Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia (1991)

Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia (1991) hội nghị quốc tế nhằm chấm dứt xung đột diễn ra từ thập niên 1970 và lập lại hòa bình ở Campuchia. Hội nghị đã giải quyết một vấn đề quốc tế phức tạp ở Đông Nam Á, vấn đề Campuchia, liên quan đến nhiều quốc gia, diễn ra từ năm 1979 đến năm 1991.

Từ ngày 17.4.1975 đến ngày 7.1.1979, lực lượng Khmer Đỏ nắm chính quyền và thi hành chính sách diệt chủng ở Campuchia, gây ra xung đột biên giới với Việt Nam. Sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ, xung đột giữa các phe đối lập tại Campuchia diễn ra trong suốt thập niên 1980 buộc các nước liên quan phải tiến hành hội nghị để cùng bàn bạc giải quyết vấn đề quốc tế phức tạp và gây nhiều tranh cãi này.

Năm 1989, Hoàng thân Sihanouk đề xuất với Tổng thống Pháp François Mitterrand triệu tập một hội nghị quốc tế tại Pháp để giải quyết vấn đề Campuchia. Từ ngày 30.7 đến ngày 30.8.1989, Hội nghị Paris về vấn đề này được tiến hành qua hai vòng: vòng 1 từ ngày 30.7 đến ngày 1.8.1989, vòng 2 từ ngày 28 đến ngày 30.8.1989. Lần đầu tiên 4 bên đối đầu tại Campuchia (bao gồm Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia, Mặt trận Thống nhất Quốc gia vì một Campuchia độc lập, trung lập, hòa bình và hợp tác (FUNCINPEC), Mặt trận Quốc gia Giải phóng Nhân dân Khmer (FLNPK) và Khmer Đỏ (đại diện là Hun Sen, Sihanouk, Son Sann, Khieu Samphan) tham dự với tư cách là đại biểu chung của Campuchia. Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của 17 nước và đại diện của Phong trào Không liên kết, trong đó Ngoại trưởng Pháp và Indonesia đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Hội nghị. Hội nghị quyết định thành lập các Ủy ban giải quyết các vấn đề chính: kiểm soát, bảo đảm quy chế, người tị nạn và vấn đề tái thiết, các vấn đề thuộc nội bộ Campuchia (bao gồm bốn bên đối đầu tại Campuchia), và một Ủy ban phối hợp thảo luận các giải pháp thực chất được thành lập. Hai vấn đề nổi cộm xuyên suốt của Hội nghị đó là loại trừ hay chấp nhận Khmer Đỏ và duy trì hay xoá bỏ nguyên trạng chính trị và quân sự ở Campuchia. Đoàn đại biểu Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch dẫn đầu, đã khẳng định quan điểm của Việt Nam liên quan đến vấn đề Campuchia là rút quân đội Việt Nam và lên án diệt chủng, tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia, đồng thời đề cao vị trí của Nhà nước Cộng hòa nhân dân Campuchia.

Tuy nhiên, do tình những biến động chính trị tại Đông Âu, dư âm của sự kiện Thiên An Môn tại Trung Quốc và đặc biệt là tính phức tạp của vấn đề Campuchia, Hội nghị Paris năm 1989 kết thúc với kết quả hạn chế. Tuyên bố chung của Hội nghị đã kêu gọi các bên Campuchia và các nước có liên quan tiếp tục cố gắng để đi tới một giải pháp toàn bộ.

Từ tháng 1 đến tháng 8.1990, 5 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành 6 hội nghị cấp Thứ trưởng ngoại giao tại Paris và New York, thống nhất và ký kết hiệp định khung toàn diện giải quyết chính trị vấn đề Campuchia vào ngày 28.8.1990. Tháng 11.1990, Ủy ban phối hợp của Hội nghị Paris đã tiến hành cụ thể hóa hiệp định khung, soạn thảo dự thảo hiệp định toàn diện, các văn kiện phụ lục và các tài liệu liên quan. Tuy nhiên, yêu cầu của Campuchia về vấn đề cơ cấu của Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia (SNC) đã kéo dài việc giải quyết vấn đề Campuchia.

