tác phẩm nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam, còn có tên là An Nam nhất thống chí, Nhất thống chí; viết bằng chữ Hán theo thể truyện chương hồi, hiện có nhiều dị bản và không còn bản gốc, tên tác giả cũng được ghi khác nhau. Sách đã được dịch, công bố năm lần: Cát Thành, 1912; Ngô Tất Tố, 1942, tái bản 1958; Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liên, 1950; Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, 1964 được tái bản nhiều lần và Phạm Tú Châu, 2010. Dịch giả Nguyễn Đăng Tấn, Nguyễn Công Liên đặt tên mới cho sách là Hậu Lê thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố, theo Kiều Thu Hoạch (trong Lời giới thiệu đầu bản dịch in lần thứ tư, năm 1999) là bản dịch có lời văn lưu loát, nhưng chỉ là bản dịch thoát, thậm chí thêm bớt, sửa chữa đến cả bố cục. Nhìn chung các bản dịch đều chọn một bản nền, dù có tham khảo các bản khác cũng khó bao quát hết, vì vậy mỗi bản dịch đều có sự sai biệt, có thể dẫn đến những biện luận khác nhau về giá trị nội dung, nghệ thuật và cả một vài khía cạnh khái quát của tác phẩm. Bởi những lẽ đó, HLNTC cần xem xét đủ cả ba phương diện: văn bản, tác giả và tác phẩm.
Văn bản HLNTC có thể xếp làm 3 loại: Loại một gồm 2 bản: VHv.1534a/1-2, chép tay, tên sách ghi: HLNTC không ghi tên tác giả, có bài Tựa và nhiều lời chú lời bình không rõ ai viết và VHv.1296, chép tay, đã rách nát nhiều chỗ, có lời Tựa giống bản VHv.1534a; Loại hai gồm 3 bản: A.883, R. 1655-1656 (in thạch), tên sách ghi: An Nam nhất thống chí, tên tác giả ghi: Thiêm thư Ngô Thì Thiến ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Sơn Nam. Sách do Nguyễn Hữu Thường, Thị độc Viện Hàn lâm, sung Lục sự thụ hạng 5 phủ Thống sứ Bắc Kỳ vâng mệnh chép ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), niên hiệu Thành Thái thứ 11 và bản VHv.1542/1-2 cùng dạng với A. 883 nhưng là sách chép tay, chữ viết khác bản in thạch; Loại ba gồm 2 bản: A.22, chép tay rõ ràng, là loại sách thuộc Trường Viễn Đông bác cổ trước đây thuê chép. Sách ghi: An Nam nhất thống chí, tác giả: Ngô gia văn phái, Học Tốn viết, Trưng Phủ nối theo, có Tựa giống bản VHv. 1534a, và bản chép tay của Viện Văn học.
Lại có các dị bản HLNTC do nhiều người sao chép trong nhiều thời điểm khác nhau.
Từ việc so sánh văn bản, có thể rút ra mấy nhận xét:
1. Sách được hoàn thành cách thời đại ngày nay không xa nhưng văn bản đã không ngừng được bổ sung, sửa chữa, tạo nên những dị bản; có phần là vô ý mà chép sai, chép lầm nhưng cũng có phần là do người sao chép sách có ý thức chủ động thêm bớt, sửa chữa theo quan điểm của mình.
2. Tác phẩm mở đầu, nối tiếp và hoàn thành trong thời gian khá dài. Nếu kể từ 1787 là năm Ngô Thì Chí chưa phải bôn ba theo Chiêu Thống, có thì giờ viết sách, cho tới năm Tự Đức thứ 14 (1861) là năm kết thúc hồi 17 của một số bản thì thời gian được viết trong khoảng 74 năm, từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Sách do nhiều người viết, thuộc nhiều thế hệ sống ở nhiều thời điểm khác nhau, hoàn cảnh, triều đại khác nhau, do đó mà sự từng trải, nhân chứng và cả cách viết cũng không giống nhau, tạo nên sự không thống nhất ít nhiều trong phong cách nghệ thuật.
