Hội nghị Washington và các Hiệp ước (1921-1922) do Mỹ tổ chức và mời 8 nước là Anh, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc tham dự, nhằm phân chia quyền lợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất; diễn ra từ ngày 12.12.1921 đến ngày 6.2.1922 tại Washington với 3 hiệp ước được ký kết: Hiệp ước 4 nước, Hiệp ước 5 nước và Hiệp ước 9 nước.
Quốc hội Mỹ vì nhiều lí do khác nhau đã không thông qua Hệ thống Hoà ước Versailles (1919). Chính vì vậy, Warren Gamiliei Harding ngay sau khi đắc cử Tổng thống năm 1921 đã bắt đầu thực hiện đường lối đối ngoại theo hướng nâng cao vị thế nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế và tìm cách lấy lại những lợi ích mà nước Mỹ đã bỏ lỡ tại Hội nghị Versailles.
Châu Á-Thái Bình Dương, ngay từ đầu thế kỷ XX, đã là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn giữa các nước đế quốc mà trong đó nổi bật nhất là mâu thuẫn giữa Mỹ và Nhật Bản. Tham vọng bành trướng sang khu vực này của Mỹ gặp phải sự chống đối quyết liệt của Nhật Bản- một trong các cường quốc hải quân có được sự hỗ trợ từ liên minh Anh-Nhật (ký từ năm 1902). Sau khi chiếm được các thuộc địa của Đức ở khu vực châu Á, Nhật Bản đưa ra học thuyết « Châu Á của người châu Á » để gạt ảnh hưởng của các nước phương Tây và trở thành bá chủ khu vực. Chính vì vậy, việc phải giải quyết « vấn đề Nhật Bản » được đặt lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Harding. Mỹ đã chủ động triệu tập Hội nghị Washington cùng với các nước đế quốc có quyền lợi ở châu Á-Thái Bình Dương, nhằm giành lấy lợi ích và quyền bá chủ ở khu vực này.
Ngày 14.12.1921, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật ký Hiệp ước 4 nước với nội dung cơ bản là cam kết nguyên trạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi Hiệp ước này được ký kết thì liên minh hải quân Anh-Nhật mất hiệu lực. Đây là một trong những mục tiêu lớn mà Mỹ đạt được tại Hội nghị Washington vì liên minh Anh-Nhật được thành lập năm 1902 nhằm để chống Nga, song lại trở nên không có lợi cho Mỹ ở thời điểm đó. Mất liên minh Anh - Nhật, nước Nhật rơi vào tình trạng bị cô lập ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 6.2.1922 Hiệp ước 5 nước được ký kết giữa Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Italy quy định về hạn chế vũ trang và tương quan giữa các nước lớn về sức mạnh hải quân sau rất nhiều tranh cãi và đấu tranh gay gắt giữa các nước tham gia ký kết. Theo đó, Mỹ và Anh được quyền ngang nhau về trọng tải tàu chiến là 525.000 tấn ; Nhật là 315.000 tấn ; Pháp và Italy là 175.000 tấn (gọi là tỉ lệ 5-5-3-1-1). Các nước cũng quy định về tỉ lệ hai loại tàu chở máy bay và tàu tuần dương. Như vậy, nhìn tổng thể thì lực lượng hải quân không hạn chế mà còn tăng lên, trong đó hải quân Mỹ vươn lên hàng đầu thế giới. Nước Anh, mặc dù được quy định về trọng tải đứng đầu ngang với Mỹ song trên thực tế lại mất đi vai trò bá chủ trên biển so với những quy định trước kia. Pháp là Italy đều không hài lòng khi bị đẩy xuống vị trí cuối cùng. Đối với Nhật Bản, mặc dù bị hạn chế về sức mạnh hải quân, song Nhật lại có ưu thế là tập trung lực lượng chỉ ở châu Á ; trong khi lực lượng hải quân của Mỹ và Anh phải phân tán ở nhiều khu vực.
Cũng trong ngày 6.2.1922, Hiệp ước 9 nước được ký kết công nhận nguyên tắc “độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”. Theo đó, các nước phải công nhận nguyên tắc « mở cửa » và « cơ hội đồng đều », cho các nước vào tự do buôn bán, thực chất là biến Trung Quốc thành một “thị trường chung” của các nước phương Tây và Nhật. Ngoài ra, Nhật buộc phải trả lại Sơn Đông cho Trung Quốc và từ bỏ một số điểm trong 21 yêu sách mà Nhật đã buộc Trung Quốc chấp nhận từ năm 1915.
Hội nghị Washington hoàn toàn có lợi cho Mỹ và cũng phản ánh thực chất của so sánh lực lượng trên thế giới lúc đó. Ba nước Mỹ, Anh, Pháp giành được nhiều ưu thế nhất trong các hiệp ước được ký kết và cùng với Mỹ, tìm cách loại bỏ sức mạnh của Nhật Bản để mở rộng ảnh hưởng của đế quốc Âu – Mỹ ở khu vực châu Á. Một trật tự mới ở châu Á - Thái Bình Dương được thiết lập dưới sự chi phối của Mỹ. Tuy nhiên, nội bộ các nước đế quốc cũng bị chia rẽ vì mâu thuẫn về lợi ích có được ở khu vực này khác nhau.
Cùng với Hệ thống Hòa ước Versailles, các hiệp ước của Hội nghị Washington đã tạo nên một trật tự thế giới mới Versailles-Washington. Đây là trật tự thế giới được thiết lập trên cơ sở sự phân chia lợi ích dựa trên tương quan sức mạnh của các nước đế quốc. Hội nghị Washington cũng đánh dấu việc nước Mỹ hợp pháp hóa sự bành trướng của mình ở Trung Quốc, chính thức triển khai chính sách ngoại giao can dự vào khu vực châu Á và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- John Foster Dulles, War, Peace and Change (Chiến tranh, Hòa bình và Thay đổi), New York, Harper and Brothers, 1939
- Benjamin Rhodes, United States Foreign Policy in the Interwar Period, 1918-1941: The Golden Age of American Diplomatic and Military Complacency (Chính sách đối ngoại của Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh, 1918-1941: Thời kỳ vàng của Ngoại giao Mỹ và quân sự cường quyền), Westport, CT, Praeger, 2001.
- Paul Dukes, The USA in the Making of the USSR. The Washington Conference, 1921-1922, and “Uninvited Russia” (Nước Mỹ và quá trình hình thành Liên Xô. Hội nghị Washington, 1921-1922 và “vị khách không mời nước Nga”, New York, Routledge Curzon, 2004
- Nicolas Vaicbourdt, « La conférence de Washington, 1921-1922: l’idéal d’un nouveau congrès de Vienne pour le xxe siècle? » (Hội nghị Washington, 1921-1922 : ý tưởng của một Hội nghị Vienne mới cho thế kỷ XX ? », Bulletin de l’Institut Pierre Renouvin, n.42, 2015.