Mục từ này cần được bình duyệt
Hỗ trợ phát triển chính thức

(Official Development Aid - ODA)

Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)là các nguồn tài trợ ưu đãi của một hay một số quốc gia cung cấp cho một quốc gia khác nhằm mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nguồn gốc hình thành của ODA

Đại chiến Thế giới lần thứ hai kết thúc cũng là thời điểm mở ra một cuộc chiến mới – Chiến tranh Lạnh, giữa một bên là phe xã hội chủ nghĩa do Nga và một bên là phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ dẫn đầu. Trong và sau Đại chiến, Mỹ không những không thiệt hại về kinh tế, mà còn giàu lên nhờ buôn bán vũ khí. Trong khi đó, phía đồng minh của Mỹ ở Tây Âu rơi vào tình trạng khánh kiệt về kinh tế. Trong bối cảnh đó, để củng cố tầm ảnh hưởng của mình và lo ngại sự bành trướng của phe xã hội chủ nghĩa, Mỹ đã thực hiện Kế hoạch Marshall (1947) – viện trợ ồ ạt cho các nước tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu để giúp các nước này hồi phục về kinh tế. Từ 1947-1951, Mỹ đã viện trợ tổng cộng 12 tỷ đô la Mỹ (tương đương 120 tỷ đô la Mỹ theo thời giá 2016). Tương tự như vậy, để gia tăng các nước gia nhập phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô cũng đã sử dụng biện pháp hỗ trợ kinh tế để viện trợ cho rất nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Á, và khu vực Mỹ La-tinh.

Các khoản viện trợ này của Mỹ hay Liên Xô được coi là những khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên. Mặc dù mục tiêu chính của những khoản viện trợ này là chính trị, nhưng nó cũng phát huy những tác động mạnh mẽ giúp các nước TBCN hồi phục kinh tế một cách nhanh chóng. Đến năm 1960, một loạt các nước nghèo, kém phát triển giành được độc lập ở châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh, cùng với đó là sự thay đổi nhận thức của nước giàu đối với các nước nghèo, kém phát triển, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thành lập Uỷ ban Hỗ trợ phát triển (DAC). Uỷ ban này có nhiệm vụ yêu cầu, khuyến khích và điều phối viện trợ của các nước OECD cho các nước đang và kém phát triển. Từ đó, thuật ngữ “Hỗ trợ phát triển chính thức” được sử dụng lần đầu năm 1961, trong báo cáo đầu tiên của Uỷ ban này, với ý nghĩa là sự trợ giúp có ưu đãi về mặt tài chính của các nước giàu, các tổ chức quốc tế cho các nước nghèo.

Đặc điểm của ODA

Một khoản tài trợ được coi là ODA nếu đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện sau:

Một là, được các tổ chức chính thức hoặc đại diện của các tổ chức chính thức cung cấp. Tổ chức chính thức bao gồm các nhà nước mà đại diện là Chính phủ, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

Hai là, mục tiêu chính là giúp các nước đang phát triển phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội. Các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA bao gồm: Xoá đói, giảm nghèo, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, năng lượng; cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; các vấn đề xã hội như tạo việc làm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội; cải cách hành chính, tư pháp, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, cải cách thể chế.

Ba là, thành tố hỗ trợ (Grant element - GE) phải đạt ít nhất 25%. Thành tố hỗ trợ, còn được gọi là yếu tố không hoàn lại là một chỉ số biểu hiện tính “ưu đãi” của ODA so với các khoản vay thương mại theo điều kiện thị trường. Thành tố hỗ trợ càng cao càng thuận lợi cho nước tiếp nhận. Chỉ tiêu này được xác định dựa trên tổ hợp các yếu tố đầu vào: Lãi suất, thời gian ân hạn, thời hạn cho vay, số lần trả nợ trọng năm, và tỷ lệ chiết khấu. Công thức được xác định như sau:

Trong đó: GE: Yếu tố không hoàn lại;

r: Tỷ lệ lãi suất hàng năm (<2%);

a: Số lần trả nợ trong năm (theo điều kiện của bên tài trợ);

d: Tỷ lệ chiết khấu của mỗi kỳ và d = (1 + d’)1/a – 1

d’: Tỷ lệ chiết khấu của cả năm (theo thông báo của OECD hoặc các thoả thuận của bên tài trợ).

