Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp định đình chiến Compiègne (1918)

Hiệp định đình chiến Compiègne (1918) văn bản ký kết ngày 11.11.1918 giữa đại diện chính quyền Đức và đại diện phe Hiệp ước tại Compiègne (Pháp).

Từ năm 1917, sau khi Mỹ tham chiến và tuyên chiến với Đức, cục diện cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất nghiêng về phe Hiệp ước. Đức gặp nhiều khó khăn và trở nên đơn độc khi các thành viên của khối Liên minh (Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo) lần lượt ký hiệp ước đầu hàng phe Hiệp ước. Trong năm 1918, quân Đức thất bại liên tiếp trên chiến trường. Ở Đức, quần chúng nhân dân, công nhân và binh lính nổi dậy đấu tranh đòi chính quyền Đức ngừng chiến và thực hiện cải cách chính trị - xã hội.

Ngày 6.11.1918, Bộ chỉ huy quân đội Đức quyết định đầu hàng phe Hiệp ước. Ngày 7.11.1918, đại diện phái đoàn Đức đi trên một chiếc ô tô kéo cờ trắng tới đại bản doanh của tướng Ferdinand Foche đặt tại khu rừng Compiègne (miền Bắc nước Pháp) để đàm phán các điều kiện đình chiến. Ngày 9.11.1918, công nhân và quần chúng nhân dân Đức tiến hành cuộc tổng bãi công sau đó biến thành cuộc khởi nghĩa ở Berlin. Đế chế Đức bị lật đổ, chính quyền Cộng hòa được thành lập. Ngày 11.11.1918, chính quyền mới của Đức chấp thuận các điều kiện đầu hàng do phe Hiệp ước đưa ra.

Hiệp định đình chiến Compiègne được ký kết trong một toa tàu đặt tại gần nhà ga Pethondes, trong rừng Compiègne. Tham gia ký kết có đại điện của hai bên. Phía phe Hiệp ước là Thống chế Ferdinand Foche – Tổng Tư lệnh các lực lượng quân đội phe Hiệp ước và Wemyss – Đô đốc Hải quân Anh. Phía Đức gồm: Matthias Erzberger – Tổng trưởng, Von Oberndorff – Bộ trưởng và Von Winterfeldt – Tổng Tham mưu trưởng.

Văn bản hiệp định gồm 13 trang, 6 chương, 34 điều khoản, quy định về điều kiện đình chiến ở mặt trận phía tây; vấn đề biên giới phía đông nước Đức; vấn đề Đông Phi; vấn đề hồi hương của những người bị bắt trong chiến tranh; điều kiện về tài chính; điều kiện về hải quân và thời gian hiệu lực của hiệp định. Nội dung cơ bản như sau:

Hai bên ngừng chiến ở mặt trận phía tây cả trên bộ và trên không. Đức phải rút quân khỏi Alsace và Lorraine, Bỉ, Luxembourg và Đông Phi. Đức cũng buộc phải rút toàn bộ quân khỏi bờ trái và một số điểm quan trọng trên bờ phải của Sông Rhin (Cologne, Coblence và Mayence). Vùng này do quân đội của phe Hiệp ước và Mỹ chiếm đóng. Biên giới phía đông nước Đức phải điều chỉnh về nguyên trạng vào thời điểm ngày 1.8.1914.

Đức phải rút khỏi Hiệp ước Bucharest, Hiệp ước Brest - Litovsk và các điều khoản bổ sung của các hiệp ước này. Quân Đức ngừng ngay lập tức các hành động tấn công dân thường, tù nhân và ngừng phá hủy cơ sở hạ tầng ở các vùng rút quân thuộc mặt trận phía tây. Đức phải phải thả ngay lập tức tù binh và dân thường bị bắt trong chiến tranh.

Đức buộc phải từ bỏ mọi lợi ích ở Nga và Romania, giao nộp cho phe Hiệp ước tất cả phương tiện, vũ khí chiến tranh: tất cả tàu ngầm, tàu chiến, 5.000 máy nâng, 150.000 toa tàu, 5.000 xe tải,… Đức phải dừng ngay lập tức việc chế tạo và sản xuất tàu ngầm. Đối với những tàu ngầm không thể giao nộp được tới các cảng của phe Hiệp ước thì buộc phải phá hủy. Tất cả các tàu thương mại của Đức ở trên biển bị phe Hiệp ước và Mỹ phong tỏa.

Thời gian hiệu lực của hiệp định đình chiến là 36 ngày, sau đó có thể gia hạn. Một Ủy ban Quốc tế được thành lập để giám sát việc thi hành các điều khoản của hiệp định. Ủy ban này đặt dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh tối cao quân đội phe Hiệp ước.

Hiệp định đình chiến Compiègne đánh dấu thắng lợi của phe Hiệp ước, sự thất bại hoàn toàn của Đức, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Nhất, là bước đầu tiên đặt cơ sở quan trọng cho các hiệp ước hòa bình được ký kết sau đó.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Trung Dũng (Chủ biên), Thế giới những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1901 - 1945), tái bản lần thứ hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Lịch sử thế giới cận đại, tập II, Nxb. Giáo dục Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.
  3. Robin Cross, Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Bản chất thay đổi của chiến tranh từ thời tiền sử cho đến những cuộc xung đột vũ trang thời kỳ hiện đại (Thế Anh biên dịch), Nxb. Giáo dục Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.
  4. Ernest Lavisse, La grande guerre 1914 – 1919, (Cuộc đại chiến 1914 - 1919), Librairie Armand Colin, Paris, 1925.
  5. Michel Roucaud, La convention d’armistice du 11 novembre 1918: Une première étape pour sortir de la guerre, Revue historique des armées (Hiệp định đình chiến ngày 11.11.1918: chặng đầu tiên để ra khỏi chiến tranh, Tạp chí Lịch sử Quân sự), N0 245, 2006, tr.78 – 81.