trong bữa ăn này, người nhà gái sẽ hỏi thật kĩ lưỡng liệu cô gái có chấp nhận cuộc sống cả đời với bên nhà trai không. Nếu cô gái chấp nhận, hai bên gia đình mới bàn chuyện cưới xin cho đôi trẻ. Ngược lại, nếu cô gái không đồng ý, cuộc hôn nhân sẽ không được tiến hành và người con gái sẽ chờ đợi những cuộc kéo khác cho đến khi tìm được người đàn ông mà cô yêu thương và muốn lấy làm chồng.

Kéo vợ, nhìn từ quan điểm của người trong cuộc, đặc biệt là phụ nữ Hmông, có ý nghĩ đặc biệt quan trọng trong đời sống hôn nhân của họ. Kéo vợ, trước hết, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình sau hôn nhân cũng như trong xã hội bởi trong quan niệm người Hmông, việc các cô gái được các chàng tra kéo về thể hiện sự giá trị đặc biệt của họ đối với người chồng tương lai. Đối với cuộc sống gia đình sau hôn nhân, kéo vợ cũng giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong quan hệ với gia đình chồng cũng như chính người chồng. Xuất phát từ quan niệm truyền thống “các cô gái không bao giờ tự bước vào nhà chồng”, nên nếu người phụ nữ không được “kéo” mà tự theo về theo chồng thì “bố mẹ sẽ nghĩ cô gái đó chỉ là bạn của con trai, chứ không phải vợ và vì thế cô gái sẽ không được công nhận”. Trong trường hợp cô gái tự theo chàng trai về mà bố mẹ chàng trai không đồng ý nhận con dâu thì cô gái sẽ bị đẩy vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’: bỏ về nhà mình thì bị ‘mất giá trị’ còn ở lại theo chồng thì sẽ không được các thành viên gia đình nhà chồng coi trọng, một tình huống người phụ nữ sẽ không bao giờ phải đối mặt nếu tục kéo vợ được thực hiện. Trong quan hệ với chính người chồng của mình trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, những người phụ nữ được chồng “kéo” về sẽ giữ được thế chủ động so với những người phụ nữ không thực hiện tục này. Gia đình nhà chồng cũng bắt buộc phải chia tài sản cho cô dâu nếu đôi vợ chồng trẻ ly dị bởi, theo quan điểm người Hmông, người phụ nữ luôn được người chồng kéo về mà không phải tự theo về. Ngoài các ý nghĩa xã hội trên, đối với nhiều gia đình, nhất là những gia đình chưa hoặc không có đủ điều kiện tổ chức đám cưới ngay, kéo vợ là một giải pháp tốt, linh hoạt để người nghèo cũng có thể lấy được vợ, vì theo tập quán của người Hmông, sau thủ tục kéo vợ đôi trai gái sẽ được cộng đồng công nhận là vợ chồng cho dù gia đình chưa có điều kiện tổ chức tiệc cưới mời dân làng.

Do chỉ quan sát thấy hiện tượng “kéo”, hoặc thậm chí được nâng lên thành “cướp”, nghi thức kéo vợ truyền thống của người Hmông bị coi là thực hành hôn nhân có tính “ép buộc”, “cưỡng bức”, tạo ra sự bất công đối với người phụ nữ, là “hủ tục” cần phải loại bỏ trong đời sống của cộng đồng. Trong Phụ lục B ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ Quy định việc áp dụng Luật hôn nhân và Gia đình đối với các dân tộc thiểu số ban hành năm 2002, kéo vợ còn bị đưa vào trong Danh mục phong tục tập quán lạc hậu cần nghiêm cấm thực hiện hay được vận động để xoá bỏ. Tuy nhiên, nghi thức kéo vợ là hoàn toàn tự nguyện, có ý nghĩa bảo vệ và nâng cao giá trị của người phụ nữ. Do có giá trị đặc biệt với người phụ nữ Hmông như vậy nên, cho dù nhiều gia đình không còn tiến hành thủ tục kéo vợ theo đúng trình tự của nghi thức truyền thống, song khi đón dâu về, nhiều gia đình nhà trai vẫn tiến hành thực hiện nghi thức "kéo vợ" bằng cách lôi mạnh tay cô dâu vào nhà khi đoàn rước dâu đến cửa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, 1978.
  • Hoàng Nam, Cư Hoà Vần, Người Mông ở Việt Nam, Hà Nội: Nxb.Khoa học xã hội, 1996
  • Hoàng Cầm, Nguyễn Trường Giang, Đa dạng văn hoá - bài học từ những câu chuyện, Hà Nội: Nxb. Thế Giới, 2013.