G: thời gian ân hạn (8-10 năm)

M: Thời hạn cho vay (25-40 năm)

Phân loại ODA

Có nhiều tiêu chí để phân loại các khoản ODA

a) Theo tính chất tài trợ, ODA gồm có viện trợ không hoàn lại, viện trợ có hoàn lại và viện trợ hỗn hợp.

Viện trợ không hoàn lại: đó là những khoản cho không, người nhận không phải có nghĩa vụ hoàn trả lại về sau.

Viện trợ có hoàn lại: đó chính là các khoản cho vay ưu đãi (còn gọi là cho vay “mềm”) với lãi suất thấp hoặc không có lãi suất.

Viện trợ hỗn hợp: Gồm một phần cho không, một phần cho vay (có ưu đãi hoặc không ưu đãi). Ngày nay trong các khoản ODA thường có ít nhất 20-25% là viện trợ không hoàn lại.

b) Theo mục đích sử dụng khoản tài trợ, ODA thường được phân loại thành hỗ trợ cơ bản và hỗ trợ kỹ thuật.

a) Hỗ trợ cơ bản: Là những khoản được cung cấp để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, giáo dục, y tế…) và môi trường. Đây thường là những khoản cho vay ưu đãi.

b) Hỗ trợ kỹ thuật: Là các khoản dành cho chuyên gia tri thức, công nghệ, xây dựng năng lực, tiến hành nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu tiền đầu tư phát triển thể chế, phát triển nguồn nhân lực… Loại hỗ trợ này chủ yếu là các khoản viện trợ không hoàn lại.

c) Theo các điều kiện để nhận được tài trợ, ODA được chia ra: ODA không ràng buộc, ODA có ràng buộc và ODA hỗn hợp.

ODA không ràng buộc: Đó là các khoản tài trợ mà người nhận sử dụng chúng không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào từ người cung cấp.

ODA có ràng buộc: Có nghĩa là người nhận sử dụng các khoản tài trợ phải chấp nhận một số điều kiện ràng buộc nào đó từ người cung cấp. Có các ràng buộc: (i) Ràng buộc nguồn sử dụng: khoản tài trợ được chỉ định mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, thuê dịch vụ kỹ thuật, chuyên gia… theo những địa chỉ của người cung cấp đưa ra. Nếu người nhận tài trợ không tuân thủ theo sự chỉ định đó thì không nhận được khoản tài trợ; (ii) Ràng buộc bởi mục đích sử dụng: khoản tài trợ chỉ có thể được sử dụng cho một số mục đích nào đó đã được xác định qua các chương trình, dự án.

ODA hỗn hợp: Có nghĩa là một phần có những ràng buộc, phần còn lại không phải chịu ràng buộc nào cả.

d) Theo hình thức thực hiện tài trợ, có ODA hỗ trợ dự án và ODA hỗ trợ phi dự án.

ODA hỗ trợ dự án: Đây là hình thức chủ yếu của ODA, có nghĩa là các khoản tài trợ sẽ được xác định cho các dự án cụ thể. Khoản tài trợ này có thể là hỗ trợ cơ bản hoặc hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi.

ODA hỗ trợ phi dự án: là các khoản tài trợ không gắn với từng dự án mà có thể được sử dụng tổng hợp như sau:

- Hỗ trợ cán cân thanh toán: là các khoản tài trợ được áp dụng trong trường hợp một quốc gia nào đó bị thâm hụt cán cân thanh toán (tài khoản vãng lai) quá mức. Khoản tài trợ sẽ giúp phục hồi cán cân thanh toán, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (thường là các khoản hỗ trợ của IMF).

- Hỗ trợ trả nợ: là các khoản tài trợ để giúp một Chính phủ nào đó trả các khoản nợ quốc tế đến hạn.

