Hội chợ Viềng là chợ họp một phiên duy nhất trong cả năm, vào đêm mùng 7 và cả ngày mùng 8 tháng Giêng, tại khu vực Phủ Giày - xã Kim Thái huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Còn được gọi là chợ Phủ, chợ Trời, chợ Thánh, chợ Thiên Tiên. Đây là hoạt động tiếp ngay sau lễ hạ nêu kết thúc Tết Nguyên Đán (thường vào mùng 7), nhân dân ở Nam Định và các tỉnh lân cận (Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa,…) đổ về chợ với ý nghĩa mong cầu may mắn cho một năm mới. Bởi vậy, việc giao dịch ở đây được quan niệm là “mua bán lấy may”, hễ có thì đem bán và thấy là mua, không quá câu nệ vào đắt rẻ. Người ta tới chợ mà ăn uống để lấy may, chơi cũng để lấy may, kiêng nói thách và cũng kiêng kì kèo giá vì đều sợ mất thiêng.
Ngoài chợ Viềng Phủ Giày, ở Nam Định còn có ba điểm cũng gọi là chợ Viềng, cũng họp vào thượng tuần tháng Giêng. Đó là: 1). Chợ Viềng ở xã Mỹ Trung huyện Mỹ Lộc, gần với khu Đền Trần, nhưng đã dừng hoạt động; 2). Chợ Viềng ở xã Nam Giang huyện Nam Trực, còn gọi là “chợ Viềng Chùa” vì gần chùa Đại Bi, họp phiên duy nhất ngày mùng 8, hiện vẫn khá đông vui; 3). Chợ Viềng ở thôn Hải Lạng xã Nghĩa Thịnh huyện Nghĩa Hưng, còn gọi là “chợ Viềng Xép”, họp phiên duy nhất vào đêm mùng 6 và hết ngày mùng 7. Ba chợ Viềng này qui mô nhỏ hơn ở Phủ Giày, nhưng đều chung tính chất mua bán lấy may.
Vị trí địa lý[sửa]
Về vị trí địa lí, chợ Viềng Phủ Giày nằm men theo con đường 56, hai bên lại có đường 10 và đường 12, xưa còn có hệ thống đường thủy, nên thuận lợi giao thông hơn rất nhiều so với các chợ Viềng còn lại. Tư liệu cũ đầu thế kỉ XX miêu tả khi họp chợ thì bốn phương tụ hội mua bán đủ các loại. Lịch họp chợ chính thức hàng năm, tức ngày 8 tháng Giêng, cũng được liệt kê là một ngày hội trọng yếu ở miền Bắc hồi nửa đầu thế kỉ XX, được xếp chung với lịch hội đền Hai Bà Trưng ở Hà Nội hay hội đền Sòng Sơn ở Thanh Hóa.
Nguồn gốc[sửa]
Về lai lịch, thì không rõ chợ Viềng Phủ Giày có từ bao giờ. Có thuyết cho là đã khoảng tám chín trăm năm và gắn với truyền thuyết đánh cá và bán cá lấy may của thánh Không Lộ thời Lý xuất thân từ ngư dân (hiện được thờ ở Đình Ông Khổng nằm gần đối diện với Phủ Tiên Hương). Cũng có thuyết lại cho là gắn với nghề đúc đồng, cũng do chính thánh Không Lộ truyền cho, nên trước đây chợ Viềng vốn chỉ mở ở khoảng đất trống trước cửa Đình Ông Khổng để bán sản phẩm kim khí (đồ đồng, đồ sắt).
