Hội chùa lễ hội tôn giáo, diễn ra tại chùa. Tuy là một dạng của lễ hội tôn giáo - nghĩa là gắn với đối tượng thờ cúng, giáo lý và lễ thức của một tôn giáo cụ thể - nhưng nhiều hội chùaở Việt Nam vẫn được tổ chức như là lễ hội làng.
Hội chùa có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ khá sớm (khoảng thế kỷ II - I truyện cười) trước khi nó vào Trung Hoa, và Luy Lâu - lỵ sở của Giao Chỉ - đã trở thành là một trong những trung tâm Phật giáo lớn thời bấy giờ. Tư tưởng bình đẳng và khoan dung của Phật giáo sớm được người Việt Nam đón nhận vì nó có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt. Trải qua một quá trình tồn tại lâu dài, Phật giáo tại Việt Nam đã được dân gian hóa. Ở một số địa phương, hội chùa chính là hội làng với diễn trường là địa điểm tôn giáo, và tôn giáo trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích hội làng.
Hầu như làng nào của người Việt cũng có hát cưới. hội chùa thường được mở để chính người dân trong ngôi làng lễ bái và giải trí. Nhiều câu ca dao xưa về làng đã nhắc đến hội chùa như một nét để nhận diện ngôi làng. Tất nhiên, cũng có nhiều hội lớn, có tiếng đã vượt ra khỏi phạm vi làng và trở thành lễ hội của vùng, thu hút Phật tử khắp nơi như hội chùaHương, hội chùa Thầy, hội chùa Đọi Sơn, hội chùa Láng… Nhưng mặc dù vậy, các hội chùa gắn với bối cảnh làng vẫn là chủ đạo.
Đúng như tên gọi của mình, hội chùa có đối tượng thờ cúng chính là các nhân vật của Phật giáo, bao gồm các vị Phật, các bậc danh tăng và các nhà sư có công sáng lập hoặc có vai trò lớn đối với sự phát triển của ngôi chùa. Thời quân chủ, đối tượng thờ cúng của chùa được các triều đại chính thức công nhận và theo dòng thời gian có những sắc phong tùy theo quan điểm đánh giá của nhà nước về công trạng và về sự linh ứng.
Giống như các dạng lễ hội khác, hội chùa cũng có những nghi thức và những kiêng kị gắn với các sự kiện đặc biệt/ bí ẩn trong cuộc đời đối tượng được thờ cúng. Chẳng hạn, chùa Láng không thờ Ngũ hổ và lễ rước cũng không có hổ, bắt nguồn từ truyền thuyết về căn bệnh “hóa hổ” của vua Lý Thần Tông (hóa thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh). Dù có những thay đổi theo thời gian, nội dung của hội chùa không nằm ngoài các bước chính của lễ hội nói chung, đó là: chuẩn bị, lễ mộc dục, lễ rước, lễ tế, hèm và các trò diễn, trò chơi, ăn uống cộng cảm, và cuối cùng là kết thúc hội hay rã đám.
Trong diễn trình trên, tế lễ là nghi thức quan trọng nhất. Ban tế chịu trách nhiệm thực hiện việc này. Người tế lễ những người có tư cách, có vị trí xã hội và có gia đình yên ổn, vợ chồng song toàn. Người dân dâng lễ vật lên thần linh, trình bày về những gì đã làm được trong thời gian vừa qua và thể hiện mong muốn được thần linh tiếp tục phù hộ để đạt được những nguyện vọng mới trong thời gian tới. Bên cạnh tế lễ, các hoạt động thuộc phần “hội” như các hình thức vui chơi hội đám, các trò diễn vui khỏe, những trò thi tài đua khéo, các trò diễn mang tính chất nghệ thuật sân khấu… cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Những người tham dự hội chùa thường ăn một bữa cơm chay nhưng có đóng góp kinh phí ít nhiều để giúp đỡ lại nhà chùa. Dự hội chùa xong, du khách còn được nhà chùa biếu lộc (gồm chuối, oản).
Trong ngày hội, các bà vãi thường tụng niệm những bộ kinh nhắc lại sự tích và đức hạnh của Đức Phật và chư vị Bồ tát, thường gọi là kể hạnh.
Nhìn tổng quát về tính chất, đặc điểm, chức năng và giá trị, hội chùa mang những nét chung của lễ hội truyền thống song cũng có một vài điểm nhấn của riêng mình.
Về tính chất, hội chùa mang tính thiêng, tính quần thể, tính hoành tráng, tính biểu dương, tính đa dạng và tính tượng trưng…, trong đó tính thiêng là điểm nổi bật bởi hội chùa là một lễ hội tôn giáo.
Về đặc điểm, hội chùa có sự phong phú xuất phát từ sự phong phú của diện mạo Phật giáo tại Việt Nam (Phật giáo bác học/ Phật giáo dân gian, Phật giáo đại thừa/Phật giáo tiểu thừa, Phật giáo gốc/Phật giáo bản xứ…); hội chùa có sự thăng trầm trong quá trình tồn tại (trong đó có ảnh hưởng từ chính sách của nhà nước khi có lúc xem Phật giáo là quốc giáo và có lúc bài trừ); hội chùa có sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa của mỗi nơi.
Hội chùa có chức năng phản ánh và bảo lưu truyền thống, chức năng tuyên truyền và giáo dục, và chức năng giải trí, mà tiêu biểu hơn cả là chức năng phản ánh và bảo lưu truyền thống bởi Phật giáo là tôn giáo hiện diện trong lịch sử dân tộc từ rất lâu đời.
Hội chùa có giá trị lịch sử, giá trị cố kết cộng đồng, giá trị thẩm mỹ, giá trị thỏa mãn đời sống tâm linh, giá trị bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc…, trong đó giá trị thỏa mãn đời sống tâm linh là giá trị quan trọng nhất.
Cùng với sự hỗn dung về tôn giáo và tín ngưỡng, hội chùa có thể và thường có những lớp ý nghĩa ngoài Phật giáo. Khắp các làng quê của Việt Nam, mô hình “Tiền Phật, hậu Thánh” là rất phổ biến trong các ngôi chùa, và trong khuôn viên nhà chùa cũng thường có điện thờ Mẫu Liễu Hạnh cùng các nhân vật khác của đạo Tứ phủ. Một số hội chùa vừa là lễ hội tôn giáo, lại vừa là lễ hội nông nghiệp, chẳng hạn như các hội chùa thờ Tứ pháp. Các hội chùa này gắn với câu chuyện Phật Mẫu Man nương thụ thai đứa con của Phật rồi sinh ra các bà Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (mưa), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp) là những vị thần phù trợ cho mưa thuận gió hòa - nền tảng cho nông nghiệp lúa nước.
Hội chùa ở Việt Nam tuy là một lễ hội tôn giáo nhưng không hoàn toàn là một sinh hoạt tôn giáo thuần túy vì nó không chỉ hướng tới tín đồ của Phật giáo. Bên cạnh những hội chùalớn vượt ra ngoài phạm vi địa phương, hội chùa nhìn chung vẫn là hội làng. Trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, nội dung của một số hội chùa cũng có những biến đổi nhằm đáp ứng những nhu cầu mới của người dân.
Hội chùa là một phần không thể thiếu của văn hóa truyền thống Việt Nam và vẫn đang tiếp tục được duy trì xã hội đương đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
- Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
- Nguyễn Chí Bền (chủ biên), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
- Phạm Côn Sơn, Văn hóa lễ tục, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.
- Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Lễ hội dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.