Mục từ này cần được bình duyệt
Hệ thống thư viện Đại học Huế

Hệ thống thư viện Đại học Huế trực thuộc Đại học Huế (ĐHH); là hệ thống thư viện đại học, hình thành và phát triển gắn với sự phát triển của ĐHH; lưu trữ nguồn học liệu khoa học tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; có chức năng thu thập, lưu giữ, bảo quản, tổ chức, xử lý, cung cấp, phổ biến thông tin khoa học, hỗ trợ cán bộ, sinh viên, người dùng tin trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn thông tin phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ của ĐHH và cả nước.

Hệ thống thư viện Đại học Huế (HTTVĐHH) gồm chín đơn vị trực thuộc ĐHH hoặc các đại học thành viên: Trung tâm Học liệu ĐHH, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Khoa học, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Sư phạm Huế, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Y Dược Huế, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Nông Lâm, Thư viện Đại học Nghệ thuật, Thư viện Đại học Kinh tế, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Ngoại ngữ, Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại học Luật.

Trung tâm Học liệu ĐHH trực thuộc ĐHH (từ 2002 đến tháng 2.2020), trực thuộc Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin ĐHH (từ tháng 2.2020), trụ sở tại 20 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành lập năm 2002, do tổ chức Atlantic Philanthropies tài trợ, là một trong những mô hình thư viện đại học hiện đại trong cả nước, cung cấp tài liệu dạy và học hiện đại, các chương trình đào tạo trực tuyến cho giảng viên và sinh viên ĐHH, trao đổi các chương trình giáo dục, thông tin với các đại học khác trong và ngoài nước. Tính đến tháng 11.2020, Trung tâm có 25.394 nhan đề tài liệu với tổng số 91.239 bản thuộc tất cả các lĩnh vực (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Y Dược, Nông Lâm nghiệp, Kinh tế, Du lịch,…) gắn với mục tiêu đào tạo và nghiên cứu ứng dụng của ĐHH, gồm: 23.974 nhan đề sách với 68.298 bản; 595 nhan đề báo và tạp chí; 3.754 nhan đề luận văn, 1.034 nhan đề tài liệu nghe nhìn với 2.576 bản, 48 nhan đề bản đồ với 66 bản, 45 cơ sở dữ liệu (CSDL) tài liệu điện tử, 87 nhan đề tạp chí điện tử, 23 nhan đề sách điện tử, mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC) gồm 25.599 biểu ghi. Trung tâm hợp tác với nhiều đối tác quốc tế như: Học viện Mạng CISCO, Tổ chức Khảo thí PearsonVue, Tổ chức Pathfinder, Đại học RMIT-Úc, Đại học Simmos-Hoa Kỳ, Đại học Victoria of Wellington-Newland, Tổ chức Leaf-VN, Trung tâm Hoa Kỳ-Lãnh sứ quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại học California-Riverside, Hội đồng Anh Việt Nam,… Trung tâm Thông tin - Thư viện trực thuộc Đại học Khoa học, ĐHH, trụ sở tại 77 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Khoa học, ĐHH. Lịch sử phát triển của Trung tâm luôn gắn với các chặng đường phát triển của ĐHH từ Viện Đại học Huế (1957), Trường Đại học Tổng hợp Huế (1975), đến Trường Đại học Khoa học trực thuộc ĐHH (1994 đến nay).

Trung tâm Học liệu, Đại học Huế (Ảnh tư liệu ĐH Huế))

