Hộ nông dân là hộ gia đình mà hoạt động sản xuất chủ yếu của họ là nông nghiệp. Ngoài các hoạt động nông nghiệp, hộ nông dân còn có thể tiến hành thêm các hoạt động khác, tuy nhiên đó chỉ là các hoạt động phụ. Đặc điểm cơ bản nhất của phương thức sản xuất hộ nông dân là dựa trên sử dụng lao động gia đình là chính, chỉ đi thuê một phần nhỏ lao động. Theo FAO, nông dân gia đình (Family farming) bao gồm những người dân bản địa, cộng đồng truyền thống, ngư dân, nông dân miền núi, người chăn thả gia súc và nhiều nhóm đại diện cho mọi khu vực và các quần xã.
Giáo sư Frank Ellis, một nhà nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân nổi tiếng đã đưa ra định nghĩa về đơn vị kinh tế hộ nông dân (Peasant economics). Theo ông các đặc điểm đặc trưng của đơn vị kinh tế mà chúng phân biệt gia đình nông dân với những người làm kinh tế khác trong một nền kinh tế thị trường là: đất đai, lao động, tiền vốn và cách tiêu dùng.Người nông dân với ruộng đất chính là một yếu tố hơn hẳn các yếu tố sản xuất khác vì giá trị của nó; nó là nguồn đảm bảo lâu dài đời sống của gia đình nông dân trước những thiên tai. Sự tín nhiệm đối với lao động của gia đình là một đặc tính kinh tế nổi bật của người nông dân. Người “lao động gia đình” là cơ sở của các nông trại, là yếu tố phân biệt chúng với các xí nghiệp tư bản. Người ta cho rằng: “người nông dân làm công việc của gia đình chứ không phải làm công việc kinh doanh thuần túy”, nó khác với đặc điểm chủ yếu của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là làm chủ vốn đầu tư vào tích lũy cũng như khái niệm hoàn vốn đầu tư dưới dạng lợi nhuận.
Trong lịch sử kinh tế nông nghiệp thế giới, do có những đặc điểm riêng của nền sản xuất – kinh tế nông nghiệp, mà cả về lý luận và thực tiễn phát triển nền nông nghiệp trên thế giới hàng trăm năm nay, kể cả khi đi vào sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại cho thấy đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản và phổ biến nhất vẫn là Kinh tế hộ nông dân với những quy mô và trình độ khác nhau. Mác và Ăngghen đã thấy rõ những đặc thù của sản xuất nông nghiệp – kinh tế nông nghiệp, và đã rút ra kết luận quan trọng rằng: Nông trại gia đình, về căn bản không dựa trên lao động làm thuê, vẫn tỏ rõ sức sống lâu bền và và hiệu quả của nó, và “Ngay ở nước Anh siêu công nghiệp… với thời gian cho đến nay đã khẳng định là hình thức lãi nhất không phải là nông trại công nghiệp hóa, làm theo phương thức công nghiệp và dựa trên lao động di thuê, mà là nông trại gia đình thực tế không dùng lao động làm thuê”. Các ông cho rằng đó là “Nghề nông hợp lý” .
A. Chayanov, nhà kinh tế nông nghiệp Nga, đầu thế kỷ 20 đã cho rằng kinh tế nông dân mang các đặc điểm cơ bản của kinh tế gia đình. Toàn bộ tổ chức của dạng kinh tế này do quy mô, cấu trúc gia đình, nhu cầu tiêu dùng và số lượng lao động quyết định. Đây là lý do giải thích tại sao quan niệm về lời lãi của kinh tế hộ nông dân khác với kinh tế tư bản và tại sao những quan điểm của kinh tế tư bản không thể áp dụng cho nền kinh tế nông dân .
Cùng với những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, xét trong nền kinh tế thị trường, đơn vị kinh tế hộ nông dân có những trình độ chủ yếu sau:
Hộ nông dân tự cung tự cấp hoàn toàn. Đó là loại hộ, cả với tư cách là đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu dùng, hầu như không có sự đối thoại với thị trường, nếu có sự đối thoại với thị trường thì cũng chỉ là do nhu cầu bức thiết phải bán bớt sản phẩm tất yếu để đổi lấy các nhu yếu phẩm khác mà cuộc sống buộc phải có.
Hộ nông dân sản xuất hàng hoá nhỏ. Tính tự cung tự cấp vẫn chiếm ưu thế trong loại kinh tế hộ nông dân này, cho nên sản xuất lương thực để tồn tại để đảm bảo an ninh lương thực cho hộ gia đình vẫn là một mục tiêu và nội dung kinh tế cơ bản, hàng đầu của loại hộ nông dân này.
