Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Học thuyết Fukuda
Fukuda Takeo - Thủ tướng thứ 67 của Nhật Bản

Học thuyết Fukuda ra đời dựa trên bài phát biểu ngày 18.8.1977 tại Manila (Philippines) của Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda, đặt nền tảng cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á từ sau Chiến tranh Việt Nam, thúc đẩy quan hệ ASEAN - Nhật Bản sang một bước ngoặt mới.

Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Đông Nam Á vốn phần lớn nằm dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản. Sau Hội nghị tại San Francisco, Hiệp ước Hòa bình được ký kết ngày 8.9.1951, Nhật Bản bước vào thời kỳ hòa giải và tiến hành bồi thường hậu quả chiến tranh cho các nước Mynamar, Philippines, Indonesia, Việt Nam; đồng thời hỗ trợ giúp đỡ Lào, Thái Lan, Singapore và Malaysia (từ năm 1952 đến năm 1964). Từ khi tham gia Kế hoạch Colombo năm 1954, Nhật Bản đã bắt đầu viện trợ ODA cho các nước Đông Nam Á, Nhật Bản chủ yếu duy trì quan hệ kinh tế với các nước ASEAN.

Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã khiến nguồn cung cấp dầu của Nhật Bản từ Trung Đông bị cắt giảm, do đó Nhật Bản chuyển hướng sang Đông Nam Á - nơi Nhật Bản đã từng khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu, trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đây chính là mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Kakuei Tanaka đến Thái Lan và Indonesia năm 1974. Tuy nhiên, chuyến đi này không có kết quả do tinh thần chống Nhật còn rất lớn ở các nước Đông Nam Á. Cuộc biểu tình, bạo động nổ ra ở Băng Cốc và Jakarta nhân chuyến thăm của Tanaka đã buộc Chính phủ Nhật Bản phải nghiêm túc xem xét lại chính sách đối với Đông Nam Á. Nhật Bản cần phải cải thiện hình ảnh đất nước tại khu vực này với một chính sách đối ngoại mới, theo phương hướng mới. Sau năm 1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã khiến Mỹ rút dần quân đội ra khỏi châu Á. Sự kiện này đặt cách nước ASEAN trước thách thức về an ninh, nhưng lại mở ra cơ hội hoàn hảo về “khoảng trống quyền lực” cho Nhật Bản. Việc Mỹ giảm hiện diện ở khu vực đã tạo điều kiện cho Nhật Bản xây dựng một “chính sách đối ngoại tự chủ” với Đông Nam Á mà không nhất thiết mâu thuẫn với hợp tác an ninh truyền thống với Mỹ.

Ngày 4 và 5.7.1977, các nước ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Kuala Lumpur nhằm kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội. Nhân cơ hội này, Thủ tướng Nhật Bản, Australia và New Zealand đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 5 nước thành viên ASEAN. Sau sự kiện này, Fukuda tiến hành chuyến thăm các nước ASEAN và Myanmar. Tại điểm dừng chân cuối cùng ở thủ đô Manila (Philippines), ngày 18.8.1977, Fukuda đã đọc diễn văn đề cập đến chính sách của Nhật Bản đối với Đông Nam Á, sau đó trở thành học thuyết mang tên ông “Học thuyết Fukuda”. Học thuyết này gồm 3 nội dung sau:

Thứ nhất, Nhật Bản - một cường quốc quyết tâm theo đuổi hòa bình, từ chối vai trò của một cường quốc quân sự, và trên nền tảng này sẽ cống hiến cho nền hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á cũng như cộng đồng thế giới. Fukuda đã dùng điều 9 của Hiến pháp để củng cố hình ảnh hòa bình của Nhật Bản sau Chiến tranh, tạo ra một liệu pháp tâm lí giải tỏa ký ức về cuộc xâm lược của nước này trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Thứ hai, Nhật Bản, với tư cách là một người bạn chân thành, sẽ cố gắng hết sức mình để xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau dựa trên sự thông hiểu “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực rộng lớn bao gồm không chỉ chính trị, kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội,...

Thứ ba, Nhật Bản sẽ đứng trên vai trò “đối tác bình đẳng”, sẽ hợp tác tích cực để tăng cường đoàn kết và phát triển của ASEAN và các nước thành viên cũng như các nước ngoài khu vực có cùng chí hướng, bên cạnh đó thúc đẩy quan hệ dựa trên hiểu biết lẫn nhau của ASEAN với các nước Đông Dương, từ đó đóng góp vào công cuộc xây dựng toàn bộ khu vực Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng.