Trung tâm có các tài liệu phong phú về các lĩnh vực: Toán học, Vật lý, Địa lý, Địa chất, Điện tử viễn thông, Hóa học, Sinh học, Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Môi trường, Báo chí-truyền thông, Lịch sử, Lý luận chính trị, Ngữ văn, Công tác xã hội, Xã hội học, Ngoại ngữ, và các tài liệu tham khảo khác. Tính đến tháng 11.2020, Thư viện số của Trung tâm có: 374 nhan đề về Toán học, 307 nhan đề về Vật lý, 473 nhan đề về Hóa học, 414 nhan đề về Sinh học, 151 nhan đề về Kiến trúc, 428 nhan đề về Công nghệ thông tin, 350 nhan đề về Điện tử Viễn thông, 577 nhan đề về Địa lý-Địa chất, 578 nhan đề về Môi trường, 214 nhan đề về Báo chí-Truyền thông, 548 nhan đề về Lịch sử, 501 nhan đề về Ngữ văn, 545 nhan đề về Công tác xã hội-Xã hội học, 242 nhan đề về Lý luận chính trị, 739 nhan đề về nghiên cứu khoa học, 3.075 nhan đề luận văn thạc sĩ, 342 nhan đề tài liệu tham khảo khác; tài liệu đa phương tiện gồm: 81 nhan đề về kỹ năng mềm, 118 nhan đề về Công nghệ thông tin, 111 nhan đề về tiếng Anh và ngoại ngữ khác, 415 nhan đề về hướng dẫn thực hành; bộ sưu tập số gồm: bộ sưu tập tài liệu Toán học hay, bộ sưu tập tài liệu hay về Công nghệ kiến trúc, bộ sưu tập tài liệu lập trình, tuyển chọn tài liệu môi trường, tuyển chọn Ebook Huyền thoại Việt Nam, tuyển tập tác phẩm văn học hay, tuyển tập Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh,… Thư viện số kết nối với trên 19 thư viện số của các thư viện trong hệ thống ĐHH và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề,… trong cả nước. Trung tâm Thông tin - Thư viện trực thuộc Đại học Sư phạm Huế, ĐHH, trụ sở tại 34 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Sư phạm Huế, ĐHH. Thư viện Đại học Sư phạm Huế ra đời năm 1976, ngay sau khi Đại học Sư phạm Huế được thành lập (ngày 27.10.1976) trực thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1994, Đại học Sư phạm Huế trở thành trường thành viên của ĐHH. Ngày 4.01.2010, Thư viện được mang tên Trung tâm Thông tin-Thư viện thuộc Đại học Sư phạm Huế. Tính đến tháng 10.2020, Trung tâm có hơn 33.000 nhan đề sách với hơn 211.000 bản, gồm: 3.433 nhan đề sách ngoại văn với 13.491 bản, 29.596 nhan đề sách tiếng Việt với 198.141 bản, 609 nhan đề từ điển với 3.180 bản, 4.929 nhan đề luận văn với 5.677 bản, 126 nhan đề luận án tiến sĩ, 1.277 nhan đề đề tài các cấp và bài giảng với 1.303 bản, 372 nhan đề tạp chí nước ngoài, 125 nhan đề tạp chí tiếng Việt với 46.520 bản. Thư viện số của Trung tâm có trên 2.243 nhan đề tài liệu nội sinh gồm sách, giáo trình, bài giảng, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học,… Trung tâm cung cấp quyền truy cập CSDL ProQuest, và nhiều CSDL số khác, kết nối với thư viện nhiều trường đại học trong cả nước.

           Trung tâm Thông tin-Thư viện, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế (Ảnh tư liệu ĐH Huế)

Trung tâm Thông tin - Thư viện trực thuộc Đại học Y Dược Huế, ĐHH, trụ sở tại số 6, Ngô Quyền, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, do tổ chức Alantic Philanthropies tài trợ; cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Y Dược, ĐHH.

Hoạt động của Trung tâm luôn gắn với hoạt động của Nhà trường qua các chặng đường phát triển: từ tiền thân là trường Cán sự Y tế và Nữ hộ sinh quốc gia (tháng 3.1957), đến Đại học Y khoa Huế (chính thức được thành lập tháng 8.1959) thuộc Viện Đại học Huế, Đại học Y khoa Huế (1975) trực thuộc Bộ Y tế, Học viện Y Huế (1979), Đại học Y khoa (1994) thuộc ĐHH, Đại học Y Dược Huế (26 tháng 3 năm 2007) thuộc ĐHH. Ngày 28 tháng 10 năm 2010, Thư viện nhà trường được đổi tên thành Trung tâm Thông tin-Thư viện trực thuộc Đại học Y Dược Huế, ĐHH. Tính đến cuối năm 2018, Trung tâm có: 2.001 nhan đề sách tiếng Việt với 14.288 bản, 5.581 nhan đề sách ngoại văn với 7.296; 141 nhan đề tạp chí tiếng Việt với 8.267 bản, 118 nhan đề tạp chí ngoại văn với 8.188 bản, 8.653 nhan đề luận văn, luận án. Trung tâm đã xây dựng mục lục tra cứu trực tuyến (OPAC), ngân hàng sách điện tử với tổng số hơn 1.723 nhan đề Ebooks chuyên ngành Y Dược. Thư viện số của Trung tâm gồm: CSDL sách điện tử ngoại văn chuyên ngành Y Dược: Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Dược học,… Trung tâm cung cấp kết nối, khai thác miễn phí với nhiều CSDL chuyên ngành như: Proquest, PubMed, World Health Organization, Centers for Disease Control and Prevention,… và kết nối với một số nguồn học liệu truy cập mở: CSDL Khoa học công nghệ ĐHH, Luận văn truy cập mở OATD (Open access Thesis and Dissertation), Bài báo học thuật truy cập mở (Elsevier Open Access), Các tạp chí hàng đầu về y sinh và các khoa học liên quan (HINARI), tạp chí Khoa học Đại học Huế, tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, tạp chí Y Dược Huế, tạp chí Y học Việt Nam,…

