Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hoạt động quân sự

Hoạt động quân sự gọi chung những hành động quân sự có tổ chức nhằm mục đích quân sự, do lực lượng vũ trang và bộ phận nhân dân tiến hành để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự.

Hoạt động quân sự được hình thành và phát triển khi nhà nước chiếm hữu nô lệ tổ chức ra quân đội, chủ yếu tiến hành các hoạt động: tổ chức lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ khí (cung tên, giáo mác), luyện tập binh sĩ và tiến hành các trận chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, địa vị, tranh giành quyền lợi đất đai giữa các bộ tộc... Tới thời kì cận đại nội dung hoạt động quân sự thay đổi so với trước đây. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hoạt động quân sự đã có những bước phát triển lớn. Hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang các bên tham chiến đã có những biến đổi về chất, tiến hành các trận đánh, chiến dịch, tác chiến hiệp đồng binh chủng, Hoạt động quân sự phải huy động phần lớn cơ sở vật chất và nhân lực của nền kinh tế quốc dân vào phục vụ cho chiến tranh. Từ giữa thế kỷ XX, hoạt động quân sự đã diễn ra ở phạm vi rộng và toàn diện cả quân sự, kinh tế, chính trị ngoại giao, khoa học công nghệ…nhằm phục vụ cho mục đích quân sự khác nhau.

Ở nước ta, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh nhân dân đã được hình thành rất sớm, từ những năm 40 trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống phong kiến phương Bắc. Vì vậy, ngay từ thời kỳ đó, hoạt động quân sự là hoạt động nhằm mục đích quân sự mang tính tổng hợp cao do lực lượng vũ trang làm nòng cốt và sự tham gia của toàn dân, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân xâm lược có sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta. Ngày nay, hoạt động quân sự là hoạt do lực lượng vũ trang làm nòng cốt với sự tham gia của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự trong thời bình và thời chiến theo một kế hoạch thống nhất. Hoạt động quân sự có mục đích kiên quyết, triệt để, diễn ra ở cả quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; tiến hành ở các cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, huyện (quận), xã (phường) và các đơn vị lực lượng vũ trang; mọi hoạt động quân sự đều nhằm mục đích thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quân sự được phối hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh khác.

Lực lượng tham gia các Hoạt động quân sự bao gồm lực lượng vũ trang và các lực lượng phi vũ trang, trong đó lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ tác chiến. Lực lượng phi vũ trang là lực lượng toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia các hoạt động chuẩn bị tiềm lực quân sự thời bình và phục vụ tác chiến trong chiến tranh.

Hoạt động quân sự trong thời bình tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thế trận quốc phòng, quân sự: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; sẵn sàng chiến đấu cao… (xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang ba thứ quân; nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự; các công trình quốc phòng, quân sự, các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; hoạt động hợp tác và đấu tranh quốc phòng…), đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược trọng điểm của đất nước.

Hoạt động quân sự trong chiến tranh lấy hoạt động tác chiến, kết hợp với các hoạt động đấu tranh khác và hoạt động phục vụ tác chiến là chủ yếu để thực hiện mục đích chiến tranh. Thường tiến hành các hoạt động tác chiến chiến lược, chiến dịch, trận đánh do lực lượng quân sự làm nòng cốt kết hợp với các lực lượng đấu tranh khác, theo kế hoạch thống nhất để thực hiện mục đích nhiệm vụ quân sự trong từng giai đoạn chiến tranh. Ngoài ra, hoạt động tác chiến có thể diễn ra ngay trong thời bình để tiêu diệt các lực lượng bạo loạn, lật đổ có vũ trang, lực lượng khủng bố có vũ trang, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh, chính trị xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo (khi có xung đột vũ trang). Các hoạt động này thường ở phạm vi quy mô nhỏ nhưng phải có công tác chuẩn bị chu đáo, chỉ huy kiên quyết, mưu trí, sáng tạo, hành động tác chiến phải dũng cảm, mưu trí, dứt điểm nhanh, không để lan rộng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn bộ binh tiến công vào khu vực địch phòng ngự ở địa hình Trung du, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
  2. Bộ Tổng tam mưu, Nghệ thuật chiến dịch phản công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  5. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dich phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
  6. Đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Nghiên cứu các loại hình chiến dịch trên biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà nội, 2011.
  7. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch tiến công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
  8. Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
  9. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ chính trị về chiến lược quân sự Việt Nam, kết luận số 31- KL/TW ngày 16.4.2018, Hà Nội 2018.