Hệ thống thư viện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (gọi tắt là Học viện); là hệ thống thư viện chuyên ngành lý luận chính trị; hình thành và phát triển gắn với sự phát triển của Học viện; là một trong những thư viện lưu trữ nguồn tư liệu lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất Việt Nam; phục vụ các đối tượng dùng tin là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, học viên các hệ lớp trong hệ thống Học viện và cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên, học viên ở các đơn vị ngoài Học viện có nhu cầu.
Hệ thống thư viện HV gồm: Thư viện Học viện trung tâm và năm thư viện thành viên: Thư viện Học viện Khu vực I, II, III, IV, Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thư viện Học viện trung tâm là cơ quan đứng đầu Hệ thống.
Về chức năng, các thư viện thành viên trong hệ thống trực thuộc Học viện chủ quản, có chức năng xây dựng và phát triển hệ thống thông tin khoa học, tư liệu, thư viện phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học mà Học viện mình trực thuộc đảm nhiệm. Thư viện Học viện trung tâm là cơ quan đứng đầu, có thêm chức năng làm đầu mối nghiệp vụ thông tin khoa học, tư liệu, thư viện của toàn hệ thống Học viện.Mỗi thư viện thuộc hệ thống hoạt động theo quy định của Học viện chủ quản, đồng thời, về chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ theo Quy chế Hoạt động thư viện Học viện.
Thư viện Học viện trung tâm trực thuộc Viện Thông tin khoa học, Học viện; trụ sở tại 135 Nguyễn Phong Sắc, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giai đoạn 1949-1954, ngay từ ngày đầu thành lập Trường Nguyễn Ái Quốc, công tác tư liệu học tập đã được triển khai. Giai đoạn 1954-1975,Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu I tại Hà Nội được thành lập, bộ phận Tài liệu-Thư viện thuộc Ban Giáo vụ Nhà trường được hình thành và cuối năm 1961, được tách ra thành Phòng Tư liệu trực thuộc Ban Hiệu ủy Nhà trường. Giai đoạn 1975-1988,Thư viện vừa phục vụ tài liệu cho nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo tại Nhà trường ở Hà Nội vừa phục vụ đào tạo và trực tiếp chỉ đạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho bộ phận tư liệu-thư viện cơ sở miền Nam.
Tòa nhà Thư viện Học viện trung tâm (Ảnh NTPT)
Ngày 15 tháng 4 năm 1978, Vụ Tư liệu thuộc Học viện được thành lập, Thư viện là đơn vị trực thuộc Vụ. Tháng 6.1984, các Phòng Tư liệu - Phương pháp của các khoađược hình thành, mở rộng thêm thành viên Hệ thống thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thư viện thuộc Vụ Tư liệu là đầu mối hướng dẫn nghiệp vụ. Giai đoạn 1988-1997, Phòng Thư viện thuộc Trung tâm Thông tin-Tư liệu (ngày 05.7.1988 Vụ Tư liệu được chuyển thành Trung tâm Thông tin-Tư liệu theo Quyết định của Giám đốc Học viện)được bổ sung thêm nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ cho Phòng Tư liệu-Phương pháp của các khoa, và thư viện các Trường Đảng khu vực (từ năm 1993 là các Phân viện I, II, III và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền) trực thuộc Học viện. Giai đoạn 1997 đến nay, Phòng Thư viện (từ 2018 là Phòng Thông tin, Tư liệu, Thư viện theo Quyết định số 6584-QĐ/HVCTQG ngày 01.11.2018) trực thuộc Viện Thông tin khoa học, Học viện.
Thư viện Học viện Chính trị khu vực I thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Chính trị khu vực I, trụ sở tại 15 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có chức năng thu thập, tổ chức, xử lý.