Trung tâm Thông tin - Thư viện trực thuộc Đại học Nông Lâm, ĐHH, trụ sở tại 102 Phùng Hưng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Nông Lâm, ĐHH Từ khi thành lập Đại học Nông nghiệp 2 (14.8.1967, tại Hà Bắc) - tiền thân của Đại học Nông lâm, ĐHH - Thư viện là một tổ trực thuộc phòng Giáo vụ. Ngày 05.8.1983, Chính phủ đã chuyển và sáp nhập Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế thành Trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế, Thư viện trực thuộc Phòng Quản lý khoa học. Từ năm 1994, Đại học Nông Lâm trở thành trường thành viên ĐHH, Thư viện được tách ra thành Tổ Thư viện trực thuộc Nhà trường; Tháng 1.2010, trên cơ sở Tổ Thư viện này, Trung tâm Thông tin-Thư viện được thành lập, trực thuộc Đại học Nông Lâm, ĐHH. Thư viện cập nhật mục lục OPAC các tài liệu tại thư viện thường xuyên, định kỳ. Tài liệu số trong thư viện được chia thành các bộ sưu tập về: Chăn nuôi, Thú y; Cơ khí, Công nghệ; Khoa học cơ bản; Khuyến nông, Phát triển nông thôn; Lâm nghiệp; Nông học; Thủy sản; Tài nguyên đất, môi trường; Lĩnh vực khác. Trong mỗi đơn vị, nội dung tài liệu được sắp xếp theo loại hình tài liệu: giáo trình, luận án, luận văn,… Thư viện Đại học Nghệ thuật trựcthuộc Phòng Khoa học - Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Đại học Nghệ thuật, ĐHH trụ sở tại số 10 Tô Ngọc Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Nghệ thuật, ĐHH. Tiền thân của Thư viện Đại học Nghệ thuật là Thư viện trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (thành lập năm 1957), trải qua nhiều lần tách, nhập cùng với sự phát triển của Nhà trường. Từ năm 2007, ngành Âm nhạc tách ra để thành lập Học viện Âm nhạc Huế, Thư viện còn lại chủ yếu tài liệu về chuyên ngành Mỹ thuật. Đây là cơ sở học liệu quan trọng, với những tài liệu lĩnh vực Mỹ thuật gồm các loại sách, báo, tạp chí tiếng Việt, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp,…

Thư viện Đại học Kinh tế trực thuộc Phòng Công tác sinh viên-Thư viện, Đại học Kinh tế, ĐHH, trụ sở tại số 99 Hồ Đắc Di, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Kinh tế, ĐHH. Từ khi thành lập, Thư viện là một tổ của Phòng Tổ chức - Hành chính trực thuộc Đại học Kinh tế (thành lập ngày 27.9.2002). Ngày 04.01.2010, trên cơ sở Tổ Thư viện, Trung tâm Thông tin - Thư viện trực thuộc Đại học Kinh tế, ĐHH được thành lập. Ngày 14.1.2020, Trung tâm sáp nhập với Phòng Công tác sinh viên thành Phòng Công tác sinh viên-Thư viện.

