Hoà bình là trạng thái xã hội không có chiến tranh, xung đột, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, tập đoàn chính trị - xã hội.
Hoà bình được nhìn nhận là lúc xã hội không có chiến tranh, xung đột hoặc chiến tranh, xung đột đã chấm dứt. Trong xã hội có giai cấp, Hoà bình thường bị gián đoạn bởi chiến tranh, xung đột, khủng bố. Hoà bình mang lại môi trường ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái..., nhưng cũng dễ che giấu những khuyết tật xã hội, đem lại sức ì về tâm lý xã hội. Hoà bình có thể diễn ra bình thường, tự nhiên, song cũng có thể được tạo dựng bằng quá trình đấu tranh hoặc kết thúc chiến tranh giữa các bên tham chiến, bằng sự cưỡng chế từ sức mạnh bạo lực hoặc bằng bạo lực vũ trang. Theo tính chất hoạt động của chủ thể duy trì Hoà bình, có: hòa hoãn, hưu chiến, đình chiến, hủy chiến, bang giao hữu hảo, định chế Hoà bình quốc tế. Tiêu biểu là các hiệp ước, hòa ước được ký kết giữa các chính phủ như các hiệp ước hữu nghị và hợp tác, hiệp ước thương mại và hàng hải, hiệp ước an ninh… hoặc để củng cố về mặt pháp lý về việc chấm dứt chiến tranh, khôi phục quan hệ Hoà bình giữa các bên tham chiến… Hoà bình được thực hiện qua Tuyên bố Về quyền của của các dân tộc được sống trong hòa bình (1984) của Liên hợp quốc (Tuyên ngôn Hòa bình) và việc xác lập trạng thái Hoà bình giữa các quốc gia hoặc liên quốc gia với sự ký kết của các bên trực tiếp tham gia chiến tranh. Khả năng duy trì Hoà bình phụ thuộc vào sức sống của nền chính trị và tiềm lực tổng hợp của đất nước, nhất là tiềm lực kinh tế, quân sự, quốc phòng. Khi Hoà bình trở thành vấn đề toàn cầu thì khả năng duy trì Hoà bình càng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, đó là: các định chế của Liên hợp quốc, sự hậu thuẫn của đồng minh có thể tham chiến hoặc gìn giữ Hoà bình, hoạt động và thái độ của các nước lớn chi phối.
Lực lượng duy trì và gìn giữ Hoà bình là các nhà nước, các định chế quốc tế, hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhân dân, lực lượng vũ trang và các liên minh kinh tế, chính trị, quân sự thực hiện. Trong đó, nhà nước là chủ thể quan trọng nhất, chịu trách nhiệm pháp lý tổ chức, huy động mọi lực lượng, sức mạnh để duy trì, gìn giữ Hoà bình, đồng thời hướng nền Hoà bình đến giải quyết các mục tiêu chính trị xác định. Hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong định hướng, tập hợp và tổ chức nhân dân thành mặt trận đấu tranh gìn giữ Hoà bình. Nhân dân là chủ thể quan trọng hàng đầu, lực lượng vũ trang đóng vai trò nòng cốt. Lực lượng vũ trang đủ mạnh tạo ra sự răn đe cần thiết đối với những thế lực phá hoại Hoà bình, gồm: lực lượng vũ trang của mỗi quốc gia, lực lượng đa quốc gia, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế; lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Liên minh kinh tế, chính trị, quân sự, đóng vai trò hỗ trợ, hoặc trực tiếp tham gia gìn giữ Hoà bình, ổn định an ninh chung. Đối với từng quốc gia, dân tộc còn là sự ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng Hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, lực lượng trong nước và lực lượng quốc tế.
Quyền được sống trong Hoà bình và thúc đẩy quyền này là nghĩa vụ cơ bản của mỗi quốc gia. Ngay sau khi Cách mạng tháng Mười Nga (1917) thành công, Lênin đã soạn thảo “Sắc lệnh về hòa bình”, kêu gọi nhân dân và chính phủ các nước đang bị lôi kéo vào cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất chấm dứt chiến tranh, thiết lập Hoà bình. Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc tế, các nguyên tắc về chung sống Hoà bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia, tinh thần quốc tế vô sản, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được nêu lên. Hiện nay, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình là nguyên tắc quan trọng nhất của chính sách đối ngoại, giải quyết bất đồng, mâu thuẫn chính trị của các nước. Tuy nhiên, chiến tranh, xung đột vũ trang và khủng bố vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên thế giới cùng âm mưu, thủ đoạn của “diễn biến hòa bình”, sự áp đặt không bình đẳng của một số nước lớn làm cho môi trường Hoà bình trở nên phức tạp, khó lường. Vì vậy, một nền Hoà bình thực sự và bền vững chỉ có thể được thực hiện khi không còn áp bức, bất công. Đấu tranh bảo vệ Hoà bình phải gắn xóa bỏ mối đe dọa của chiến tranh, từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và giải quyết các xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc.
Dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng Hoà bình, ủng hộ phong trào Hoà bình và tích cực tham gia vào các hoạt động gìn giữ Hoà bình, nhưng không chấp nhận Hoà bình trong nô dịch, Hoà bình bằng mọi giá. Giữ vững môi trường Hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004;
- Sách chuyên khảo Chiến tranh hòa bình trong lịch sử và đương đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016;
- Từ điển pháp luật phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr: 257-261; 555, 556;
- Trung tướng, TS Nguyễn Đình Chiến Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng. Tạp chí Khoa học quân sự tháng 5.2009: Nghiên cứu mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa một vấn đề lý luận và thực tiễn.
- Đại tá, PGS, TS Lê Văn Quang, Tạp chí Giáo dục lí luận chính trị quân sự: Một số vấn đề phương pháp luận về chiến tranh và hòa bình hiện nay.
- Một vài suy nghĩ về vấn đề chiến tranh và hòa bình trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Nghiêm Xuân Lượng, quyền vụ trưởng vụ Trung Đông - Châu Phi - Mỹ Latinh Ban Đối ngoại Trung ương.
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Bộ Quốc phòng, Nxn Chính trị Quốc gia, Sự Thật, Quốc phòng Việt Nam năm 2019.
- Thư viện Pháp luật: Tuyên bố về quyền các dân tộc được sống trong hòa bình (1984) của Đại hội đồng Liên Hợp quốc Nghị quyết số 39/11 ngày 2.11.1984.