Năm 1983, khi các Trường Nguyễn Ái Quốc Phân hiệu I, II, III, IV được sáp nhập thành Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I, Phòng Thư viện thuộc Nhà trường được hình thành. Năm 1993, khi Trường Nguyễn Ái Quốc Khu vực I được chuyển thành Phân viện Hà Nội thuộc Học viện, Phòng Thư viện được đổi tên thành Phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện, ngoài hoạt động thư viện, Phòng được bổ sung thêm các chức năng và nhiệm vụ thông tin khoa học. Từ năm 2014, Phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện được đổi tên thành Trung tâm Thông tin khoa học trực thuộc Học viện Chính trị Khu vực I, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của thư viện và chức năng thông tin khoa học.
Thư viện Học viện Chính trị khu vực II thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Chính trị khu vực II, trụ sở tại 99 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt chặng đường lịch sử của Học viện Chính trị Khu vực II từ Trường Trường Chinh, được thành lập năm 1949; Trường Nguyễn Ái Quốc miền Nam giai đoạn 1961-1975; các Trường Đảng miền Nam (Trường Nguyễn Ái Quốc VII, Trường Chính trị K, Trường Nguyễn Ái Quốc VIII, Trường Nguyễn Ái Quốc IX, Trường Tuyên huấn Trung ương III, Trường Tuyên huấn Trung ương II, Trường Tổ chức-Kiểm tra Trung ương II); Trường Nguyễn Ái Quốc Khu vực II; Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1993-2005, Học viện Chính trị Khu vực II giai đoạn 2005-2007, Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực II giai đoạn 2008-2013 đến Học viện Chính trị Khu vực II (từ 2014 đến nay), Thư viện đảm trách nhiệm vụ phục vụ thông tin, tư liệu cho công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, học tập,… của Nhà trường. Qua từng chặng đường cách mạng, Thư viện có những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tên gọi cho phù hợp: Phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện (1990-2006) (ngoài hoạt động thư viện, phòng còn đảm nhận chức năng thông tin khoa học); từ 2006, Phòng Thông tin-Tư liệu-Thư viện đổi tên thành Trung tâm thông tin-Tư liệu-Thư viện (2006-2014), Thư viện thuộc Trung tâm; từ năm 2014 đến nay Thư viện thuộc Trung tâm Thông tin khoa học trực thuộc Học viện khu vực II.
Thư viện Học viện Chính trị khu vực III thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Chính trị khu vực III, trụ sở tại 232 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Thư viện đảm nhiệm vai trò cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và học tập,… của nhà trường trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của Học viện Chính trị Khu vực III kể từ khi thành lập Trường Đảng Liên khu V (năm 1949), Trường Nguyễn Ái Quốc IV (1976-1982), Trường Tuyên huấn Trung ương II (1976-1982), Trường Nguyễn Ái Quốc XI (1978-1982), Trường Nguyễn Ái Quốc III năm 1983-1990, Trường Nguyễn Ái Quốc Khu vực III (1990-1993), Phân viện Đà Nẵng (1993), Học viện Chính trị khu vực III (2005), Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III (2007), Học viện Chính trị khu vực III (2014 đến nay).
Thư viện Học viện Chính trị khu vực IV thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Chính trị Khu vực IV, trụ sở tại số 6 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Lịch sử thư viện gắn liền với lịch sử Học viện Chính trị khu vực IV, ra đời năm 2006.
Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trụ sở tại 36 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thư viện được hình thành năm 1962, phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, học tập,… của Nhà trường qua các thời kỳ từ Trường Tuyên giáo Trung ương, Trường Tuyên huấn Trung ương, Trường Tuyên huấn Trung ương I, Trường Đại học Tuyên giáo, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền đến Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện. Từ tháng 11.1973, Thư viện tách khỏi Phòng Giáo vụ, trở thành Phòng Tư liệu-Thư viện, trực thuộc Ban Giám hiệu Nhà trường. Tháng 6.2006, Phòng Tư liệu-Thư viện được đổi tên thành Trung tâm Thông tin-Tư liệu-Thư viện, Thư viện thuộc Trung tâm và từ tháng 7.2014, thư viện thuộc Trung tâm Thông tin khoa học, trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trong Phòng đọc Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh NTPT)
Về bổ sung nguồn lực thông tin,các thư viện trong hệ thống bổ sung nguồn lực thông tin từ các hình thức: mua tài liệu; trao đổi, biếu tặng; cán bộ, học viên nộp lưu chiểu các luận án, luận văn, sách, tạp chí, đề tài nghiên cứu khoa học, xuất bản phẩm bao gồm cả xuất bản phẩm điện tử về thư viện trung tâm Học viện và thư viện Học viện trực thuộc theo phân cấp quản lý.