Theo tư liệu hồi cố và tư liệu thành văn, trước đây, chợ Viềng chỉ kéo dài từ khoảng Đình Ông Khổng qua Phủ Tiên Hương lan về phía Phủ Vân Cát một đoạn. Chợ là hai dãy hàng quán làm bằng tre nứa dựng hai bên lề đường 56, mỗi gian hàng chỉ rộng khoảng ba bốn mét vuông. Hàng hóa thì đủ loại: sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tiểu thủ công, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập, công cụ lao động sản xuất, đồ tế tự, đồ trang sức mĩ nghệ, đồ chơi cho trẻ em, cây cảnh, đồ ăn thức uống tại chỗ,…Phần lớn đều là hàng nhỏ nhẹ, có thể xách tay mang về. Cuối thế kỉ XIX, lí dịch xã Tiên Hương thu tiền vé chợ với mỗi gian hàng, được bao nhiêu sẽ dùng lo liệu lễ tất niên.
Các mặt háng buôn bán[sửa]
Về các mặt hàng đặc sắc ở chợ Viềng Phủ Giày, đầu tiên phải kể đến là thịt bò, thịt bê thui, có thể ăn tại chỗ và mua thịt sống mang về. Tiếp đến là mía “trèo đường” – một loại mía mang từ Thanh Hóa ra, vỏ vàng xanh, cây cao, thân cứng mà rất ngọt, khách trẩy hội mua để làm gậy chống trên đường rồi khi khát thì ăn luôn. Đặc sản địa phương thì có bánh dầy Gôi, xôi nén làng Báng, rượu làng Hầu. Trước đây, trong ngày họp chợ, có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, mà thu hút thanh niên nhất là bịt mắt bắt dê. Ca dao cổ có diễn tả tâm trạng của những người chẳng quản ngại đường xá xa xôi mà chen chân tới chợ: “Chợ Viềng năm có một phiên/Em đi trẩy hội chợ Viềng vui xuân”. Từ sau khi hội Phủ Giày được khôi phục vào đầu thập niên 1990, qui mô của hội chợ được mở rộng dần, đến hiện nay thì mở rộng nhất về không gian và thời gian. Ở thập niên đầu thế kỉ XXI, ban tổ chức cho nới rộng phạm vi chợ về hai phía và cho họp chợ sớm lên một ngày, tức là từ sáng ngày 7. Sang thập niên thứ hai, thì kéo dài ra khoảng 4 km, một đầu tới sân vận động xã Trung Thành, một đầu tới ngã ba thị trấn Gôi, tâm điểm vẫn là Phủ Giày. Đồng thời, thời gian mở chợ là ngay sau Giao Thừa để phục vụ nhu cầu xuất hành đầu năm của du khách; ngày chính chợ vẫn là từ mùng 7 đến hết mùng 8. Các ngả đường dẫn vào vùng tâm điểm của chợ thường tắc nghẽn vào những ngày chính chợ. Người tứ xứ trẩy hội chợ Viềng, sau khi mua bán cầu may, sẽ thành kính tới lễ trong các đền phủ thuộc quần thể di tích Phủ Giày, cầu mong các Thánh Mẫu ban cho sức khỏe và thành tựu mọi mặt trong năm mới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Nguyên Phổ, Xem lấy may – Lịch mới năm Canh Ngọ 1930, Nhà in Mạc Đình Tích. Hà Nội, 1930.
- Bùi Hạnh Cẩn - Lê Trân, Chợ Viềng và Hội Phủ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993.
- Bùi Văn Tam, Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2007.
- Hồ Đức Thọ, Huyền tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và di sản văn hóa Phủ Dầy, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2010.
- Khiếu Năng Tĩnh (Dương Văn Vượng dịch), Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2015.
- Nguyễn Thị Cảnh Dương, “Chợ Viềng và hội Mẹ tháng Ba”, In trong sách Văn hóa thờ Nữ thần – Mẫu ở Việt Nam và châu Á : Bản sắc và giá trị (Hội Folklore châu Á – Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Hà Nội : Nxb Thế giới), 2013, tr. 721-732.
- Nguyễn Thị Cảnh Dương, Sự tích Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy & Phủ chính Tiên Hương, Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Vụ Bản xuất bản, Nam Định, 2017.
- Bùi Văn Tam, Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020.