Hộ nông dân sản xuất hàng hoá là chủ yếu. Đây là loại hộ nông dân đã hướng mục tiêu sản xuất ra thị trường đồng thời vẫn giữ phần nhỏ tiêu dùng trực tiếp trong hộ như một chiếc “van an toàn”. Đặc trưng kinh tế cơ bản của loại hộ nông dân này là mối quan hệ giữa hộ, một đơn vị sản xuất, với thị trường đã khá lớn và chiếm ưu thế trong sản xuất của hộ. Vì sản xuất hướng theo thị trường nên các yếu tố đầu vào và đầu ra của đơn vị sản xuất, bao gồm cả chi phí lao động sống và đất đai, đã được tính toán tới trong quá trình sản xuất. Đây là một nấc thang phát triển rất quan trọng của quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân.
Hộ nông dân sản xuất hàng hoá hoàn toàn hay trang trại. Đặc trưng kinh tế của loại hộ nông dân này là sản xuất hoàn toàn hướng theo nhu cầu của thị trường và thông qua thị trường; quy mô sản xuất thường do thị trường điều tiết. Đối với những loại hộ này, giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu dùng của kinh tế hộ nông dân hầu như không còn mối quan hệ trực tiếp, mà cả đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu dùng tồn tại độc lập tương đối với nhau và quan hệ trực tiếp với thị trường. Đi vào sản xuất hàng hóa, do năng lực của các hộ khác nhau, biểu hiện ở hiệu quả sử dụng đất đai của các hộ khác nhau, năng lực làm các ngành nghề phi nông nghiệp khác nhau, tất yếu diễn ra sự phân hoá giữa các hộ nông dân: phân hoá về trình độ, quy mô sản xuất kinh doanh, phân hoá về nghề nghiệp - giỏi về nghề gì làm nghề đó.
Theo báo cáo của FAO nhân thập kỷ Nông nghiệp gia đình 2019-2028, thế giới hiện có hơn 600 triệu trang trại với trên 90% được điều hành bởi cá nhân dựa chủ yếu vào lao động và các nguồn lực gia đình. Các trang trại gia đình chiếm từ 70% đến 80% đất nông nghiệp và sản xuất hơn 80% giá trị lương thực thực phẩm toàn cầu. Đáng chú ý trong hệ thống nông nghiệp thế giới là, số trang trại có diện tích dưới 1ha chiếm 70%, nhưng chỉ nắm giữ 7% diện tích đất nông nghiệp; những trang trại từ 1 đến 5ha chiếm 24% song chỉ có 10% diện tích đất đai. Trên 70% diện tích đất nông nghiệp hiên nay do 1% số trang trại lớn nhất nắm giữ. Trên 33% diện tích rừng thế giới hiện được quản lý bởi người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Tại 90 quốc gia với trên 370 triệu người bản địa sống trong các vùng lãnh thổ truyền thống, trùng hợp với 80% diện tích đa dạng sinh học trên hành tinh, chiếm 22% diện tích đất đai thế giới.
Hộ nông dân và quá trình phát triển ở Việt Nam[sửa]
Trong thời kỳ hợp tác hoá, đất nước còn chia cắt, hộ nông dân Việt Nam tham gia vào Hợp tác xã nhưng vừa cung cấp nguồn nhân lực, vừa là nguồn của cải vật chất cho cuộc chiến, đồng thời lại là nơi sản xuất vật chất để bảo đảm cuộc sống không những cho gia đình, chỉ với 5% quỹ đất canh tác được chia cho các hộ nông dân làm kinh tế vườn theo lối tự túc, tự cấp, mà còn đóng vai trò là hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam trên cơ sở phát triển hợp tác xã theo kiểu cũ. Tuy nhiên sau khi giải phóng đất nước, vai trò của kinh tế hộ nông dân có nhiều thay đổi cả về phương thức quản lý lẫn lao động sản xuất, nhất là kể từ khi phong trào hợp tác xã mất dần động lực phát triển. Lãnh đạo Đảng và nhà nước đã sáng suốt nhìn thấy động lực của kinh tế hộ nông dân sẽ là cơ sở cho phát triển nông nghiệp. Mốc quan trọng của sự thay đổi đó là sự ra đời của Chỉ thị 100, ngày 31-01-1981 của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã. Tiếp theo đó, Nghị quyết 10, ngày 05 – 04 - 1988 của Bộ Chính trị (hay còn gọi là Khoán 10) về Đổi mới quản lý nông nghiệp đã tạo cơ sở quan trọng để kinh tế hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp với chủ trương giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân.
Sau hơn 30 năm Đổi mới kinh tế hộ nông dân đã góp phần vào tăng trưởng ngoạn mục của nền nông nghiệp Việt nam, chuyển từ nhập khẩu lương thực vào năm 1989 sang xuất khẩu nông sản đến 180 nước trên thế giới vào năm 2019.