Tính đến tháng 10.2020, Thư viện Học viện trung tâm có khoảng 200.000 bản sách, tài liệu tiếng Việt và tiếng nước ngoài, gồm: sách kinh điển; giáo trình lý luận chính trị; từ điển chuyên ngành và sách tra cứu; sách tham khảo; trên 1.600 nhan đề luận án tiến sĩ; trên 8.000 nhan đề luận văn thạc sĩ; trên 12.000 nhan đề luận văn cử nhân; trên 1.500 nhan đề đề tài nghiên cứu; khoảng 130 nhan đề báo, tạp chí tiếng Việt; khoảng 30 nhan đề tạp chí tiếng nước ngoài. Thư viện Học viện Chính trị Khu vực I có trên 150.000bản sách, tài liệu, gồm: khoảng 30.000 bản sách tra cứu; trên 10.000 bản luận văn, đề án, đề tài, tư liệu; trên 10.000 bản giáo trình, tập bài giảng, văn kiện; trên 20.000 bản sách tham khảo, sách chuyên khảo; trên 10.000 bản sách kinh điển; 77 nhan đề báo, 95 nhan đề tạp chí, v.v.. Thư viện Học viện Chính trị Khu vực II có 1.209 bản giáo trình, đề cương bài giảng; 54.021 bản tài liệu tham khảo; 26 nhan đề báo; 83 nhan đề tạp chí; 53 nhan đề luận văn, 13 nhan đề luận án; 42 nhan đề tài liệu hội thảo; 182 nhan đề đề tài khoa học các cấp,… Thư viện Học viện Chính trị Khu vực III có 35.849 nhan đề sách, tài liệu với tổng số 168.930 bản; hơn 70 nhan đề báo, tạp chí. Thư viện Học viện Khu vực IV có 5.513 nhan đề sách, tài liệu với tổng số 13.699 bản và các báo, tạp chí trong nước và nước ngoài. Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền có 24.368 nhan đề sách, tài liệu về Báo chí, Truyền thông, Lý luận chính trị,… gồm: 641 nhan đề giáo trình; 14.361 nhan đề sách tham khảo; 1.152 nhan đề sách ngoại văn; 86 nhan đề luận án; 3.974 nhan đề luận văn; 2.086 nhan đề khóa luận; 1.506 nhan đề đề tài nghiên cứu khoa học; 234 kỷ yếu hội thảo,…
Về xử lý tài liệu, Thư viện Học viện trung tâm chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với các thư viện Học viện trực thuộc, các viện chuyên ngành thống nhất chuẩn nghiệp vụ xử lý tài liệu, đảm bảo đồng bộ, có thể chia sẻ dữ liệu dùng chung trong hệ thống; đảm bảo tất cả tài liệu được đăng ký cá biệt, phân loại theo khung phân loại DDC, biên mục tài liệu theo chuẩn MARC21, AACR2, sử dụng từ khóa theo Bộ từ khóa quy ước của Thư viện Học viện trung tâm và Bộ từ khóa Khoa học xã hội và nhân văn. Các tài liệu số được biên mục theo chuẩn Dublin Core. Hệ thống Thư viện Học viện đang hướng tới sử dụng phần mềm dùng chung và cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, Thư viện trung tâm Học viện làm đầu mối quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ.