Dù chỉ có ba điều ngắn gọn nhưng Học thuyết Fukuda là kết quả của sự tính toán hết sức kỹ lưỡng từ bố cục đến nội dung của mỗi điều. Fukuda cải thiện hình ảnh quốc gia, khẳng định thiện chí và quyết tâm của Nhật Bản đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của Đông Nam Á với phương châm: hòa bình và thịnh vượng của khu vực này là mối quan tâm tối cao của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia châu Á. Học thuyết Fukuda cho thấy mục tiêu chiến lược của Nhật Bản trong tình hình mới: không chỉ đóng vai trò tích cực về kinh tế mà còn cả về chính trị ở Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chính thức bày tỏ ý định đóng góp vai trò chính trị trong khu vực và cũng được đánh giá là “quan điểm đối ngoại tích cực đầu tiên” của Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Triển khai Học thuyết Fukuda, Nhật Bản đã thể hiện vai trò chính trị trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là thực hiện vai trò cầu nối giữa nhóm các nước sáng lập ASEAN và các nước Đông Dương. Trước tiên, thay đổi cách tiếp cận với Việt Nam, tăng cường quan hệ hai nước thông qua hiệp định tháng 4.1978 trong đó Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam 4 tỉ Yên viện trợ không hoàn lại và cho vay 10 tỉ Yên, khuyến khích Việt Nam mua các sản phẩm từ nhóm nước ASEAN, từ đó góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoại trưởng Nhật Bản vào năm 1978 cũng kêu gọi Mỹ nhanh chóng thực hiện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Thứ hai, để cam kết trở thành “đối tác bình đẳng” với ASEAN, Nhật Bản đã giảm chênh lệnh thương mại giữa hai bên bằng cách tăng cường nhập khẩu các mặt hàng từ ASEAN, dành ưu đãi thương mại và tăng cường viện trợ lên gấp đôi cho các nước này. Thứ ba, tăng viện trợ ODA cho các nước ASEAN, biến khu vực này trở thành nơi nhận viện trợ lớn nhất từ Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 1979, khi Nhật Bản đứng về phía Mỹ và các nước ASEAN phản đối Việt Nam trong cuộc xung đột biên giới Việt Nam - Campuchia đã làm phá sản ý tưởng cầu nối vốn được coi là nội dung cốt lõi của Học thuyết Fukuka. Ý tưởng này được khôi phục lại phần nào khi Nhật Bản cùng một số quốc gia đã đưa ra sáng kiến cho việc giải quyết “vấn đề Campuchia” từ thập niên 1980.

Học thuyết Fukuda được đánh giá là sự kiện bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Đông Nam Á, thể hiện tính chủ động độc lập của Nhật Bản đồng thời thay đổi nội dung ngoại giao đối với khu vực này. Trong quan hệ quốc tế, việc công bố Học thuyết này được đánh giá là trường hợp hiếm hoi khi nội bộ các đảng phái chính trị của Nhật Bản không phản đối, trong khi Mỹ, Trung Quốc, ASEAN đều ủng hộ. Ngày 01.10.2018, đại diện của các nước ASEAN và Nhật Bản đã tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm công bố học thuyết Fukuda tại khách sạn Manila (Philippines).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Trọng Hưng, Chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại châu Á, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 (78), 2007.
  2. Hoàng Minh Hằng, Học thuyết Fukuda những năm 1970 và sự tìm kiếm vai trò chính trị của Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (120), tr.27 - 35, 2011.
  3. Speech by Prime Minister Takeo Fukuda (Fukuda Doctrine Speech), Manila, August 18, 1977, Source: The Ministry of Foreign Affairs of Japan. (Bài phát biểu của Thủ tướng Takeo Fukuda, Manila, ngày 18 tháng Tám 1977. Nguồn: Bộ Ngoại giao Nhật Bản)
  4. Toru Yano, The “Fukuda doctrine” and its implications for Southeast Asia: A Japanese Perspective, Southeast Asian Affairs, 1978. (Toru Yano, “Học thuyết Fukuda” và những hàm ý của nó đối với Đông Nam Á: Một viễn cảnh của Nhật Bản, Các vấn đề Đông Nam Á, 1978)
  5. William W. Haddad, Japan, the Fukuda Doctrine, and ASEAN, Contemporary Southeast Asia, Vol. 2, No. 1, pp. 10-29, 1980. (William W. Haddad, Nhật Bản, Học thuyết Fukuda, và ASEAN, Tạp chí Đông Nam Á đương đại, Tập 2, số 1, tr.10-29).
  6. Sueo Sudo, The Fukuda Doctrine and ASEAN: New Dimensions in Japanese Foreign Policy, Institute of Southeast Asian Studies, 1992. (Sueo Sudo, Học thuyết Fukuda và ASEAN: những kích thước mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, 1992).
  7. Peng Er Lam (Edited), Japan’s Relations with Southeast Asia: The Fukuda Doctrine and Beyond, Routledge, 2015. (Peng Er Lam (Chủ biên), Quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với Đông Nam Á: Học thuyết Fukuda và triển vọng, Routledge, 2015)
  8. Kei Koga, Transcending the Fukuda Doctrine: Japan, ASEAN, and the Future of the Regional Order, Center for Strategic and International Studies, 2017. (Kei Koga, Vượt qua Học thuyết Fukuda: Nhật Bản, ASEAN và tương lai của trật tự khu vực, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, 2017)