Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hoạt động magma

Hoạt động magma là tổ hợp các quá trình nóng chảy magma, tiến hóa magma, di chuyển, tương tác với đá vây quanh và đông nguội. Magma ở sâu trong lớp vỏ Trái đất có nhiệt độ cao và chịu áp suất lớn; khi vỏ Trái đất chuyển động xuất hiện đới đứt gãy, magma sẽ chuyển động theo hướng giảm áp do áp suất cục bộ giảm, magma đi lên theo đới đứt gãy và xâm nhập vào vỏ hoặc phun trào lên bề mặt Trái đất. Đồng thời do tác động liên tục của quá trình phân dị kết tinh, đồng hóa,... làm thay đổi thành phần hóa học và trạng thái hóa lý.

Trong quá trình hoạt động magma , dưới lòng sâu Trái đất các lò magma được hình thành, dưới ảnh hưởng của nhiệt độ cao và tác động hóa học của magma, các đá vây quanh có thể bị biến đổi. Dựa theo độ sâu kết tinh cuối cùng của magma người ta phân biệt hoạt động magma sâu, sâu vừa, á núi lửa và núi lửa; còn dựa theo thành phần, hoạt động magma được chia ra hoạt động magma siêu bazơ, bazơ, trung tính và axit (silic). Hoạt động magma biểu hiện trong hầu hết các bối cảnh địa kiến tạo, mạnh mẽ nhất là trong các đới tương tác giữa các mảng thạch quyển, đới tách giãn và đới dâng cao dòng nhiệt (điểm nóng). Biểu hiện hoạt động magma mạnh nhất và đa dạng nhất đặc trưng cho vùng rìa lục địa tích cực (đới chuyển tiếp lục địa - đại dương) và cung đảo. Trong thời hiện đại, hoạt động magma phát triển trong các đai núi lửa giữa đại dương như Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương (Iceland), dãy núi giữa đại dương, đới rift Châu Phi và Địa Trung Hải,...

Hoạt động magma đi kèm tất cả các giai đoạn của hệ thống uốn nếp và là một trong những yếu tố làm dâng cao bề mặt Trái đất. Chẳng hạn, đá magma của các điểm nóng dẫn đến đáy đại dương nâng cao lên đến hàng nghìn mét, nhờ thế mà hình thành các quần đảo đại dương (Hawai, Azores, Canary,...). Khi hoạt động magma tắt dần thì bề mặt (đáy đại dương) hạ xuống và các đảo đại dương sẽ chìm xuống dưới nước, hình thành các dãy núi ngầm và các dạng địa hình khác của đáy đại dương.

Hoạt động magma là biểu hiện hoạt động sâu của Trái đất; nó liên quan chặt chẽ với sự phát triển Trái đất, lịch sử tiến hóa kiến tạo. Hoạt động magma trong những giai đoạn sớm của Trái đất là quá trình địa chất chủ yếu dẫn đến sự hình thành các lục địa. Các biểu hiện hoạt động magma sớm nhất còn được lưu giữ liên quan với sự hình thành komatiite và các đá loạt tonalite-trondjemite. Khoảng 3 tỷ năm trước đã bắt đầu hình thành các xâm nhập anorthosite lớn và granite rapakiwi. Dòng nhiệt cao của các giai đoạn tiến hóa sớm của Trái đất là điều kiện thuận lợi để hình thành magma siêu mafic (komatit), mà để thành tạo được cần có mức độ nóng chảy từng phần manti cao, cũng như tạo điều kiện thành tạo granite trong Arkerozoi và Proterozoi sớm. Sự giảm dần dòng nhiệt trong Phanerozoi đã làm giảm vai trò của hoạt động magma siêu mafic và dẫn tới sự gia tăng vai trò của các đá kiềm được hình thành ở mức độ nóng chảy từng phần thấp hơn và độ sâu lớn, sự gia tăng bề dày của thạch quyển và nền hóa vỏ (craton hóa), chuyển từ hoạt động magma vỏ theo vùng sang theo đai dạng tuyến. Các thể magma lớn đông nguội dưới sâu trong khoảng hàng triệu năm và là nguyên nhân của hoạt động địa nhiệt của các đới xung quanh, nguồn của nước khoáng nóng,... Liên quan với hoạt động magma hình thành các mỏ khoáng sản nội sinh trong giai đoạn magma (mỏ magma), cũng như các mỏ do dung dịch nhiệt độ cao (mỏ nhiệt dịch) và tương tác với đá vây quanh (mỏ greisen, mỏ scarn,...).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Schubert G., Turcotte D.L., Olsen P., Mantle Convection in the Earth and Planets, Cambridge University Press, 69-71, 2001.
  2. Wilson M, Igneous petrogenesis, Springer, 3-12, 2012.
  3. Wright T.J., Ayele A., Ferguson D., Kidane T., Vye-Brown C., eds, Magmatic Rifting and Active Volcanism, Special Publications, 420, Geological Society, London, 1- 9, 2016.