Các loại dịch vụ thư viện của các thư viện thuộc hệ thống gồm: tra cứu tài liệu tại thư viện, tra cứu trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Học viện và các Học viện trực thuộc; đọc tài liệu tại chỗ; mượn tài liệu về nhà; giải đáp thông tin; cung cấp thẻ bạn đọc và tài khoản khai thác nguồn CSDL toàn văn dạng số; cung cấp thông tin theo yêu cầu; dịch thuật tài liệu; tổng quan, tổng thuật; dịch vụ phổ biến thông tin có chọn lọc (SDI); tư vấn, đào tạo thông tin thư viện; v.v..
Việc lưu trữ, bảo quản tài liệu được thực hiện theo quy định chung của ngành về giao nhận bảo quản tài liệu.
Về thư viện số,các thư viện xử lý và đăng tải toàn văn tài liệu nội sinh gồm: sách giáo trình do Học viện xuất bản, các bài trích báo, tạp chí của các đơn vị thuộc hệ thống Học viện không thuộc tài liệu mật của Nhà nước và Học viện; sách tham khảo, sách chuyên khảo, bài trích báo, tạp chí do các cơ quan không thuộc Học viện xuất bản, được bổ sung về Thư viện nếu được sự đồng ý của tác giả và đơn vị xuất bản; các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, đề án tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện không thuộc tài liệu mật của Nhà nước và Học viện; sách tham khảo, sách chuyên khảo, bài trích báo, tạp chí được bổ sung về thư viện.
Năm 2003, Thư viện Học viện trung tâm triển khai ứng dụng công nghệ mã vạch trong xử lý tài liệu. Từ năm 2004, Thư viện Học viện trung tâm triển khai thư viện điện tử với sự hỗ trợ của tổ chức KOICA Hàn Quốc và đầu tư của Nhà nước Việt Nam. Từ năm 2008 đến năm 2012, tòa nhà Thư viện điện tử tại Học viện trung tâm được xây dựng. Năm 2014, toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại cho một thư viện điện tử, thư viện số tích hợp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu tra cứu, khai thác thông tin trực tuyến nhanh chóng, chính xác, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, đáp ứng yêu cầu liên kết thư viện trong toàn hệ thống, trong đó Thư viện Học viện trung tâm là đơn vị quản trị. Đến tháng 10.2020, CSDL dùng chung do Thư viện Học viện trung tâm quản trị gồm: 1) Mục lục OPAC (mục lục tra cứu trực tuyến) có trên 100.000 biểu ghi sách, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, luận văn cử nhân, đề tài nghiên cứu khoa học, bài trích báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài (đối với các tài liệu hiện có ở Thư viện Học viện trung tâm, một số sách tại Thư viện Học viện Khu vực III và báo, tạp chí ở các thư viện trong hệ thống Học viện). 2) Thư viện số có 11.182 nhan đề tài liệu số được tích hợp trong cổng thông tin của Học viện phục vụ chung cho toàn hệ thống Học viện và người dùng tin quan tâm.
