Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Iliad và Odyssey
Iliad (quyển VIII.245-253), k.400-500 CN, Thư viện Ambrosiana, Milano
Một bản thảo quyển I thế kỷ 15 được viết bởi kinh sư John Rhosos (Bảo tàng Anh)

Iliad và Odyssey hai thiên sử thi kinh điển của văn học Hy Lạp, nguồn sử liệu phản ánh thời kỳ Homer trong lịch sử Hy Lạp, đồng thời là di sản của nền văn minh phương Tây cổ đại.

Nhiều nhà sử gia cho rằng tác giả của Iliad và Odyssey là Homer, một thi sĩ mù thiên tài ở vùng Tiểu Á sống vào khoảng thế kỷ IX – VIII TCN. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hai thiên sử thi chỉ là những tác phẩm tập hợp, chỉnh lý của nhiều sáng tác dân gian truyền miệng, còn Homer không phải là tên người cụ thể mà là những người mù. Vì thế, ý kiến này khẳng định hai bài thơ trên là tập hợp những câu hát của người mù mà tạo thành. Hiện nay, chưa có kết luận cuối cùng chính xác về tác giả của hai tập thơ. Phần lớn các tài liệu về Homer cũng không rõ ràng, có đến 9 bản tiểu sử khác nhau về ông và nhiều thành phố cùng khẳng định vinh dự là quê hương của ông.

Tương truyền, Iliad và Odyssey được viết vào khoảng thế kỷ VII TCN. Cũng chính vì sự ra đời của hai tác phẩm này nên lịch sử Hi Lạp từ thế kỷ XI đến thế kỷ IX TCN được gọi là thời kỳ Homer. Những trạng thái sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Hy Lạp được Homer phản ánh một cách chi tiết trong cả hai tác phẩm này.

Iliad là bản anh hùng ca chiến trận gồm khoảng 15.000 câu thơ, chia làm 24 khúc ca. Tác phẩm kể lại cuộc chiến tranh giữa quân Hy Lạp và quân thành Troy ở vùng Tiểu Á, thông qua câu chuyện xoay quanh sự bất hòa giữa vị tướng kiệt xuất Achilles của Hy Lạp và thống soái Agamemnon. Tác phẩm không thuật lại hoàn toàn cuộc chiến 10 Lạp - Troy, mà chỉ là một giai đoạn ngắn, 50 ngày cuối của năm thứ 10 của cuộc chiến. Dựa vào cuộc chiến thành Troy để xây dựng nên một sử thi chiến trận hào hùng, Homer đã tái hiện một cách sinh động, trung thực xã hội của người Hy Lạp dưới chế độ quân chủ dân sự. Thông qua câu chuyện về chiến trận, tác phẩm cho thấy sự chuyển biến của xã hội Hy Lạp cổ đại, từ chế độ thị tộc tiến tới hình thành thành bang của chế độ chiếm hữu nô lệ.

Odyssey được coi là phần kế tiếp của Iliad. Tác phẩm gồm hơn 12.000 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại hành trình của Odyssey trở về quê hương sau trận chiến thành Troy kéo dài 10 năm. Sử thi Odyssey được thể hiện theo lối kể không theo trật tự thời gian, đan xen hiện tại và quá khứ, tập trung vào câu chuyện về hành trình của Ulysses. Ulysses đã chịu nhiều đắng cay, cám dỗ, những gian nan, nguy hiểm… để tự mình làm ra số phận bằng tinh thần đấu tranh không mệt mỏi với lực lượng thiên nhiên, cũng như với kẻ thù trong xã hội. Sau hai mươi năm lưu lạc, Ulysses đặt chân lên mảnh đất quê nhà, sống trọn nghĩa vợ chồng, tình cha con, yêu thương bè bạn, đất nước, quê hương…Tác phẩm ca ngợi trí tuệ, dũng khí, nghị lực của con người với khát vọng chinh phục thế giới xung quanh và niềm mơ ước về một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Nó còn ngợi ca tình yêu quê hương, tình cảm vợ chồng thủy chung, tình cha con, tình bạn cao cả, là khát vọng của người Hy Lạp trong việc chinh phục thiên nhiên và thiên di mở đất.

