Hiệp ước La Haye (1949) còn gọi là Thỏa thuận Hội nghị bàn tròn, được ký kết vào tháng 11.1949 giữa Hà Lan và Indonesia, nhằm chấm dứt xung đột giữa hai nước bắt đầu từ sau khi Indonesia tuyên bố độc lập vào năm 1945.
Ngày 17.8.1945, Sukarno tuyên bố độc lập và thành lập chính quyền mới tại Indonesia. Hà Lan được quân đội Anh, với danh nghĩa Đồng minh làm nhiệm vụ giải giáp vũ khí của quân Nhật, tạo điều kiện quay trở lại tái chiếm Indonesia. Sau khi Anh rút quân (tháng 10.1946), trước áp lực từ các cuộc đấu tranh của nhân dân Indonesia và dư luận quốc tế, Hà Lan đã ký kết với Indonesia các hiệp định công nhận chủ quyền hạn chế của Indonesia đối với một số vùng lãnh thổ chính. Từ năm 1947 đến 1949, ba hiệp định đã được ký kết: Linggardjati (25.3.1947) công nhận Java, Sumatra và Madura là nước Cộng hòa sau trở thành Liên bang Indonesia; Renville (17.1.1948) công nhận Trung Java, Jogjakarta và Sumatra thuộc Cộng hòa Indonesia, và Roem-van Roijen (6.7.1949) trao trả tù bình, trả lại thủ đô Jogjakarta và xác nhận Indonesia tham dự Hội nghị bàn tròn vào tháng 8.1949.
Hội nghị bàn tròn được tổ chức từ ngày 23.8 đến 2.11.1949. Tham dự có các đại diện của Hà Lan, Indonesia, 15 chính quyền địa phương do Hà Lan thành lập trên quần đảo Indonesia và đại diện Uỷ ban về Indonesia của Liên hợp quốc. Sau hơn 2 tháng thương thuyết, các bên đã đi đến ký kết các văn kiện được gọi chung là Hiệp ước La Haye, gồm ba văn kiện chính (Đạo luật Liên minh Hà Lan - Indonesia, Tuyên bố chuyển giao chủ quyền và Thỏa thuận về các biện pháp chuyển giao) cùng các tài liệu phụ trợ. Theo Hiệp ước, Hà Lan công nhận và đồng ý chuyển giao chủ quyền chính trị đối với toàn bộ lãnh thổ của quần đảo Indonesia (ngoại trừ Tây Irian) chậm nhất trước ngày 30.12.1949 cho Cộng hòa Liên bang Indonesia. Hà Lan phải nhanh chóng rút toàn bộ quân đội ra khỏi Indonesia, chỉ để lại một phái đoàn quân sự làm nhiệm vụ thành lập, huấn luyện quân đội Indonesia và cố vấn các vấn đề quân sự liên quan. Indonesia và Hà Lan thành lập Liên minh Hà Lan - Indonesia do Nữ hoàng Juliana và những người kế vị hợp pháp đứng đầu. Tuy nhiên, Liên minh này chỉ có vai trò như tòa án trọng tài và cơ quan tham vấn để giải quyết các bất đồng pháp lý.
Đổi lại, Chính phủ của Cộng hòa Liên bang Indonesia phải bảo đảm việc khôi phục tất cả các tài sản của người Hà Lan từ các công ty Đông Ấn ở Indonesia cho chính phủ Hà Lan và bảo lãnh cho các nhà đầu tư Hà Lan tại quần đảo này. Sẽ không có sự bất bình đẳng về quyền đối đối với các công ty hoặc công dân Hà Lan. Các khoản nợ từ năm 1942 (4,3 tỉ gulden, tương đương với 1,2 tỉ USD) phải được Indonesia thanh toán mà không cần Hà Lan trợ giúp. Tình trạng của Tây Irian dự kiến được giải quyết trong các cuộc thảo luận giữa hai bên diễn ra vào năm 1950.
Các bên đã ký kết các hiệp định về kinh tế và tài chính, quốc tịch của cư dân, các quy định liên quan đến lực lượng quân sự (bộ binh, hải quân, không quân), tình trạng của các nhân viên hành chính dân sự sau chuyển giao chủ quyền,… Đại diện các chính phủ trên quần đảo Indonesia đã ký kết các hiệp ước hợp tác trên lĩnh vực phòng thủ quốc gia, quan hệ văn hóa, soạn thảo dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa Liên bang Indonesia.
Ngày 19.12.1949, Cộng hòa Liên bang Indonesia được thành lập, gồm 16 bang tự trị do Sukarno làm Tổng thống, Mohammad Hatta làm Thủ tướng. Ngày 27.12.1949, lễ chuyển giao chủ quyền của Indonesia được tổ chức tại Amsterdam.
Thỏa thuận La Haye rõ ràng có lợi cho Hà Lan, buộc Indonesia phụ thuộc vào Hà Lan về kinh tế và ngoại giao. Indonesia không hài lòng với một số điều khoản trong thỏa thuận, đặc biệt liên quan đến bản chất của nhà nước, ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Hà Lan tại các bang tự trị, vấn đề nợ và vấn đề Tây Irian. Phong trào đấu tranh chống thể chế liên bang bùng nổ, dẫn đến sự giải tán của Cộng hòa Liên bang Indonesia vào ngày 17.8.1950. Hiến pháp tạm thời được soạn thảo, Cộng hòa Indonesia được thành lập.
Hiệp ước La Haye đã bị Hà Lan vi phạm vào năm 1956, khi Chính phủ Hà Lan xâm chiếm lãnh thổ Tây Papua mà không cần thương lượng hay thông báo cho Indonesia. Sự kiện này dẫn đến việc Quốc hội Indonesia đã hủy bỏ hiệp ước La Haye vào ngày 21.4.1956.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, 1997.
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á - Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2015.
- United Nations Commission for Indonesia: Appendices to the Special Report to the Security Council on the Round Table Conference, S/1417 Add.1, November 14, 1949 (173 pages). (Ủy ban Liên Hợp Quốc về Indonesia: Phụ lục của Báo cáo đặc biệt gửi Hội đồng Bảo an về Hội nghị Bàn tròn, S/1417 Add.1, ngày 14 tháng Mười một 1949).
- Amry Vandenbosch, Netherlands - Indonesian Union, Far Eastern Survey, Jan. 11.1950, Vol. 19, No. 1 (Jan. 11.1950), pp.1-7, 1950. (Amry Vandenbosch, Liên hiệp Hà Lan – Indonesia, Nghiên cứu Viễn Đông, ngày 11 tháng Một 1950)
- George McTurnan Kahin, Nationalism and Revolution in Indonesia, Cornell University Press, 1952. (George McTurnan Kahin, Chủ nghĩa dân tộc và Cách mạng tại Indonesia, Nxb. Đại học Cornell, 1952)
- Ide Anak Agung Gde Agung, Twenty Years Indonesian Foreign Policy: 1945 - 1965, Mouton & Co, 1973. (Ide Anak Agung Gde Agung, Hai mươi năm chính sách đối ngoại của Indonesia: 1945 – 1965, Mouton & Co, 1973)