Ngoài ra, các thư viện trong HTTVHVCTQGHCM xây dựng CSDL điện tử và thư viện số, tích hợp trong Cổng thông tin điện tử của Học viện để có thể dùng chung. Tính đến tháng 10 năm 2020, Thư viện Học viện Chính trị Khu vực I tích hợp CSDL toàn văn hàng trăm nghìn trang tài liệu số hóa với các bộ sưu tập phong phú, truy cập mở cho tất cả mọi người dùng tin có nhu cầu. Tính đến tháng 10 năm 2020, có mười bộ sưu tập tài liệu số là: Thông tin chuyên đề (12 nhan đề); Sách bộ kinh điển (114 nhan đề); Sách giáo trình, tập bài giảng (46 nhan đề); Tư liệu-Văn kiện (72 nhan đề); Sách tham khảo (177 nhan đề); Luận văn, luận án (489 nhan đề); Đề tài nghiên cứu khoa học (15 nhan đề); Khóa luận cử nhân Lào (163 nhan đề); Đề án cao cấp lý luận chính trị (6 nhan đề); Tổng mục lục thư mục tạp chí chuyên đề (5 nhan đề). Bên cạnh đó, người dùng tin có thể truy cập các CSDL từ iG Library; Sage Journals; Proquest mà Thư viện đã có liên kết. Ngoài ra, Thư viện còn có nguồn tài liệu thông tin điện tử trên CD-ROM phong phú, được lưu trữ và phục vụ theo đối tượng nhất định tại Thư viện, gồm: CSDL thư mục và CSDL toàn văn trên đĩa CD-ROM với trên 2.000 nhan đề sách, 49 đồ án tốt nghiệp cử nhân chính trị Lào, 628 nhan đề luận văn cử nhân lý luận chính trị, 392 nhan đề luận văn thạc sĩ, hơn 1.000 nhan đề đề án cao cấp lý luận chính trị; CSDL thư mục tư liệu gồm: 58 nhan đề đề tài nghiên cứu, 116 nhan đề tư liệu; CSDL toàn văn trên đĩa CD-ROM do Thư viện mua gồm Hồ Chí Minh toàn tập, Văn bản pháp luật Việt Nam, Chương trình dịch vụ cung cấp thông tin kinh tế. Thư viện Học viện Chính trị Khu vực IV đã xây dựng mục lục tra cứu trực tuyến gồm 5.513 nhan đề sách. Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền xây dựng mục lục OPAC phục vụ tra cứu trực tuyến gồm 24.368 nhan đề sách, tài liệu của thư viện, gồm: 641 nhan đề giáo trình; 14.361 nhan đề sách tham khảo; 1.165 nhan đề sách ngoại văn; 86 nhan đề luận án tiến sĩ; 3974 nhan đề luận văn; 2086 nhan đề khóa luận; 150 nhan đề đề tài nghiên cứu khoa học; 234 kỷ yếu; 328 ấn phẩm định kỳ. Đặc biệt, Thư viện này đã xây dựng được thư viện số khá phong phú với 6.477 nhan đề tài liệu toàn văn, chia thành các bộ sưu tập số: Đề tài khoa học (1.193 nhan đề); Giáo trình (343 nhan đề); Giới thiệu sách theo chủ đề (158 nhan đề); Khóa luận tốt nghiệp (31 nhan đề); Luận án tiến sĩ (63 nhan đề); Luận văn thạc sĩ (3168 nhan đề); Sách ngoại văn (11 nhan đề); Sách tham khảo (1.426 nhan đề); Tạp chí (38 nhan đề); Thông tin chuyên đề (46 nhan đề).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Quyết định số 48/QĐ-TĐ ngày 15.4.1978 của Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc về thành lập Vụ Tư liệu.
- Học viện Nguyễn Ái Quốc, Quyết định số 06/QĐ ngày 05.7.1988 của Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc về việc chuyển Vụ Tư liệu thành Trung tâm Thông tin - Tư liệu trực thuộc Ban Giám đốc Học viện.
- Hà Văn Tác, 65 năm Học viện Chính trị khu vực II - Lịch sử hình thành và phát triển, tạp chí Lịch sử Đảng, 2014, số 9, tr.68-73.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học, Viện Thông tin khoa học: 55 năm xây dựng, phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.
- Trương Ngọc Nam, Lưu Văn An, Lương Khắc Hiếu,…, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 55 năm xây dựng và phát triển (1962-2017), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017.
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định số 145-QĐ/TW ngày 08.8.2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quyết định số 6584-QĐ/HVCTQG ngày 01.11.2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Thông tin khoa học.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: 70 năm xây dựng và phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực III, 70 năm xây dựng và phát triển (1949-2019), Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2019.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Quy chế Hoạt động thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 2327-QĐ/HVCTQG ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).