3. Các văn bản HLNTC hiện còn đều được sao chép dưới thời Nguyễn, bản Nguyễn Hữu Thường hoàn thành năm 1899, bản A. 22 còn hình thành muộn hơn nhưng là bản hoàn hảo hơn cả. Điều may mắn là dù nhiều dị bản nhưng về cơ bản nội dung tác phẩm không có những sai biệt quá lớn, có thể tác động quan trọng đến diện mạo và tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.
Xét về tác giả, nếu tính đến cả các bản chỉ được biết gián tiếp qua bài viết của các nhà nghiên cứu hoặc bản dịch thì nhìn chung các bản đều thống nhất tác phẩm là của Ngô gia, gồm: Ngô Thì Chí viết 7 hồi đầu, Ngô Thì Du viết 7 hồi nối tiếp; ba hồi cuối không ghi tên người viết, song có nhiều nguồn cho tác giả là Ngô Thì Thiến, ví như các bản: A.883, R.1655-1656, VHv. 1542/1-2; Lại có nguồn cho tác giả là Ngô Thì Nhậm, như tài liệu Đăng khoa lục sưu giảng (ký hiệu A. 224 và một số bản khác). Trong mục Ngô Thì Nhậm, sách này chép: “Ông còn soạn sách An Nam nhất thống chí, soạn sử ký triều Tây Sơn và triều Lê”.
Nhìn chung, qua các tư liệu hiện còn và ghi chép của dòng họ Ngô về tư cách tác giả của Ngô Thì Chí (7 hồi đầu) và Ngô Thì Du (7 hồi tiếp theo) là đáng tin cậy hơn cả. Ngô Thì Nhậm có thể giữ vai trò biên tập cả 14 hồi. Ba hồi sau có lẽ được một người nào đó không chủ ý trước tác mà chỉ làm qua loa cốt để hoàn thành tư tưởng “nhất thống” của bộ sách.
HLNTC là tập truyện dài văn xuôi chữ Hán đầu tiên của văn học Bắc Hà. Các tác giả của bộ sách, những nhà nho nặng tư tưởng chính thống viết sách với một ước mong đất nước “nhất thống”. Sự nhất thống ấy thuộc về nhà Lê - “Hoàng Lê”. Bộ sách đã phản ánh khá đầy đủ một giai đoạn đất nước xảy những biến cố vô cùng lớn lao, khắc nghiệt đủ sức để chỉ chưa đầy ba chục năm đã đảo lộn cả cục diện chính trị xã hội, kết thúc một triều đại từng tồn tại mấy trăm năm, từng đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc để rồi lại bước vào thời kỳ khủng hoảng bê bối. HLNTC đã vẽ nên bức tranh chân thực về những năm tháng cuối cùng rệu rã, thoi thóp của triều đình Lê - Trịnh.
Nghệ thuật của HLNTC thành công trước hết ở bút pháp hiện thực khách quan. Từ cốt lõi lịch sử, tác phẩm đã dựng nên bức tranh gần như toàn cảnh xã hội Bắc Hà, và một phần Nam Hà khoảng ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII. Bức tranh đó còn được bổ sung bằng một vài nét chấm phá về tình cảnh khốn khổ của người dân. Dân chúng không phải là đối tượng các tác giả HLNTC đi sâu miêu tả nhưng chỉ qua một vài chi tiết được các nhân vật kể lại cũng đủ thấy đương thời dân chúng khổ sở đến thế nào! Chỉ trong vòng bảy năm (1782 - 1789) Bắc Hà đã trải qua đến mấy cuộc chiến tranh, nội bộ có, ngoại xâm có. Người dân kinh thành mấy lần phải dắt già bế trẻ sấp ngửa chạy trốn, tranh nhau qua sông qua đò, tắc nghẽn cả đường xá.
Sân khấu Lê - Trịnh những năm tháng cuối cùng như một vở tuồng đã sắp hạ màn mà các nhân vật chủ chốt đều là những vai hề không được tự ý thức, lao vào những cuộc tranh giành quyền vị, tham lam vơ vét, ân đền oán trả khốc liệt. Bắc Hà lâm vào tình trạng nhốn nháo loạn lạc, đất nước bỗng nhiên trở thành miếng mồi ngon để vua tôi nhà Thanh toan tính, sắp đặt, đứng bên bờ của sự diệt vong.
