Mục từ này cần được bình duyệt
Hội đồng nhân dân

, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng Nhân dân có hai chức năng cơ bản là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và thực hiện nghị quyết của HĐND.Hội đồng Nhân dân làm việc theo chế độ Hội nghị, quyết định theo đa số.

Hội đồng Nhân dân gồm các đại biểu HĐND do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra. Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Đại biểu HĐND bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của HĐND.

Cơ cấu của HĐND bao gồm Thường trực HĐND và các Ban của HĐND. Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, chịu trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước HĐND. Thành viên của thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban Nhân dân cùng cấp. Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án do Thường trực HĐND soạn thảo trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm báo cáo trước HĐND.

HĐND các tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500 nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu, có trên 500 nghìn dân thì cứ thêm 30.000 được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá 85 đại biểu. Các tỉnh không thuộc trường hợp trên đây nếu có 1 triệu dân trở xuống thì bầu 50 đại biểu, có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50.000 được bầu thêm 1 đại biểu nhưng tổng số không quá 95 đại biểu. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 105 đại biểu.

Hội đồng Nhân dân tỉnh thành lập 3 ban là Ban pháp chế, Ban kinh tế- ngân sách và Ban văn hóa- xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập thêm Ban dân tộc. HĐND thành phố trực thuộc trung ương thì thành lập 4 Ban là Ban pháp chế, Ban kinh tế- ngân sách, Ban văn hóa - xã hội và Ban đô thị.

Hội đồng Nhân dân huyện miền núi, vùng cao, hải đảo tùy theo dân số có từ 30 đến 40 đại biểu, huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trở lên không quá 45 đại biểu. HĐND quận,thành phố thuộc tỉnh, thị xã tùy theo dân số được bầu từ 30 đến 40 đại biểu, nơi có từ 30 đơn vị hành chính phường trực thuộc trở lên không quá 45 đại biểu.

Hội đồng Nhân dân xã tùy theo dân số có số đại biểu từ 15 đến đến 35 đại biểu, Hội đồng nhân phường, thị trấn tùy theo dân số có từ 25 đến 35 đại biểu.

Hội đồng Nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thành lập hai ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế- xã hội, nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập thêm Ban dân tộc.

HĐND xã, phường, thị trấn thành lập hai ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế- xã hội.Nhiệm kỳ của HĐND các cấp là năm năm.

Chế định HĐND với tư cách là một chế định của Luật Hiến pháp xuất hiện lần đầu tiên trong Hiến pháp 1946, tuy nhiên nếu xét theo phương diện là cơ quan đại diện của dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra, quyết định các công việc địa phương với tư cách là cơ quan tự quản thì đã xuất hiện ở Việt Nam rất sớm trong thời kỳ nhà nước phong kiến. Hội đồng kỳ mục ở cấp xã, thôn là cơ quan do dân bầu trực tiếp, cơ quan thực diện chế độ làng xã tự trị đã tồn tại từ thế kỷ XV ( năm 1467) đến trước cách mạng tháng 8.1945.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật hiến pháp Việt Nam, chủ biên, GS-TS Thái Vĩnh Thắng & PGS-TS Tô Văn Hòa, Nxb. Tư pháp, 2019

2. Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm1992, Một số vấn đề cơ bản của Hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, 2012

3. Vũ Quốc Thông, Pháp chế sử, Nxb.Tủ sách đại học, Sài gòn, 1973

4. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015,Nxb. Chính trị quốc gia, 2016.

5. Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997