Hội nghị Posdam (17.7-2.8.1945) là hội nghị những nhà lãnh đạo các cường quốc Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai: Chủ tịch Hội đồng dân ủy Liên Xô I.V Stalin; Tổng thống Mỹ H. Truman và Thủ tướng Anh W. Churhill (từ ngày 28.7 là Clement Attlee), tổ chức tại cung điện Cecilienhof, thành phố Posdam nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng thời hậu chiến.
Chiến tranh thế giới lần thứ Hai kết thúc ở châu Âu, nhiều vấn đề quốc tế mới nảy sinh đòi hỏi ba nước Liên Xô, Mỹ, Anh quan tâm giải quyết. Vì vậy, từ 17.7 những người đứng đầu ba nước quyết định tổ chức cuộc họp tại Posdam để giải quyết các vấn đề trên. Sau nhiều phiên thảo luận và còn nhiều ý kiến bất đồng, nhưng các bên đã thống nhất thông qua “Nghị định thư” (1.8) và “Tuyên bố chung” (2.8). Đây là hai văn kiện quan trọng được gọi là Hiệp định Posdam. Nội dung cơ bản của Hiệp định gồm:
Về vấn đề nước Đức, Hội nghị giải quyết bốn vấn đề trọng tâm: phi quân phiệt hóa, dân chủ hóa, phát triển nước Đức và bồi thường chiến tranh. Với vấn đề phi quân sự hoá, Hiệp định quy định: phải diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít để Đức Quốc xã không có cơ hội quay lại gây chiến, uy hiếp các nước láng giềng và đe dọa đến an ninh, hòa bình thế giới; giải giáp toàn bộ lực lượng vũ trang: bộ binh, không quân, hải quân và các tổ chức bán vũ trang: cảnh sát, mật vụ, kể cả lực lượng Gestapo cùng bộ máy tuyên truyền, hệ thống huấn luyện, đào tạo và bộ tham mưu điều hành của chúng; tiêu hủy hoặc trao cho lực lượng đồng minh toàn bộ các kho vũ khí, đạn dược; thanh trừng những phần tử phát xít đang nằm trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, thậm chí cả trong các nhà máy, xí nghiệp; trấn áp bọn tội phạm…Về xây dựng nền dân chủ, nước Đức trước hết phải xóa bỏ Đảng Quốc xã; xóa bỏ toàn bộ hệ thống hiến pháp, pháp luật và các tàn dư xã hội vốn trước đây từng phục vụ cho lợi ích của chủ nghĩa phát xít; cải tạo hệ thống pháp luật, giáo dục, đào tạo; khuyến khích các cơ quan báo chí, ngôn luận, các tổ chức chính trị, xã hội, công đoàn phát triển theo hướng dân chủ; tạo điều kiện để người dân bày tỏ nguyện vọng, xây dựng đời sống mới có vị thế xứng đáng trong cộng đồng các quốc gia, dân tộc. Về phát triển đất nước, Hiệp định khẳng định: trong thời gian lực lượng đồng minh tạm thời chiếm đóng, nước Đức vẫn là một gia thống nhất toàn vẹn về kinh tế. Để nền kinh tế phát triển đúng hướng, Đức phải xóa bỏ toàn bộ nền công nghiệp quân sự; cấm sản xuất những gì liên quan tới quân sự, đặc biệt là vũ khí, đạn dược, máy bay và tàu chiến các loại; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ nền công nghiệp sản xuất thép phục vụ ngành chế tạo máy, hoá chất và sản xuất một mặt hàng thiết yếu phục vụ nền kinh tế thời chiến; thủ tiêu toàn bộ các ngành công nghiệp độc quyền tồn tại dưới dạng các liên minh, nghiệp đoàn, tập đoàn lũng đoạn… Về vấn đề bồi thường chiến tranh, nước Đức phải bồi thường tối đa về những thiệt hại do họ đã gây ra cho các nước Đồng minh. Tất cả bồi thường được trả bằng hiện vật như các nhà máy, trang thiết bị công nghiệp hoặc một số mặt hàng hoá khác. Sau khi trả hết bồi thường, Đức được giữ lại một phần đủ để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng trong nước phục vụ đời sống nhân dân mà không phải phụ thuộc vào bên ngoài. Về tỉ lệ bồi thường, các bên thống nhất chia nước Đức thành các khu vực chiếm đóng do quân đội Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp quản lý; các nước được quyền tịch thu tất cả tài sản và vốn đầu tư nước ngoài của Đức tại khu vực mình chiếm đóng và coi đó là phần bồi thường. Riêng với trung tâm kinh tế - quân sự Rur và các chiến hạm, tàu thuyền của Đức, các bên thống nhất chia đều cho Liên Xô, Mỹ, Anh và việc phân chia này phải hoàn tất trước ngày 15.2.1946. Ngoài ra, Liên Xô còn được nhận thêm 25% giá trị tài sản là nhà máy, trang thiết bị công nghiệp từ Tây Đức (trong đó có 15% chi trả cho nguyên liệu thô, lương thực, thực phẩm mà Liên Xô đã sử dụng ở khu vực Đông Đức).
Về vấn đề lãnh thổ Ba Lan, các bên thống nhất chia Đông Phổ theo quyết định của Hội nghị Tehran (12.1943) theo đó, chuyển cho Liên Xô thành phố Kenibec (từ năm 1946 đổi tên thành Kaliningrat), Memel và phần phía bắc Đông Phổ. Phần còn lại của Đông Phổ, kể cả thành phố Danzig thuộc Ba Lan.
Về vấn đề Nhật Bản, đại diện chính phủ Anh và Mỹ một lần nữa đề nghị Liên Xô tiến hành cuộc chiến chống Nhật. Liên Xô cam kết sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình theo quyết nghị tại Hội nghị Ianta (2.1945); Hội nghị ra “tuyên cáo Posdam”, trong đó khẳng định: Chủ quyền của Nhật Bản chủ yếu gồm 4 hòn đảo Hônsu (Bản Châu), Hôccaiđô (Bắc Hải), Kiusiu (Cửu Châu), Sicôcư (Tứ Quốc) và một số hòn đảo nhỏ khác; thủ tiêu lực lượng vũ trang và giải tán quân đội Nhật Bản; trừng trị tội phạm chiến tranh; Nhật Bản chỉ được phát triển công nghiệp phục vụ mục đích hoà bình…Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận và thống nhất một số vấn đề quan trọng khác: quy định việc tổ chức xét xử các tội phạm chiến tranh, thành lập hội đồng ngoại trưởng các cường quốc (Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc) để dự thảo hoà ước với Italia, Rumania, Bungaria, Hungaria, Phần Lan và tiếp tục giải quyết vấn đề Ba Lan.
Hội nghị Posdam là hội nghị quốc tế quan trọng. Các văn kiện Hội nghị là cơ sở góp phần củng cố hoà bình, an ninh châu Âu và trên toàn thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb Giáo dục 1998, tr.224-226.
- Lịch sử thế giới hiện đại (1990-1945), Nxb Tp Hồ Chí Minh 2002, tr.794-796.
- Lịch sử chiến tranh thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tr.136-169.
- Bộ Quốc phòng,Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam. Quyển 1, Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2015, tr. 578-579.
- Военнаяэнциклопедия, ToM 1, Bоениздат, M. 1997. c.453-454.
- Encyclopedia of Worl War II, Nxb A.B.C CLIO, 2005, p.1209-1221.