Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hoạch định chính sách

Hoạch định chính sách là tiến trình xác định và lựa chọn mục tiêu xây dựng các chính sách phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững của một tổ chức, thể chế hay hệ thống. Chính sách là một hệ thống nguyên tắc có chủ ý hướng dẫn các quyết định và đạt được các kết quả hợp lý thông qua trong một tổ chức, thể chế, hệ thống (doanh nghiệp, ngành, tổ chức chính quyền, đoàn thể,...). Một chính sách được xây dựng để phục vụ cho từng mục đích và có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, khi môi trường thực hiện chính sách thay đổi thì chính sách cũng cần thay đổi để duy trì hiệu lực.

Chính sách có thể phân loại thành hai nhóm là chính sách công do Nhà nước xây dựng, ban hành và chính sách của các doanh nghiệp. Chính sách còn có thể phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ theo René Wies, các tiêu chí phân loại chính sách có thể bao gồm thời gian tồn tại ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn; chế độ hoạt động liên tục, lặp lại với sự đồng bộ của các sự kiện cũng như mối quan hệ của chính sách với các chính sách khác; tiêu chí địa lý: các chính sách được phân nhóm theo vị trí của chúng theo ranh giới địa lý (địa điểm, thành phố, quốc gia, toàn cầu); tiêu chí tổ chức: phản ánh cơ cấu tổ chức, ví dụ chính sách cho các đơn vị kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp hoặc các chính sách chỉ cần phải được tuân theo trong các bộ phận bảo mật cao; tiêu chí dịch vụ: chính sách thường cụ thể đối với một số dịch vụ nhất định mà một tổ chức cung cấp, mua từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc cung cấp cho mục đích sử dụng nội bộ; loại mục tiêu: chính sách áp dụng cho tất cả các hệ thống đầu cuối từ một nhà cung cấp hoặc tất cả các đối tượng mục tiêu có đặc điểm chung; kịch bản quản lý: các chính sách có thể được kết hợp với một kịch bản quản lý cụ thể. Một số chính sách có thể chồng chéo và do đó nên được nhóm lại với nhau thành các chính sách quản lý doanh nghiệp.

Quy trình hoạch định chính sách thường bao gồm các giai đoạn chính, theo trình tự thời gian là:

  • lập chương trình nghị sự
  • hình thành chính sách
  • thông qua chính sách
  • thực thi chính sách
  • đánh giá chính sách.

Nội hàm của từng giai đoạn bao gồm lập chương trình nghị sự (Agenda setting):

  • Các cá nhân và tổ chức, cơ quan chức năng tham gia làm chính sách trình vấn đề ra thảo luận và xem xét đưa vào chương trình chính thức
  • Hình thành chính sách (Policy formulation): chính thức đề xuất các phương án thay thế nhằm giải quyết vấn đề chính sách và giải pháp thay thế trong các đề xuất chính sách công có thể thể hiện dưới dạng dự thảo các * * Quy định pháp lý của chính phủ, tòa án hoặc dự luật của Quốc hội
  • Thông qua chính sách: chính sách được chính thức thông qua bởi đa số thành viên được ủy quyền trong tổ chức và được hợp pháp hoá bởi ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức như Quốc hội, Chính phủ và Tòa án trong phạm vi luật định hoặc được ban hành bởi lãnh đạo theo luật định của tổ chức doanh nghiệp
  • Thực thi chính sách: chính sách sau khi được thông qua sẽ triển khai trong thực tế bởi các thành viên của tổ chức dựa trên nguồn lực của chính tổ chức, chính sách được chuyển đến cơ quan hành pháp để huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực triển khai thực hiện
  • Đánh giá chính sách: chính sách được các bộ phận có chức năng trong tổ chức, thể chế, hệ thống xem xét đánh giá hiệu quả và sự phù hợp để tìm cách cải thiện như điều chỉnh hay thậm chí thay thế chính sách cũ.

Không có sự khác biệt về quá trình hoạch định chính sách doanh nghiệp của Việt Nam so với các nước khác, tuy nhiên hoạch định chính sách công của Việt Nam mang nét đặc thù của thể chế chính trị của Nhà nước Việt Nam. Chính sách của Nhà nước Việt Nam xuất phát từ văn bản pháp lý cao nhất là Hiến Pháp được thể hiện thông qua các luật và bộ luật do Quốc hội ban hành, các văn bản pháp lệnh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, các văn bản nghị định, quyết định, thông tư do Chính phủ và các bộ ban hành; cũng như các văn bản khác do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Văn Khoa, Nguyễn Tiến Dũng, Chiến lược và chính sách môi trường, Nxb. ĐHQGHN, 2000.
  2. Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh, Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững, Nxb. ĐHQGHN, 2000.
  3. Ministry of Housing, Communities and Local Government, UK, National Planning Policy Framework; London, 2019.
  4. Nguyễn Anh Phương, Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 02+03 (306+307): 80-90, 2016.
  5. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật số 80/2015/QH13 - Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, 2015.
  6. The General Secretariat of the Government of the Respublic of Macedonia, Policy Development Handbook, Scopje, April, 2007.
  7. Wies R., Policy Definition and Classification: Aspects, Criteria, and Examples; Proceeding of the IFIP/IEEE International Workshop on Distributed Systems: Operations & Management, Toulouse, France, 10-12 October 1994.