Trong qua trình phát triển hộ nông dân Việt Nam không chỉ tăng về số lượng mà quan trọng hơn là đã có sự chuyển dịch từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sang phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tại thời điểm 01/7/2016, khu vực nông thôn có 8,58 triệu hộ nông dân, chiếm 53,7% tổng số hộ nông thôn, so với năm 2006 là 71,06%. So với 5 năm trước đó là 2011, số hộ nông dân đã giảm 0,96 triệu hộ. Năm 2016, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân một hộ nông dân có sử dụng của cả nước chỉ đạt 5.805 m2/hộ, trong đó hộ trồng cây hằng năm 4.466 m2/hộ; hộ trồng lúa 3.468 m2/hộ; hộ trồng cây lâu năm 4.830 m2/hộ. Đồng bằng sông Hồng có diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân hộ thấp nhất, chỉ đạt 1.852 m2/hộ. Trong đó, hộ trồng cây hằng năm 1.775 m2/hộ; hộ trồng lúa 1.692 m2/hộ; hộ trồng cây lâu năm 690 m2/hộ. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích bình quân hộ tương ứng lần lượt là: Hộ có diện tích đất nông nghiệp 3.999 m2/hộ; hộ trồng cây hằng năm 3.351 m2/hộ; hộ trồng lúa 2.290 m2/hộ; hộ trồng cây lâu năm 2.766 m2/hộ.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng gần 3,5 lần, từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 xuống còn 1,8 lần năm 2017. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của hộ nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước. Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 30%. Đến hết năm 2017, lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,2% trong tổng số lao động xã hội.
Khó khăn và thách thức của hộ nông dân[sửa]
Khó khăn và thách thức lớn đối với hộ nông dân của Việt Nam trong tiến trình hội nhập ngày một sâu vào kinh tế thế giới là: (1) Thu nhập còn quá thấp; chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; (2) Ruộng đất giao cho các hộ manh mún, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp; giá đất nông nghiệp quá thấp; (3) Trình độ học vấn, trình độ tay nghề của người lao động thấp, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên kinh doanh thiếu bền vững, khó tham gia vào chuỗi giá trị; (4) Chất lượng sản phẩm hàng hoá của các hộ gia đình chưa cao, chủ yếu dưới dạng thô, sản phẩm nhỏ lẻ phân tán nên tiêu thụ khó khăn, chưa đạt các tiêu chuẩn của thị trường, nên giá trị và hiệu quả thấp; (5) Sống trong điều kiện ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất, nhất là về giáo dục, y tế; môi trường càng ngày càng ô nhiễm; (6) Luôn bị nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành; thương mại không công bằng, người dân luôn bị ép giá; (7) Còn thiếu các phương tiện, công cụ để giảm, thoát nghèo, như cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, khó tiếp cận vốn, lao động trẻ khỏe xa rời nông nghiệp.
Xu hướng phát triển kinh tế hộ nông dân[sửa]
Liên Hợp Quốc đã phát động thập kỷ 2019-2028 là thập kỷ của Nông nghiệp hộ gia đình nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức kinh tế hộ nông dân đóng góp vào Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Ở Việt nam, hộ nông dân từ tự cung tự cấp đang chuyển mạnh mẽ sang kinh tế hàng hóa, hội nhập. Hiện nay có nhiều tranh luận về vai trò của hộ nông dân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn, tuy nhiên kinh tế hộ nông dân có thể phát triển theo các xu hướng cơ bản theo xu hướng toàn cầu như sau: (1) Quá trình hình thành các nông trại hay trang trại gia đình, chính là sự hình thành các cơ sở sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nông dân gia đình trở thành nông dân chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin...(2) Sự hình thành các dịch vụ kinh tế, kỹ thuật phục vụ cho chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm và đời sống của dân cư nông thôn; (3) Quá trình phân hoá về mặt kinh tế các hộ nông dân nghèo, hiệu quả thấp, có mức thu nhập dưới ngưỡng tích lũy, làm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ có thể kết hợp du lịch nông thôn; (4) Quá trình rút lao động khỏi nông nghiệp cùng với quá trình gia tăng phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn và công nghiệp hoá; (5) Quá trình hình thành các hợp tác xã kiểu mới, hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đào Thế Tuấn, Kinh tế hộ nông dân. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 1997.
- Ellis Frank, Peasant Economics: Farm Households in Agrarian Development, Cambridge University Press, Cambridge, United Kingdom, 2003.
- Chương trình KHCN phục vụ NTM chủ biên, Khoa học với sự nghiệp Nông thôn mới. Giai đoạn 2011-2017. NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018.