Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hội hoá học Mỹ

Hội hóa học Mỹ (tiếng Anh American Chemical Society) là một trong những hiệp hội khoa học lớn nhất thế giới, có chức năng hỗ trợ nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong lĩnh vực hóa học. Hội hoá học Mỹ được thành lập vào năm 1876 tại Đại học New York và hiện có 160.000 hội viên ở mọi trình độ thuộc mọi lĩnh vực của hóa học, công nghệ hóa học và các lĩnh vực liên quan. Hội hoá học Mỹ là một tổ chức phi lợi nhuận, trụ sở chính được đặt tại Washington D.C.

Hoạt động[sửa]

Hội hoá học Mỹ cung cấp các thông tin khoa học hàng đầu thông qua các tạp chí khoa học có uy tín, các xuất bản phẩm, các hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế và dịch vụ tóm tắt hóa học (Chemical Abstracts Service). Hội hoá học Mỹ tổ chức các đại hội hóa học quốc gia hai năm một lần về những vấn đề trong lĩnh vực hóa học và cũng tổ chức các hội nghị khoa học nhỏ hơn tập trung vào một số lĩnh vực nhất định của hóa học hoặc khu vực địa lý cụ thể. Thu nhập chính của hội hoá học Mỹ là xuất bản phẩm "Tóm tắt hóa học" (Chemical Abstracts Service) cung cấp các cơ sở dữ liệu trên quy mô toàn thế giới.

Hội hoá học Mỹ cũng xuất bản các sách giáo khoa, quản lý một số quỹ và giải thưởng quốc gia, cung cấp và tài trợ cho nghiên cứu khoa học và hỗ trợ các hoạt động giáo dục và các hoạt động có liên quan khác. Các giải thưởng của hội hoá học Mỹ bao gồm 64 giải thưởng, Huy chương và giải thưởng quốc gia dựa trên những đóng góp khoa học ở các cấp độ nghề nghiệp khác nhau nhằm thúc đẩy các thành tựu trong các lĩnh vực của hóa học. Chương trình giải thưởng quốc gia bắt đầu từ năm 1922 với Huân chương Priestley, giải thưởng cao nhất do hội hoá học Mỹ trao tặng cho các công trình nghiên cứu và dịch vụ xuất sắc về hóa học. Các giải thưởng bổ sung được các hội địa phương và các cơ quan khác của hội hoá học Mỹ trao. Giải thưởng William Nichols là giải thưởng đầu tiên vinh danh các nhà nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực hóa học. Nó được phân hội New York của hội hoá học Mỹ đặt ra vào năm 1903. Trong số hơn 100 người được Huy chương William Nicols, 16 người sau đó đã được trao giải thưởng Nobel hóa học.

Hội cho phép các thành viên hội hoá học Mỹ bên ngoài nước Mỹ tổ chức tại địa phương mình để trao đổi các hoạt động khoa học và nghề nghiệp. Hiên tại có 23 chương trình hóa học quốc tế với các nước như: Australia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Hong Kong, Hungari, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Malaysia, Nigeria, Pakistan, Peru, Qatar, Romania, Nam Phi, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ả Rập Thống nhất.

Quá trình hình thành và phát triển[sửa]

GS. Charles F. Chandler của đại học Columbia, người có công đầu trong việc vận động thành lập hội hoá học Mỹ và GS. William Draper của Đại học New York được bầu làm chủ tịch đầu tiên của hội. Tạp chí của hội hoá học Mỹ (Journal of American Chemical Society) được ra đời năm 1897 để xuất bản các công trình nghiên cứu gốc. Đây là tạp chí đầu tiên và quan trọng nhất của hội hoá học Mỹ.

Năm 1907, "Tóm tắt hóa học" được thành lập như một một tạp chí riêng biệt của dịch vụ tóm tắt hóa học, cung cấp các thông tin hóa học cho các nhà nghiên cứu trên thế giới. Tiếp theo là tạp chí thông tin về hóa học và công nghệ hóa học (Chemical & Engineering News) được hội hoá học Mỹ cho ra đời năm 1923.

Các nhà xuất bản, các tạp chí và tập san của hội hoá học Mỹ hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận. Tính đến nay, hội hoá học Mỹ có 32 phân hội thành viên thuộc các lĩnh vực nông hóa, hóa sinh, hóa hữu cơ, hóa lý, công nghệ hóa học, hóa môi trường, hóa vật liệu, địa hóa học, hóa dầu mỏ, hóa vô cơ, hóa phóng xạ và hạt nhân v.v. Trong đó Phân hội hóa học hữu cơ là cơ quan lớn nhất của hội hoá học Mỹ.

Năm 2008 đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập. Các hoạt động quan trọng nhất của các phân hội bao gồm tổ chức các hội nghị chuyên đề tại đại hội quốc gia của hội hoá học Mỹ, với mục đích khích lệ và khẳng định các tài năng trẻ trong lĩnh vực hóa học. Các phân hội địa phương là các đơn vị độc lập của hội hoá học Mỹ. Nó có vai trò tuyển chọn và giới thiệu các thành viên của mình vào hội hoá học Mỹ, cung cấp các cơ hội phát triển chuyên nghiệp cho các thành viên, tổ chức các sự kiện tiếp cận cộng đồng, trao giải thưởng và tiến hành các hoạt động kinh doanh khác. Hiện tại có 186 phân hội địa phương ở tất cả các bang.

Tham khảo[sửa]