Mục từ này cần được bình duyệt
Hoa lư

kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam sau hơn một nghìn năm đất nước bị phong kiến phương Bắc xâm lược, nô dịch. Nay là tên gọi một huyện ở trung tâm tỉnh Ninh Bình, phía Bắc giáp huyện Gia Viễn, phía Tây giáp thị xã Tam Điệp, phía Nam giáp huyện Yên Mô, phía Đông giáp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và thành phố Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội về phía nam theo quốc lộ 1A khoảng 100km.

Huyện Hoa Lư có diện tích tự nhiên 139,7 km², gồm các xã Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh Khang, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Thắng và thị trấn Thiên Tôn.

Vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và định đô ở HL. Tại đây, ông cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố như một pháo đài hiểm, biệt lập với bên ngoài. Kinh đô HL được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10m. Kinh đô HL được ví là một “quân thành” phòng ngự vững chắc, vừa tiết kiệm sức người và của lại vừa đảm bảo đối phó tối ưu với giặc ngoại xâm.

Thành HL có diện tích hơn 300 ha, gồm hai khu vực: thành Nội và thành Ngoại. Thành Ngoại là thành ngoài dãy núi Phi Vân, trung tâm kinh đô xưa, nơi vua Đinh, vua Lê xây dựng các cung điện nguy nga, lộng lẫy. Thành Ngoại rộng khoảng một trăm bốn mươi ha, thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành của xã Trường Yên ngày nay. Thành Nội là thành phía trong dãy núi Phi Vân, rộng tương đương với khu thành Ngoại, là nơi cung thất của hoàng tộc và kho tàng của quốc gia, thuộc địa phận thôn Chi Phong, xã Trường Yên ngày nay.

Kinh đô HL tồn tại bốn mươi hai năm (968-1010), trong đó mười hai năm đầu là triều Đinh (968-980), hai mươi chín năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980-1009) và năm cuối (1009-1010) là triều Lý. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ HL về Thăng Long (Hà Nội). Từ đây, Kinh đô HL trở thành Cố đô.

Ngày 29.4.2003, Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định 82/2003/QĐ-TTg về việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích Cố đô HL. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô HL nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện HL, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Đây là khu vực khá bằng phẳng nằm trong hệ thống núi đá vôi kéo dài từ tỉnh Hòa Bình xuống. Khu di tích lịch sử chính trị Cố đô HL có diện tích 13,87 km² bao gồm:

Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành HL, trong vùng có các di tích lịch sử: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, bia Câu Dền, chùa Kim Ngân, hang Bim, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất...

Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An. Trong vùng có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, Hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói...

Các di tích liên quan trực tiếp gồm các di tích không nằm trong hai vùng trên nhưng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp của triều đại nhà Đinh như chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, HL, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ninh Bình.

Kinh đô HL là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, chính trị của quốc gia Việt Nam. Đây là địa bàn mà Đinh Bộ Lĩnh đứng đầu một sứ quân đã tập hợp dân chúng, chiêu mộ binh lính, từ đó lần lượt đánh thắng 11 sứ quân khác, chấm dứt cuộc nội chiến, thống nhất giang sơn. HL là Kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, với tư cách là một quốc gia độc lập, bình đẳng với nhà nước phong kiến Trung Quốc. Dưới triều đại nhà Tiền Lê, HL là Kinh đô của cuộc kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược Tống (Trung Quốc), bảo vệ thành công nền độc lập của quốc gia Đại Cồ Việt. Dưới triều đại nhà Lý, HL là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền thân dân, cho đến khi Hoàng đế Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long (Hà Nội).

Cùng với giá trị lịch sử chính trị, hiện nay di tích Cố đô HL, Khu sinh thái Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng đặc dụng HL là 3 khu vực bảo tồn thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, đã được Chính phủ xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 10.5.2012 và ngày 23.6.2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngô Liên và sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập1. Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1998.

2. Hà Thái, Về tỉnh Ninh Bình, trang điện tử Ủy ban Dân tộc tinh Ninh Bình ngày 21/07/2011.

3. Lã Đăng Bật, Cố đô Hoa Lư: Việt Nam - Di sản văn hóa”, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 2011.

4. Đỗ Danh Gia, Văn hóa dân gian cố đô Hoa Lư và các vùng phụ cận, Nxb Thời đại, Hà Nội.2010.