(A. United Nations Conference on trade and Development – UNCTAD)
Cơ quan liên chính phủ thường trực, do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển có 194 thành viên quốc gia và vùng lãnh thổ, có trụ sở chính đặt tại Geneva, Thụy Sĩ và văn phòng đại diện đặt tại New York và Addis Ababa. UNCTAD là một bộ phận của Ban thư ký và Nhóm Phát triển của Liên hợp quốc, có nhiệm vụ báo cáo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Kinh tế - Xã hội, nhưng cơ quan này cũng có Ban lãnh đạo, các thành viên và ngân sách riêng.
UNCTAD được coi là tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Mục đích của UNCTAD là thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung và thương mại nói riêng của tất cả các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển. UNCTAD là cơ quan của Liên hợp quốc có trách nhiệm giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển bền vững với trọng tâm là thương mại, tài chính, đầu tư và công nghệ. UNCTAD giúp các nước đang phát triển tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu. Công việc của cơ quan này có thể được tóm tắt trong 3 cụm từ tư duy, tranh luận và chuyển giao.
UNCTAD thực hiện nghiên cứu kinh tế, đưa ra các phân tích đổi mới và đưa ra các khuyến nghị chính sách để hỗ trợ cho quá trình ra các quyết định của chính phủ. UNCTAD là diễn đàn mà các đại diện của tất cả các nước có thể tham gia vào đối thoại một cách tự do, chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng thúc đẩy sự đồng thuận ở cấp độ đa phương. UNCTAD cũng đưa các kết quả nghiên cứu sang ứng dụng trên thực tế và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp để giúp các nước xây dựng năng lực làm cho họ có thể hội nhập một cách công bằng vào nền kinh tế toàn cầu và cải thiện hiện trạng cuộc sống của người dân.
Hội nghị của UNCTAD là cơ quan ra quyết định cao nhất của tổ chức, nhóm họp 4 năm một lần. Cơ quan sử dụng quyền triệu tập của mình để tập hợp các chính phủ, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các học viện và các tổ chức quốc tế khác. Kể từ Hội nghị lần đầu tiên diễn ra vào năm 1964 tại Geneva, UNCTAD đã tiến hành 14 lần Hội nghị toàn thể. Dưới hội nghị toàn thể là các ban: Ban Thương mại và Phát triển của UNCTAD, thực hiện các quyền hạn của hội nghị giữa các phiên họp, nhóm họp 2 lần một năm. Ủy ban cũng thực hiện các chức năng giám sát các hoạt động của tổ chức và giải quyết các vấn đề chính sách, quản lý và các vấn đề thể chế. Ban Công tác về Khung chiến lược và Ngân sách chương trình xem xét chiến lược truyền thông, chương trình xuất bản, hoạt động hợp tác kỹ thuật và chương trình làm việc. Các Ban về thương mại và phát triển, đầu tư, doanh nghiệp và phát triển xây dựng các công việc ưu tiên trong các lĩnh vực liên quan. Các ủy ban này nhóm họp nhiều lần giữa các phiên họp của hội nghị. Ngoài ra, trong cơ cấu các cuộc họp của UNCTAD còn có các nhóm chuyên gia. Các nhóm chuyên gia thường xuyên nhóm họp để cập nhật các hướng dẫn về: Chuẩn mực kế toán, Luật và chính sách cạnh tranh, Bảo vệ người tiêu dùng, Thương mại điện tử và Kinh tế số và Tài chính cho phát triển. Các cuộc họp của các chuyên gia được triệu tập cả trong các trường họp đặc biệt và thường xuyên để xác định các giải pháp cụ thể cho các vấn đề của phát triển. UNCTAD được trợ giúp bởi một Ban thư ký thường trực đặt trụ sở tại Geneva. UNCTAD là một cơ quan thực thi các dự án hỗ trợ kỹ thuật của UNDP kể từ năm 1968 và đang tiếp tục quản lý các dự án như quản lý cảng biển, liên kết kinh tế khu vực, chuyển giao công nghệ, cải tiến các thủ tục hải quan và các lĩnh vực khác có liên quan. Hàng năm, UNCTAD nhận được yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ các nước đang phát triển với hàng chục chương trình, hàng trăm dự án.Thông qua sự trợ giúp này, các nước đang phát triển có thể hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu bằng cách chuyển đổi các nền kinh tế, giải quyết các lỗ hổng, cải thiện khả năng cạnh tranh và trao quyền cho người dân.