- Hỗ trợ chương trình: là khoản ODA dành cho một mục đích tổng quát nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Thực chất của khoản tài trợ này là gắn với đồng thời nhiều dự án chi tiết cụ thể trong một chương trình tổng thể. (Như khoản tài trợ cả gói của IMF để chống đỡ với khủng hoảng tài chính, tiền tệ…).

đ) Gắn với nguồn cung cấp, ODA được chia thành ODA song phương và ODA đa phương.

ODA song phương: là ODA của một Chính phủ tài trợ trực tiếp cho một Chính phủ khác (thông thường là Chính phủ nước giàu tài trợ cho Chính phủ nước nghèo). ODA song phương chủ yếu do các nước là thành viên của DAC cung cấp. Hiện nay Uỷ ban này có 28 quốc gia, hàng năm viện trợ một lượng ODA chiếm tỷ trọng khoảng 72% của toàn thế giới.

ODA đa phương: Do các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, các Tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, Ngân hàng phát triển châu Phi, Quỹ viện trợ của OPEC, Quỹ Kuwait và các Tổ chức phi chính phủ cung cấp.

Vai trò của ODA

Đặc điểm của ODA là sự ưu đãi về tài chính và tín dụng, thể hiện ở các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay với lãi suất thấp. Xuất phát từ lợi thế căn bản này, ODA có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế của các nước, đặc biệt đối với các nước kinh tế chậm phát triển. cụ thể:

a) ODA là nguồn tài chính quan trọng hỗ trợ cho các nước kém phát triển có điều kiện cải thiện và phát triển kinh tế xã hội.

Tình trạng thâm hụt ngân sách là hiện tượng phổ biến đối với các nước kinh tế kém phát triển.Việc vay thương mại trên thị trường vốn quốc tế đối với các nước này là hết sức khó khăn.Mặt khác, nguồn viện trợ quốc tế cũng có giới hạn nhất định.Vì vậy, hình thức tài trợ ODA là thích hợp nhất đối với các nước tài trợ và nhận tài trợ. Chính nhờ nguồn vốn này mà một loạt nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945), nhiều nước kinh tế lạc hậu ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh đã thoát khỏi cảnh nghèo nàn, đang đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và tham gia hội nhập quốc tế đầy triển vọng.

b) ODA góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các quốc gia tiếp nhận ODA là phải sử dụng làm sao cho các khoảng ODA mang lại hiệu quả tốt nhất, có tác dụng thiết thực trong việc hỗ trợ quốc gia đó phát triển kinh tế xã hội, đúng như mục tiêu đặt ra trong tên gọi của các khoản ODA, không để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ con cháu mai sau. Bằng các nguồn vốn tài trợ ODA, các nước có điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục dần sự tách biệt giữa thành thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng, góp phần xoá đói giảm nghèo.

c) ODA tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Bằng nguồn tài trợ ODA, các quốc gia, các địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, tạo thêm nhiều việc làm mới, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

d) ODA tạo điều kiện cho các nước hiểu biết lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quá trình mở cửa hội nhập quốc tế.

Quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định tài trợ ODA là điều kiện thuận lợi để các nước hiểu biết lẫn nhau về tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt là các lợi thế thương mại. Việc sử dụng ODA có hiệu quả, không chỉ mang lại lợi ích cho nước tiếp nhận ODA, mà còn có tác dụng củng cố, nâng cao uy tín của các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ ODA. Thông qua việc giải ngân ODA, các nước có thể mở rộng các quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi như mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá, khai thác nguyên liệu, hợp tác lao động. Đặc biệt là trao đổi chuyên gia, xuất khẩu kỹ thuật công nghệ, đầu tư trực tiếp ... Từ đó, ODA góp phần thúc đẩy quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ, Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16.3.2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, 2016.

2. Development Initiatives: Data & Guides, Official development assistance, , Oct, 2012.

3. Vũ văn Hóa, Lê Văn Hưng, Giáo trình tài chính quốc tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, 2009.

4. Trang thông tin điện tử: www.OECD.org/dac/