Tác phẩm là truyện chương hồi, thuộc thể loại tiểu thuyết, chấp nhận biện pháp hư cấu. Tuy nhiên do tác phẩm đã đạt tới chân lý lịch sử (bên cạnh chân lý nghệ thuật) nên bộ sách vẫn là tài liệu tham khảo rất quý cho sử học.
Một thành công nổi bật nữa về nghệ thuật của HLNTC là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Đây là bộ sách đầu tiên bao quát một số lượng nhân vật rất lớn: tám mươi nhân vật có tên tuổi, có hoạt động và ít nhiều đều được miêu tả tính cách, ngoài ra cũng khoảng vài chục người chỉ nhắc đến tên hoặc xuất hiện gián tiếp qua lời kể của nhân vật khác. Số lượng nhân vật đông đảo như vậy nhưng các tác giả không mắc một sai sót nào do nhầm lẫn, sơ suất, (trừ một trường hợp Duy Án trong hồi 9 đã chép bị dìm thuyền phía ngoài biển Nghệ An, hồi 15 lại chép đi đường Du Quan chạy vào Trung Quốc, nhưng cũng có thể thuyền đắm mà Án không chết chăng?) và nhất là mỗi nhân vật đã có thể là một tính cách được cá biệt hóa.
Nếu như khi trình bày sự kiện, miêu tả sự vật bút pháp HLNTC đa dạng, phong phú thì khi xây dựng nhân vật, ưu điểm ấy cũng được phát huy. Có nhân vật tác giả sử dụng bút pháp trào lộng, châm biếm, có nhân vật tác giả sử dụng bút pháp trữ tình, ngợi ca, có khi tả thực, có khi chỉ ghi những dòng tiểu sử giản dị, có khi giới thiệu trang trọng,... Nguyễn Huệ là một mẫu hình không lặp lại ở những nhân vật khác. Nguyễn Huệ là dạng nhân vật “người thật việc thật”, là vua đồng thời là tướng, đích thân quyết định những việc quan trọng của đại cục. Huệ không bị vướng víu bởi các lề thói và những nguyên tắc lễ giáo nho gia, nhưng khi cần ông lại biết sử dụng nho gia để ổn định đất nước. Có lẽ đây chưa phải là kế sách hay nhất cho Nguyễn Huệ nhưng ông chưa đủ điều kiện để tìm kiếm một mô hình xã hội mới. Đó cũng là một điều đáng tiếc. Nguyễn Huệ ý thức rõ về nguồn gốc bình dân của mình: "Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất", nhưng lại không hề tự ti. Ngay từ khi còn là tướng của anh, Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã là một tính cách mạnh. Từ những trận đánh Phú Xuân, đánh phương Nam, đánh ra Thăng Long diệt Trịnh, sắp đặt cục diện Bắc Hà đến cuộc tổng tiến công quét sạch quân Tôn Sĩ Nghị, Huệ đều oai phong lẫm liệt, có phong thái của một chiến tướng mà nói theo cách của Nguyễn Du thì "Đánh quen trăm trận sức dư muôn người". Ông là người chí lớn, sắc sảo trong xét đoán và biết lắng nghe ý kiến người khác, không cả tin nhưng táo bạo, dám mạo hiểm và đặc biệt là quyết đoán. HLNTC đã cho thấy một Nguyễn Huệ không phải là một khối trong suốt mà vừa có nét thô ráp, thậm chí tính khí dữ dằn, hiếu sát, nhưng cũng vừa là con người trí tuệ, biết lễ, biết bao dung, biết trọng dùng kẻ sĩ và ở một mức độ nhất định đã dám tôn trọng cái chí của kẻ sĩ. Những bề tôi như Ngô Thì Nhậm đã xem ông là bậc quân vương tri kỷ của mình, những người khác không muốn cộng tác với tân triều cũng được cho thuận như ý nguyện. Quang Trung đúng là một mẫu hình nhà vua "khác lạ" trong lịch sử Việt Nam thời trung đại. Thông qua những chi tiết đắt giá được chọn lọc các tác gia dòng họ Ngô Thì đã dựng lại được chân dung một vị vua anh hùng có tài cầm quân tầm cỡ quốc tế. Dù với tất cả điểm mạnh điểm yếu nhưng hình ảnh cuối cùng rất đẹp ghi lại trong tâm trí người đọc là một “Nguyễn Quang Trung” anh hùng khoác chiếc áo bào đỏ nhuốm đen thuốc súng trong trận đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng dân tộc. Không hoàn toàn không hữu lý khi cho rằng, nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du được gợi ý ít nhiều từ nguyên mẫu Nguyễn Huệ. Và có lẽ cũng không quá vô lý khi liên tưởng Nguyễn Huệ với hoàng đế Napoleon ở nhiều phương diện tài năng và tính cách. Nguyễn Huệ vẫn là nhân vật chói sáng nhất của bộ sách "ghi chép về sự nhất thống của nhà Lê".
