Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hồi quốc Aceh
Alam Peudeung Mirah Aceh
Flag of the Aceh Sultanate
Bendera aceh

Hồi quốc Aceh (1496 - 1903) vương quốc hồi giáo ở phía bắc đảo Sumatra (nay thuộc Indonesia), có tên chính thức là Vương quốc Aceh Darussalam. Kinh đô của Hồi quốc Aceh (vt. Hồi quốcAceh ) tại Kutaraja, nay là thành phố Banda Aceh. Hồi quốcAceh phát triển thịnh đạt vào các thế kỷ XVI - XVII như một bá quyền khu vực, kiểm soát đảo Sumatra, bán đảo Malay và eo Malacca.

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm trên cửa ngõ eo Malacca và nguồn tài nguyên phong phú của đảo Sumatra, khu vực phía bắc hòn đảo từ sớm đã là một trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo quan trọng ở Đông Nam Á. Các hải cảng vùng tây bắc Sumatra là nơi dừng chân cuối cùng của các con tàu trên hành trìnhh tới Ấn Độ và điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á của thương nhân từ vịnh Begal.

Trước khi Hồi quốcAceh ra đời, các trung tâm chính trị ở phía bắc Sumatra đã được ghi chép bởi các nhà du hành như Marco Polo (1254–1324) và Ibn Battuta (1304–1377). Họ đề cập tới ảnh hưởng của Hồi giáo tới các tiểu quốc như Lamuri (Ramni), Lambri, Lan-li (Lamri), Lan-wu-li là chư hầu của Srivijaya hay Majapahit. Họ cũng mô tả vùng đất này cung cấp các vật phẩm như gỗ vang, long não, san hô, vàng, ngà voi, cây mây, thiếc, mai rùa, nhựa cây…

Vị vua đầu tiên của Hồi quốcAceh được biết đến là Sultan Ali Mughayat Shah (1496–1530). Trong ghi chép của người Bồ Đào Nha, ông được gọi là Raja Ibrahim. Nhà vua cũng được đề cập qua các tư liệu Malay như Hikayat Bustan as-Salatin, tác phẩm được viết bởi Nuruddin Al-Raniri (1666). Việc xác lập vương quốc Hồi giáo có ý nghĩa đặc biệt về chính trị, kinh tế và văn hóa với Aceh vì nhờ đó, Hồi quốcAceh đã tham dự thành công vào các mạng lưới thương mại, chính trị và chuyển giao kỹ thuật trên Ấn Độ Dương thời sơ kỳ hiện đại.

Khi người Bồ Đào Nha đánh chiếm Malacca năm 1511, họ chủ yếu kiểm soát khu vực cảng thị. Do đó, các vương quốc xung quanh eo biển đã có cơ hội nổi lên, như Hồi quốcAceh , Johor và Ayutthaya. Vị trí của Hồi quốcAceh rất thuận lợi để tiếp cận sự chuyển dịch thương mại của một số tiểu quốc Hồi giáo như Demak (trên đảo Java), khi họ tránh vịnh Malacca, và đi qua vịnh Sunda tới Ấn Độ Dương dọc theo duyên hải Sumatra. Sự dịch chuyển hành trình thương mại này góp phần biến Hồi quốcAceh thành một quốc gia thịnh vượng.

Năm 1520, Sultan Ali Mughayat Shah tuyên bố độc lập với Pedir và sáp nhập Daya vào lãnh thổ Hồi quốcAceh . Quá trình mở rộng của vương quốc này hướng tới kiểm soát các cảng xuất khẩu hồ tiêu trên duyên hải Sumatra. Năm 1524, họ chinh phục Pedir và Samudra-Pasai, là hai trung tâm xuất khẩu hồ tiêu tới Ấn Độ và Trung Quốc. Hồi quốcAceh thậm chí còn dự định tổ chức một số cuộc tấn công hạm đội của Bồ Đào Nha, tuy nhiên phải tới giai đoạn cầm quyền của Sultan Alauddin Riayat Shah al-Khahar (1537–1568) thì nước này mới thực sự phát triển lực lượng quân sự, mở rộng lãnh thổ và kết nối với các mạng lưới quyền lực Hồi giáo từ Trung Đông tới châu Phi. Năm 1563, ông phái sứ đoàn tới Constantinople yêu cầu trợ giúp chống lại Bồ Đào Nha. Hai năm sau, Thổ Nhĩ Kỳ phái hai tàu chiến cùng hậu cần quân sự tới Hồi quốcAceh , nhờ đó, quân đội của họ trở nên hùng mạnh và đã tiến hành các cuộc viễn chinh quân sự thâu tóm Batak, Aru (Deli), Barus, Johor. Hồi quốcAceh cũng huy động lực lượng quân lớn, sử dụng pháo binh của người Thổ để tấn công Malacca vào các năm 1537, 1547, 1568.