Đứng đầu UNCTAD là Tổng thư ký và một phó Tổng thư ký giúp việc cùng với đội ngũ nhân viên lên đến 470 người.
Các lĩnh vực công tác
UNCTAD nghiên cứu vấn đề toàn cầu hóa và phát triển: Các phân tích của UNCTAD góp phần vào việc đưa ra các tranh luận quốc tế về hậu quả của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển thể hiện trên các điểm chính: xem xét xu hướng kinh tế toàn cầu và triển vọng của các nước đang phát triển; thực hiện các nghiên cứu về chiến lược phát triển; phân tích vấn đề về nợ; cung cấp cho các nước đang phát triển hỗ trợ kỹ thuật về quản lý nợ công…
UNCTAD thúc đẩy sự phát triển thông qua thương mại quốc tế: thực hiện các phân tích và thu thập dữ liệu để cải thiện sự hiểu biết về các vấn đề hiện tại và tương lai trong lĩnh vực này; hỗ trợ sự tham gia của các nước đang phát triển vào thương mại quốc tế và đàm phán thương mại quốc tế trên cơ sở công bằng; tìm cách tăng cường thương mại quốc tế về dịch vụ và thúc đẩy cách tiếp cận tổng hợp đối với thương mại, môi trường và phát triển bền vững; phân tích các vấn đề liên quan đến chính sách cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; tập trung vào việc phân tích đóng góp của ngành hàng hóa đối với sự phát triển, ủng hộ đa dạng hóa và quản lý rủi ro.
Đầu tư và doanh nghiệp: UNCTAD cung cấp kiến thức chuyên môn cho các quốc gia thành viên về các vấn đề liên quan đến đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện hàng loạt các công việc như: tiến hành nghiên cứu và phân tích đầu tư nhằm đảm bảo phát triển bền vững; thông báo cho các nhà hoạch định chính sách về cơ cấu và sự phát triển của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới và vạch ra những xu hướng chính trong đầu tư; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp cho các quốc gia có thể thu hút đầu tư nhiều hơn cho phát triển bền vững thông qua đánh giá chính sách đầu tư; giữ vai trò đầu mối trong các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đầu tư quốc tế; thúc đẩy tinh thần kinh doanh sáng tạo và mở rộng doanh nghiệp; tham gia thiết lập các chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích đầu tư có trách nhiệm thông qua các sáng kiến như xây dựng các nguyên tắc phát triển bền vững trong nông nghiệp.
Các nước chậm phát triển: UNCTAD giúp hơn 90 quốc gia đạt được các mục tiêu tiến bộ kinh tế mà họ đặt ra. Những nước này được xếp vào loại các nước được Liên hợp quốc quan tâm đặc biệt và trong nhiều trường hợp được ứng xử đặc biệt nhằm bù đắp cho những bất lợi mà họ phải đương đầu trong nền kinh tế toàn cầu: giúp đỡ 47 nước đạt được các tiến bộ kinh tế xã hội năm 2017, hỗ trợ các nước đang phát triển không tiếp giáp biển và các nước đang phát triển là đảo nhỏ để họ có thể vượt qua các thách thức và ít bị tổn thương.
Công nghệ và dịch vụ hậu cần: trong một nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, UNCTAD thực sự cần thiết thúc đẩy đổi mới ở các nước đang phát triển nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của họ thông qua: tiến hành nghiên cứu khoa học, công nghệ (cả công nghệ thông tin, truyền thông) và đổi mới để phát triển; giúp các nước đang phát triển thiết kế, thực hiện các chính sách công nghệ và đổi mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; thực hiện một chương trình công tác rộng lớn để xây dựng các dịch vụ giao thông, hải quan và tạo thuận lợi thương mại có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. Thuật ngữ thương mại, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001
2. Vietnam, Finance, Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp Quốc (UNCTAD) là gì?, https://vietnamfinance.vn
3. United Nations Conference on Trade and Development, Prosperity for all, https://unctad.org/en