Người đầu tiên "phát hiện" ra Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh. Trong tình thế cấp bách, Chỉnh đã tìm đến với Tây Sơn và sau đó cũng có ít nhiều công lao giúp Tây Sơn mở mang bờ cõi, lại làm "thày dùi" trong cuộc Nguyễn Huệ đánh ra Thăng Long "phò Lê diệt Trịnh". Chỉnh cũng là một tài năng nhưng gặp nạn có lẽ do đã không dứt khoát trong sự lựa chọn chỗ đứng và không đánh giá đúng được năng lực của mình, đã ham muốn những điều "ngoài phận". Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là một nhân vật được khắc hoạ thành công của HLNTC.
Giống như Nguyễn Hữu Chỉnh có thể kể đến nhân vật “nữ lệch” nổi tiếng Đặng Thị Huệ. Trở thành vai lệch trước hết vì Đặng Thị Huệ không chịu sự sắp đặt của số phận cũng có nghĩa là của thế lực chính thống trong triều. Chỉ là con nhà dân, một gốc gác “hạ tiện”, nhưng bằng nhan sắc, trí thông minh và đặc biệt là sử dụng thành công thế mạnh của giới, đánh bạt tất cả hàng trăm người đẹp tuyển chọn từ khắp nơi trong thiên hạ đưa về chốn hậu cung, thực hiện bằng được mục đích của mình, nàng họ Đặng đã đạt được một hạnh phúc mà hàng bao nhiêu cung tần mỹ nữ thậm chí chính cung hoàng hậu rất nhiều triều đại không thể mơ đến được.
Các nhân vật của HLNTC không đơn điệu, một chiều, chỉ có hành động mà đã có nội tâm, có phát triển, đa diện. Đó là nét mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, một bước tiến của văn xuôi trung đại Việt Nam.
Cần phải nói đến nghệ thuật trào phúng trong HLNTC khi đã trở thành công cụ được sử dụng để phê phán mà đối tượng là những quan chức bất tài, những hiện tượng kệch cỡm xấu xa trong triều đình Lê -Trịnh và trong xã hội loạn lạc đương thời. Các tác giả đã "bắt chộp" được những chi tiết rất đắt, lại khéo sắp đặt, trình bày chúng trong những hoàn cảnh oái oăm, đan xen giữa cái nghiêm trang và cái trào lộng, tạo được tình huống bất ngờ đầy kịch tính, đem lại tiếng cười để rồi sau đó gợi lên những liên tưởng, suy tư thâm trầm.
Chịu ảnh hưởng của thể loại tiểu thuyết chương hồi trong khu vực, song HLNTC lại có mặt độc đáo riêng, đó là ghi chép, dựng lại chính những sự kiện và nhân vật mà các tác giả tai nghe, mắt thấy hoặc đích thân tham dự, tiếp xúc, thậm chí là đồng liêu hoặc cùng dòng máu với mình, không cần né tránh mọi sự phiền toái bằng cách ảnh xạ, đưa sự việc ngược lên các đời trước. Do vậy bên cạnh nghệ thuật viết truyện còn là dũng khí nhìn thẳng vào hiện thực đang sống với tâm huyết phản ánh những vấn đề lớn, những rạn nứt, đổ vỡ ghê gớm một thời mà các tác giả với con mắt sử gia muốn ghi lại một cách chân thực.