Qua nội dung của hai tác phẩm, bức tranh xã hội Hy Lạp được thể hiện sinh động, toàn diện.

Về trình độ sản xuất, họ đã sử dụng phổ biến các công cụ và vũ khí bằng đồng, biết rèn và sử dụng đồ sắt. Chăn nuôi là hoạt động kinh tế chủ yếu, xen lẫn với đó là sản xuất nông nghiệp. Cây được trồng không chỉ có cây lương thực mà bao gồm cả rất nhiều loại cây ăn quả như lê, táo, nho,…Thủ công nghiệp có một vị trí quan trọng với các nghề rèn, đóng thuyền, xây dựng nhà cửa. Nền kinh tế hàng hóa chưa phát triển, tiền tệ kim loại chưa xuất hiện, phương thức trao đổi chủ đạo vẫn là vật đổi vật. Các trung tâm buôn bán, thủ công nghiệp cũng chưa xuất hiện.

Về tổ chức xã hội, thông qua câu chuyện của các vị thần, hai tác phẩm cho thấy một xã hội thị tộc đang dần tan rã, nhà nước chưa ra đời. Xã hội này được tổ chức theo chế độ dân chủ quân sự, vừa có những thủ lĩnh quân sự đầy quyền uy, trong đó có cả những đại hội đồng nhân dân. Trong xã hội cũng đã xuất hiện nô lệ với số lượng ít và công việc của họ chủ yếu là trong các hầm rượu, nấu bếp hay chăm sóc gia súc.

Về đời sống tinh thần, Iliad và Odyssey phản ánh ý thức tín ngưỡng đa thần của người Hi Lạp. Nhưng khác với Ai Cập hay Lưỡng Hà, những vị thần Hy Lạp được thể hiện một cách chân thực, sống động trong hình dáng con người, có sở thích, thói quen giống con người. Tuy họ toàn năng nhưng vẫn có những điểm yếu, những thói hư tật xấu như con người. Thông qua đó, tác phẩm thể hiện tư duy về con người làm chủ và là trung tâm của vũ trụ.

Bên cạnh những điểm chung, Iliad và Odyssey lại có những nét đặc sắc riêng. Nếu như Iliad là bản anh hùng ca chiến trận thì Odyssey lại là một bản anh hùng ca của cuộc sống hòa bình. Từ Iliad tới Odyssey cũng là quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa anh hùng tập thể, cái chung cộng đồng sang con người là chủ nhân đích thực của thế giới, vai trò của thần linh giảm xuống, vai trò của con người tăng lên.

Hai tác phẩm được đánh giá là đạt trình độ mẫu mực, hoàn chỉnh, kết tinh toàn thiện của nghệ thuật sử thi Hy Lạp, không chỉ là những kiệt tác văn học, mà còn là bức tranh lịch sử về một thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội nguyên thủy sang thời đại văn minh - Thời đại Homer (thế kỷ XI – IX TCN). Hai bộ sử thi Iliad và Odyssey còn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ giữa thần thoại và tính chất anh hùng ca trong thần thoại và sử thi Hy Lạp. Đây là niềm tự hào của nền văn minh Hy Lạp và là tác phẩm phổ biến nhất trong di sản văn học Hy Lạp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Văn Khỏa, Anh hùng ca của Homer, Nxb.Văn học, 2002.
  2. Đỗ Khánh Hoan (dịch), Iliad, Nxb.Thế giới, 2013.
  3. Đỗ Khánh Hoan (dịch), Odyssey, Nxb.Thế giới, 2013.
  4. Homer, The Iliad and The Odyssey (Iliad và Odyssey), Finger Print, 2018.
  5. https://tiasang.com.vn/-van-hoa/su-thi-iliad-odyssey-6943, truy cập ngày 31/7/2021