Hoả khí là vũ khí dùng áp lực khí thuốc sinh ra khi cháy thuốc phóng hoặc hỗn hợp cháy đặc biệt để đẩy đạn đi. ư
Hoả khí ra đời từ thế kỉ 8 bằng việc tìm ra thuốc súng (Trung Quốc), nhưng đến thế kỉ 10-11 thuốc súng mới được ứng dụng làm Hoả khí dưới dạng quả gây nổ, gây cháy. Vào thế kỉ 12, người Trung Quốc sử dụng thuốc súng làm động lực đẩy vật sát thương đến mục tiêu bằng cách nhồi thuốc súng cùng với đá, mảnh sành, mảnh gang hoặc sắt vào ống giấy, ống tre, dùng ngòi cháy để đốt rồi ném vào đối phương; các nước Arập đã chế tạo ra pháo (modpha) - một loại súng phụt lửa và đạn ghém, có nòng là ống kim loại. Đây là một phát minh quan trọng, Hoả khí thay thế các loại vũ khí tầm xa dùng cơ học trước đó (cung, nỏ, máy bắn đá...). Thế kỉ 12-14 các loại súng (pháo) đều nạp thuốc đẩy và đạn từ miệng nòng. Cuối thế kỉ 14 xuất hiện pháo nạp đạn từ đuôi nòng, thông qua hộp đạn lắp ở phần đuôi. Nhưng với trình độ công nghệ có hạn thời đó, hộp đạn không bịt kín hoàn toàn khí thuốc và việc lắp đặt không bảo đảm độ bền vững khi bắn. Vì vậy, việc nạp đạn từ đầu nòng lại được thực hiện và duy trì từ thế kỉ 15-18. Cho đến giữa thế kỉ 19 vũ khí nòng trơn đạt tới đỉnh cao của sự phát triển; nhưng hiệu quả bắn và uy lực của các loại đạn hình cầu không tăng được đáng kể. Từ thập kỉ 60-80 của thế kỉ 19, ở châu Âu phát minh ra pháo nòng có rãnh xoắn, thuốc phóng không khói, súng trường cacbin. Cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 xuất hiện súng tự động, chế tạo ra đạn xuyên và cối. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất xuất hiện pháo phòng không, súng chống tăng, sung phun lửa. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai xuất hiện pháo tự hành, súng phóng lựu, pháo phản lực. Hoả khí xuất hiện từ thế kỉ 8 đến cuối thế kỉ 19 tương đối hoàn chỉnh, giành ưu thế trên chiến trường, dần thay thế vũ khí lạnh. Đội hình chiến đấu hình khối vuông với những chiến binh cầm gươm, giáo, đã trở thành mục tiêu lí tưởng cho Hoả khí, đặc biệt là súng máy, pháo. Năm 1515, quân đội Pháp nhờ có pháo binh đã đánh tan đội hình ô vuông của quân đội Thụy Sĩ trên chiến trường Marignanô. Các nhà quân sự buộc phải thay đổi đội hình chiến đấu, từ đội hình khối ô vuông chuyển thành đội hình hàng dọc.
Từ thế kỉ 13, Việt Nam đã sản xuất ra những khẩu pháo bắn quả đạn có chứa thuốc súng như hỏa cầu, hỏa đồng. Năm 1390, quân đội Nhà Trần do tướng Trần Khát Chân chỉ huy đã dùng pháo thuyền bắn mãnh liệt vào chiến thuyền quân Chiêm Thành trên sông Luộc, giết chết Vua Chế Bồng Nga. Đến thế kỉ 15, đời Nhà Hồ (1405), Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo ra súng thần công, nòng bằng đồng hoặc đồng đỏ trộn gang; bắn đạn đá, chì hoặc gang; cơ động bằng xe chở hoặc giá kéo. Đây là loại pháo lợi hại thời bấy giờ và về sau càng phát triển với nhiều cỡ nòng, dài ngắn khác nhau. Các loại pháo nhỏ thì mang vác; loại to được đặt cố định ở biên giới, cửa ải hoặc trong thành; loại vừa có thể đặt trên xe bốn bánh, trên voi hoặc thuyền chiến. Từ thế kỉ 8 đến thế kỉ 16, nhiều kiểu súng đã ra đời ở Việt Nam với những tên gọi phong phú. Thời kì Hậu Lê có các loại: súng lửa, súng bách tử, súng trên ngựa, súng báng gỗ. Triều đại tiếp theo có các kiểu súng: Xung Tiêu, Điểu Xung, Tích Sơn, Bắc Cơ; các kiểu đạn: đạn đá, đạn chì, đạn gang. Công nghệ chế tạo súng và thuốc súng ngày càng hoàn thiện. Năm 1858, người Đại Việt đã làm được máy “Thủy hỏa kế”, dùng sức nước quay máy để giã luyện thuốc súng. Mỗi cỗ súng, nòng có 3-4 đoạn nối vào nhau, cỡ nòng 2 tấc 3 phân (0,098 m), dài 7 thước (2,97 m). Trong Phong trào Cần Vương (1885-95), Cao Thắng cùng một số nghĩa quân của Phan Đình Phùng đã chế tạo thành công 500 khẩu súng trường theo mẫu 1874 của Pháp. So với vũ khí lạnh, Hoả khí phát triển với tốc độ nhanh và tương đối hoàn chỉnh từ thế kỉ 8 đến thế kỉ 19, nhờ khoa học kĩ thuật của loài người trong giai đoạn này có những bước tiến vượt bậc. Người ta gọi giai đoạn này là"thời đại của máy móc". Ngày nay, con người đã chế tạo ra các loại Hoả khí có tầm bắn tới hàng nghìn kilômet với độ chính xác cao, có khả năng tiêu diệt bất kì mục tiêu nào.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ tư lệnh Pháo binh, Từ điển Pháo binh, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
- Bách khoa toàn thư Liên Xô, tập 6
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kỹ thuật quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008