Hiệp ước Pháp - Campuchia (1863, 1867, 1884) bao gồm các hiệp ước được ký kết vào các năm 1863, 1864 và 1884 giữa vua Norodom của Campuchia và thực dân Pháp. Các hiệp ước này từng bước gạt bỏ sự ảnh hưởng của Xiêm khỏi Campuchia, thiết lập nền bảo hộ và biến Campuchia thành thuộc địa của Pháp.
Vương quốc Campuchia được hình thành khoảng thế kỷ VII dưới tên gọi Chân Lạp, nhưng thời kỳ phát triển cực thịnh là giai đoạn đế chế Angkor (thế kỷ IX -XV). Trước sự suy tàn của Angkor, các quốc gia lân bang của người Môn, Chăm, Thái, Việt…đã liên tục tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình đối với người Khmer. Từ thế kỷ XVII, Campuchia cũng là địa điểm lui tới thường xuyên của các giáo sĩ, nhà buôn, nhà thám hiểm phương Tây, như người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp. Trong bối cảnh đó, để duy trì nền độc lập và bảo vệ quyền lợi của vương triều, triều đình Campuchia đã tìm kiếm sự liên minh và bảo hộ từ các thế lực bên ngoài.
Hiệp ước 1863[sửa]
Những người Pháp đầu tiên đến Campuchia chủ yếu là các giáo sĩ thừa sai với mục đích truyền bá đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, người Khmer vốn đã chịu ảnh hưởng của đạo Hindu và đạo Phật nên đạo Thiên Chúa rất khó thâm nhập. Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ của Việt Nam, người Pháp đã đẩy nhanh kế hoạch thôn tính Campuchia. Tháng 6.1863 đô đốc Pháp tại Nam Kỳ De La Grandière chỉ huy pháo thuyền sang Campuchia với danh nghĩa tìm địa điểm xây dựng căn cứ hải quân, nhưng mục đích chính là phô trương thanh thế với triều đình Campuchia. Khi đó, De La Grandière đến kinh đô Oudong, bất chấp sự hiện diện của đại diện triều đình Xiêm, để trực tiếp gặp vua Norodom. Ngày 11.8.1863, De La Grandière và vua Norodom đã ký hiệp ước, thiết lập chế độ bảo hộ của người Pháp ở Campuchia. Nội dung của Hiệp ước gồm những điều khoản chính sau:
- Pháp nhận bảo hộ Campuchia. Hiệp ước 1863 quy định chính phủ Pháp sẽ cử một viên khâm sứ bên cạnh nhà vua Campuchia để thực hiện chức năng “bảo hộ” của Pháp với nước này;
- Việc ký kết và giao tiếp của vua Campuchia với nước khác phải được Pháp đồng ý;
- Thừa nhận quyền lãnh sự tài phán của Pháp trên đất Campuchia;
- Hàng hóa của Pháp được nhập vào Campuchia miễn thuế;
- Người Pháp được tự do truyền đạo ở Campuchia.
Tháng 4.1864, Hiệp ước Pháp-Campuchia chính thức được vua Napoleon phê chuẩn. Thực chất, Hiệp ước 1863 là hiệp ước xâm lược của Pháp đối với Campuchia. Hiệp ước này trao cho thực dân Pháp được quyền đi lại, cư trú, kinh doanh, truyền đạo…tạo mọi điều kiện cho hoạt động chính trị, quân sự của Pháp ở Campuchia. Với hiệp ước này, Pháp đã từng bước gạt bỏ Xiêm ra khỏi Campuchia, bằng chiêu bài “bảo hộ”, từng bước nắm quyền và biến Campuchia thành thuộc địa.
Tuy vậy, trong thời gian này, triều đình Xiêm vẫn có ảnh hưởng đối với triều đình Campuchia. Sau Hiệp ước Pháp-Campuchia (1863), triều đình Campuchia sợ mất lòng vua Xiêm đã ký hiệp ước với Xiêm vào ngày 1.12.1863, chấp nhận sự bảo hộ của Xiêm và cắt tỉnh Pursat và Compong Svai (Campong Xoài) cho Xiêm. Vì vậy, thực dân Pháp phải thực hiện các biện pháp mềm mỏng, thương lượng với vua Xiêm, trong khi vẫn tiếp tục uy hiếp hoàng cung Campuchia. Mục tiêu chính của Pháp là gạt bỏ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Xiêm để độc chiếm Campuchia.