Với nỗ lực của Indonesia với tư cách là đồng Chủ tịch Hội nghị Paris, tháng 6.1991, Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia (SNC) họp tại Jakarta, củng cố liên minh Hun Sen - Sihanouk - Son Sann chống lại Khmer Đỏ. Sau sự kiện này, Pháp và Indonesia đã quyết định chuẩn bị cho việc triệu tập lại hội nghị quốc tế tại Paris với sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 14.9.1991, đoàn đại biểu Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia do Hoàng thân Sihanouk dẫn đầu đã tới New York để tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc. Vào thời gian này, các bên liên quan đến việc giải quyết vấn đề Campuchia đã thống nhất Nghị định khung cuối cùng tạo điều kiện cho việc triệu tập lại Hội nghị Paris vào tháng 10.1991.

Ngày 23.10.1991, Hội nghị họp lại để ký kết Hiệp định tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris, Pháp). Vào lúc 7 giờ tối, đại diện của Campuchia, Ngoại trưởng của 18 quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Javier Pérez de Cuéllar đã ký vào văn kiện chấm dứt xung đột, lập lại hoà bình ở Campuchia, tức Hiệp định Paris. Hiệp định này gồm 9 phần, 32 điều, 5 phụ lục quy định các điều khoản liên quan đến độc lập chủ quyền, trung lập và thống nhất dân tộc ở Campuchia, về khôi phục và tái thiết đất nước Campuchia,… Hội đồng Dân tộc tối cao trao quyền lực cần thiết cho Liên Hợp Quốc tiến hành kiểm soát ngừng bắn, rút quân và chấm dứt viện trợ quân sự nước ngoài cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt tổ chức và cơ quan quyền lực cho Tổng tuyển cử diễn ra sau đó.

Việc ký kết Hiệp định Paris là một sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại, chính thức kết thúc cuộc xung đột kéo dài 13 năm tại Campuchia, tạo điều kiện cho sự phát triển của xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề Campuchia còn tạo ra một ví dụ điển hình về việc giải quyết hoà bình những xung đột khu vực trên thế giới. Thực hiện Hiệp định Paris, Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 24.9.1993, thành lập chế độ Quân chủ lập hiến do Hoàng thân Sihanouk làm Quốc vương.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Hải Hà, Vấn đề Campuchia trong quan hệ Việt Nam - ASEAN (1979 - 1995), Tạp chí Khoa học, trường Đại học Vinh, tập 48, số 1B, 2019.
  2. Michael Haas, The Paris conference on Cambodia, 1989, Bulletin of Concerned Asian Scholars, 23:2, pp. 42 - 53, 1991. (Michael Haas, Hội nghị Paris về Campuchia, 1989, Bản tin của các học giả liên quan đến châu Á, số 23:2, tr.42-53, 1991)
  3. Documents de la conférence de Paris sur le Cambodge, CPC,1990 - 1992. (Tài liệu của Hội nghị Paris về Campuchia)
  4. Nicolas Regaud, Le Cambodge dans la tourmente: le troisième conflit indochinois, 1978 - 1991, Paris, L’Harmattan, 2004. (Nicolas Regaud, Campuchia trong cơn bão táp cách mạng: cuộc xung đột Đông Dương lần thứ ba, 1978 - 1991, Paris, L’Harmattan, 2004)
  5. Philippe Richer, Le Cambodge de 1945 à nos jours, Presses de Sciences Po, 2009. (Philippe Richer, Campuchia từ 1945 đến nay, NXB Khoa học Chính trị, 2009)
  6. Raoul-Marc Jennar, 30 ans depuis Pol Pot: Le Cambodge de 1979 à 2009, Paris, L’Harmattan, 2010. (Raoul-Marc Jennar, 30 năm sau Pol Pot: Campuchia từ 1979 đến 2009, Paris, L’Harmattan, 2010)