Với sức mạnh đó, Hồi quốcAceh tìm cách kế thừa bá quyền của Malacca trên khu vực Đông Nam Á hải đảo. Năm 1570, họ tiếp tục các cuộc tấn công Malacca, chiếm được vùng Perak giàu nguồn tài nguyên thiếc trên bán đảo Malay và kết liên minh với vương quốc Japara (trên đảo Java). Trong khi đó, từ cuối thế kỷ XVI, người Anh và Hà Lan đã tìm cách thiết lập quan hệ với Hồi quốcAceh .

Sự phát triển này đã đưa Hồi quốcAceh tới giai đoạn đỉnh cao trong thời kỳ cầm quyền của Sultan Iskandar Muda (1607-1636). Hồi quốcAceh đã nổi lên nhờ khả năng phát triển thương mại quốc tế, mở rộng lãnh thổ và thiết lập quan hệ với các vương quốc Hồi giáo. Hệ thống thương mại của Hồi quốcAceh kết nối với công ty Đông Ấn của Anh, Hà Lan, Pháp, Ấn Độ, châu Phi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab, Trung Đông, Trung Quốc và Nhật Bản… Các cảng biển thịnh vượng với thương nhân nước ngoài và hàng hóa như gốm sứ, vải, thảm, lụa, lúa gạo, lúa mì, sơn mài… Hồi quốcAceh cũng xuất đi số lớn hàng hóa như hồ tiêu, lụa, cánh kiến, trầm hương, lưu huỳnh, vàng, thiếc, chì, ngà voi, đàn hương, quế và các gia vị khác. Hồ tiêu là sản phẩm nổi tiếng nhất của Hồi quốcAceh với ước tính sản lượng 56.000 bao một năm. Không chỉ phát triển về kinh tế, Sultan Iskandar Muda còn xây dựng hệ thống hành chính mới hiệu quả được biết đến như là Adat Meukuta Alam. Ông thúc đẩy các cuộc cải cách Hồi giáo, biến Aceh thành một trung tâm văn hóa và tri thức Hồi giáo trong khu vực.

Tuy nhiên sau thời kỳ của Iskandar Muda, Hồi quốcAceh bắt đầu bước vào giai đoạn suy yếu. Từ năm 1641 đến năm 1699, quyền cai trị vương quốc nằm trong tay các hoàng hậu. Sự gia tăng can dự của phương Tây đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế, chính trị khu vực hải đảo và tác động trực tiếp tới các thể chế bản địa như Hồi quốcAceh . Tới thế kỷ XIX, vương quốc này bị đe dọa bởi sự mở rộng thuộc địa của người Hà Lan. Người Aceh đã tổ chức chống lại, tiến hành một cuộc kháng chiến lâu dài và đẫm máu goi là Các cuộc Chiến tranh Aceh (1873 - 1903). Tinh thần của các cuộc chiến trannh này là sự thúc đẩy tôn giáo, vì thế nó còn được gọi là perang sabil (chiến tranh thần thánh). Dù tháng 4.1874, người Hà Lan chiếm được Aceh Besar, họ phải mất ba thập kỷ nữa với nhiều tổn thất mới bình định được vương quốc phía bắc Sumatra này. Tới năm 1904, tướng J. C. van der Wijck được bổ nhiệm thống đốc Aceh. Lịch sử hơn ba thế kỷ của Hồi quốcAceh trên đảo Sumatra đã khép lại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lombard, Denys. Le Sultanat d’Atjeh Au Temps D’Iskandar Muda, 1607–1636 (Hồi quốc Aceh thời kỳ Iskanda Muda, 1607-1636). Paris: EFEO, 1967.
  2. Pires, Tomé. The Suma Oriental of Tomé Pires (Ghi chép về phương Đông của Tome Pires), (Translated by Armando Cortesão). The Hakluyt Society, reprint, Kraus Reprint Limited, Nendeln, 1967.
  3. Reid, Anthony. “Sixteenth Century Turkish Influence in Western Indonesia” (Ảnh hưởng của người Thổ ở thế kỷ XVI đối với miền Tây Indonesia), JSEAH 10, no. 3 (1969): 395–414.
  4. McKinnon, E. Edwards. “Beyond Serandib: A Note on Lambri at the Northern Tip of Aceh” (Vượt qua Serandib: Một ghi chú về Lambri ở cực bắc của Aceh), Indonesia 46 (October 1988): 121.
  5. Andaya, Leonard Y. Leaves of the Same Tree: Trade and Ethnicity in the Straits of Melaka (Lá cùng một cội: thương mại và tộc người ở vùng eo Melaka). Honolulu: University of Hawai’i Press, 2008.
  6. Feener, R Michael, Patrick Daly, and Anthony Reid, eds., Mapping the Acehnese Past (Phác thảo quá khứ của Aceh). Leiden: KITLV Press, 2011.Khan, Sher Banu A. L. Sovereign Women in a Muslim Kingdom: The Sultanahs of Aceh, 1641−1699 (Phụ nữ trong một vương quốc Hồi giáo: Hồi quốc Aceh, 1641-1699). Singapore: NUS Press, 2017.