Hiệp ước 1867[sửa]
Năm 1867, trong khi Xiêm đang lo chống đỡ với Anh ở phía nam và tây bắc, Pháp cũng nhận thức được rằng không thể chống đỡ với nhiều kẻ thù cùng một lúc. Vì vậy, ngày 15.7.1867, Pháp với Xiêm đã ký hiệp ước với các nội dung chủ yếu sau:
- Nước Xiêm thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Campuchia;
- Hủy bỏ bản hiệp ước ký kết giữa Xiêm và Campuchia tháng 12.1863;
- Chính phủ Pháp cắt nhường các tỉnh Battambang và Angkor cho Xiêm.
Với Hiệp ước này, người Pháp đã hoàn toàn gạt bỏ Xiêm, chính thức thiết lập quyền bảo hộ trên đất nước Campuchia. Hiệp ước này cũng đánh dấu sự rút lui của Xiêm khỏi Campuchia. Về thực chất, Hiệp ước Pháp - Xiêm như một thỏa thuận chia phần trên xương máu của dân tộc Khmer. Hiệp ước đó là bằng chứng không chối cãi được về việc Pháp cướp chủ quyền của Campuchia.
Hiệp ước 1884[sửa]
Sau khi thôn tính Việt Nam, ngày 17.6.1884 thực dân Pháp tiếp tục buộc vua Norodom ký thêm hiệp ước bảo hộ. Việc ký Hiệp ước 1884 của vua Norodom đã diễn ra trong sự cưỡng bức trắng trợn của thực dân Pháp. Đêm 17.6.1884, khi vua Norodom đã đi nằm, thống đốc Nam Kỳ là Thomson cùng một toán lính xông vào hoàng cung buộc vua Norodom dậy, bắt ký vào hiệp ước đã viết sẵn. Nội dung chủ yếu là:
- Vua Campuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do chính phủ Pháp tiến hành;
- Các quan chức bản xứ ở các tỉnh được giữ nguyên nhưng phải chịu sự kiểm soát và điều khiển của Pháp;
- Các ngành thuế vụ, thương chính, giao thông trở thành những ngành riêng do quan chức người Pháp nắm giữ;
- Chính phủ Pháp giữ quyền bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh. Công sứ có quyền duy trì trật tự, trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương. Công sứ chịu sự điều khiển của khâm sứ, khâm sứ đặt dưới quyền của Thống đốc Nam Kỳ.
Với Hiệp ước này, quyền cai trị Campuchia đã thực sự thuộc về thực dân Pháp. Điều ước quy định rõ vua Campuchia là người nhận lương của Pháp. Khâm sứ có quyền “hội kiến” với vua bất kỳ lúc nào. Quyền sở hữu đất đai truyền thống được thay thế bằng chính sách mới. Chế độ sở hữu của nhà vua được thay thế bằng chế độ sở hữu tư nhân. Ruộng đất có thể được mua bán, chuyển nhượng. Tóm lại, Campuchia phải chịu sự bảo hộ của Pháp, thuộc Pháp trong mọi vấn đề về nội trị và ngoại giao. Trên thực tế, Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp
Như vậy, với Hiệp ước 1884, thực dân Pháp đã chính thức nắm toàn quyền chi phối nền thống trị ở Campuchia, từng bước thay đổi bộ mặt xã hội và quan hệ kinh tế ở Campuchia cho phù hợp với chính sách khai thác bóc lột thực dân. Nhân dân Campuchia từ sau Hiệp ước 1884 chịu đựng thêm ách bóc lột nặng nề của thực dân Pháp. Với hiệp ước này, quá trình Pháp xâm chiếm Campuchia đã hoàn thành. Sau khi thôn tính xong Lào năm 1893, Campuchia cùng với Việt Nam và Lào được gọi một cái tên chung là “Đông Dương thuộc Pháp”.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tìm hiểu đất nước Campuchia anh hùng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979.
- D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Nghiêm Đình Vỳ, Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Lược sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999.
- Mary Somers Heidhues, Lịch sử phát triển Đông Nam Á, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2007.
- Lương Ninh, Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.