Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Huân chương
Huân chương Sao Vàng
Huân chương chiến công

Huân chương là hình thức khen thưởng do Nhà nước Việt Nam đặt ra để ghi nhận và tặng thưởng cho tập thể có thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng đặc biệt, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để ghi nhớ công lao và kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 6.6.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58-SL đặt ra Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, đánh dấu quá trình ra đời, phát triển của Huân chương ở Việt Nam. Huân chương được làm bằng vật phẩm kim loại đặc biệt, gồm có cuống, dải và thân Huân chương, hình thức được phân biệt bằng màu sắc, số sao, số vạch trên dải và cuống Huân chương (hạng Nhất 3 sao, hạng Nhì 2 sao, hạng Ba 1 sao).

Từ năm 1945 đến trước ngày 1.7.2004 (ngày Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực), Nhà nước Việt Nam đã đặt ra 18 loại Huân chương để ghi nhận và tặng thưởng cho các cá nhân và tập thể. Trong đó có 4 loại Huân chương không chia hạng gồm: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Tổ quốc, Huân chương Hữu Nghị và 14 loại Huân chương đều được chia làm ba hạng (Nhất, Nhì, Ba); gồm: Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Thành đồng, Huân chương Quân công giải phóng, Huân chương Quân giải phóng Việt Nam, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Chiến thắng, Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến công giải phóng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến sĩ giải phóng.

Từ ngày 1.7.2004 đến nay, theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng (năm 2003; sửa đổi, bổ sung năm 2013), Huân chương để tặng cho tập thể có nhiều thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Gồm 10 loại Huân chương, trong đó có 5 loại không chia hạng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Huân chương Dũng cảm, Huân chương Hữu nghị; 5 loại chia hạng, gồm: Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Chiến công.

Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc và tặng cho tập thể lập được thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Hồ Chí Minh để tặng cho tập thể có quy mô lớn (do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) có bề dày truyền thống, có nhiều công lao, cống hiến, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công lao to lớn và nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Độc lập để tặng cho tập thể, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; hoặc có thành tích, công trình, tác phẩm xuất sắc có tác dụng thúc đẩy sự phát triển ở một trong các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, nghệ thuật khoa học, công nghệ, ngoại giao hoặc các lĩnh vực khác; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Quân công để tặng cho tập thể, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam lập được chiến công xuất sắc vào những dịp tổng kết, tặng cho những đơn vị, cá nhân có công lao to lớn trong trong xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, an ninh. Huân chương Quân công được đặt ra lần đầu theo Sắc lệnh 50-SL ngày 15.5.1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Lao động để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc; được đặt ra lần đầu theo Sắc lệnh số 65B/SL ngày 1.5.1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Bảo vệ Tổ quốc để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích trong huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; được đặt ra lần đầu theo Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26.11.2003; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Chiến công để tặng cho đơn vị, tặng hoặc truy tặng cho cá nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và các tầng lớp nhân dân lập được chiến công vào những dịp tổng kết; tặng cho những đơn vị và cá nhân có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng và an ninh. Đặt ra lần đầu theo Sắc lệnh 50-SL ngày 15.5.1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp gọi là Huân chương Chiến sĩ; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Đại đoàn kết dân tộc để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có quá trình cống hiến, có công lao to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; được đặt ra lần đầu theo Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26.11.2003; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định. Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân; được đặt ra lần đầu theo Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26.11.2003; thẩm quyền tặng (truy tặng) do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Hữu nghị để tặng hoặc truy tặng cho người nước ngoài có những đóng góp to lớn trong xây dựng, củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; được đặt ra lần đầu theo Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26.11.2003; thẩm quyền tặng hoặc truy tặng do Chủ tịch nước quyết định. Tiêu chuẩn cụ thể của mỗi loại Huân chương, cách thức xét tặng và mức tiền thưởng của các loại Huân chương được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa;
  2. Lê Quang Thưởng, Từ điển tổ chức và công tác tổ chức, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 984, 985;
  3. Sách tra cứu các mục từ về tổ chức, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội , 2004, tr. 444;
  4. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua – khen thưởng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003;
  5. Nguyễn Ngọc Dũng, Hỏi và đáp về Luật Thi đua, khen thưởng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005;
  6. Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng 2013 và các văn bản hướng dẫn;
  7. Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, Cẩm nang về công tác thi đua khen thưởng, Nxb Hà Nội, 2012.
  8. Từ điển Bách khoa Nga.