Từ tháng 6.2016, Thư viện đã tổ chức Website với khoảng 7.000 nhan đề tài liệu điện tử nội sinh và khoảng 42.000 nhan đề tài liệu tham khảo các chuyên ngành. Từ ngày 15.10.2015, Thư viện tổ chức Thư viện số với khoảng 2 triệu nhan đề tài liệu gồm giáo trình, bài giảng, luận án, luận văn tốt nghiệp, bài báo khoa học,… các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh; Kế toán tài chính; Kinh tế và Phát triển; Kinh tế chính trị; Thông tin kinh tế; Môn học đại cương; Ngoại ngữ, Tin học;… cung cấp miễn phí cho các cán bộ, sinh viên Nhà trường. Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Ngoại ngữ, ĐHH, trụ sở tại 57 Nguyễn Khoa Chiêm, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cung cấp tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, ĐHH. Lịch sử hình thành Thư viện gắn với sự ra đời của Đại học Ngoại ngữ (ngày 13.7.2004) thuộc ĐHH. Tính đến tháng 10.2020, Thư viện có hơn 16.000 nhan đề sách. Mục lục OPAC phục vụ tra cứu online có: 15.203 nhan đề sách tham khảo, 9 nhan đề luận án, 694 nhan đề sách giáo trình, 986 nhan đề khóa luận, 703 nhan đề luận văn, 164 nhan đề báo cáo nghiên cứu khoa học, 23 nhan đề kỷ yếu hội thảo, hội nghị, 58 ấn phẩm định kỳ; 1.126 tài liệu đa phương tiện. Thư viện liên kết Website với Trung tâm Học liệu ĐHH và nhiều thư viện thuộc các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Thư viện tổ chức các nguồn học liệu mở online về tiếng Trung và tiếng Anh và tổ chức nhiều hoạt động và dịch vụ như: tập huấn hướng dẫn sử dụng và khai thác thông tin, thi tìm kiếm đại sứ văn hóa đọc, chương trình cuốn sách tôi yêu, giới thiệu sách,…


Trong Phòng đọc Thư viện, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế (Ảnh tư liệu ĐH Huế)

Trung tâm Thông tin Thư viện trực thuộc trường Đại học Luật, ĐHH, trụ sở tại Đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, có chức năng quản trị và phát triển hệ thống thông tin, thư viện phục vụ công tác giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên Nhà trường. Ngày 19.8.2009, Khoa Luật trực thuộc ĐHH được thành lập trên cơ sở tách Khoa Luật từ trường Đại học Khoa học, ĐHH, cùng với đó, Tổ Thư viện trực thuộc Phòng Tổ chức Hành chính, Khoa Luật, ĐHH đã ra đời. Ngày 03.3.2015, trường Đại học Luật trực thuộc ĐHH chính thức được thành lập. Ngày 03.4.2015, trên cơ sở Tổ Thư viện này, Trung tâm Thông tin-Thư viện trực thuộc Đại học Luật, ĐHH đã được thành lập.

Thư viện số của Trung tâm gồm các tài liệu nội sinh của Nhà trường, được chia theo các bộ sưu tập: Bài báo khoa học, các tạp chí pháp lý khác; Bài báo thuộc tạp chí Pháp luật và thực tiễn của Trường Đại học Luật; Đề tài khoa học các cấp; Giáo trình-tài liệu học tập; Khóa luận tốt nghiệp; Luận văn tốt nghiệp,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. . Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 426/TTg ngày 27.10.1976 về việc thành lập Đại học Sư phạm Huế.
  2. Chính phủ, Nghị định số 30/CP ngày 04.4.1994 về việc thành lập ĐHH.
  3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 27.9.2002 về thành lập Đại học Kinh tế thuộc ĐHH.
  4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 126/2004/QĐ-TTg ngày 13.7.2004 về thành lập trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc ĐHH.
  5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 26.3.2007 về việc đổi tên Trường Đại học Y khoa trực thuộc ĐHH thành Trường Đại học Y Dược trực thuộc ĐHH.
  6. Đại học Huế, Quyết định số 18/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 05.01.2010 của Giám đốc ĐHH về việc thành lập Trung tâm Thông tin - Thư viện thuộc Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
  7. Đại học Y Dược, ĐHH, Quyết định số 203/QĐ-ĐHYD-TCNS ngày 28.10.2010 về đổi tên Thư viện trường Đại học Y Dược Huế, ĐHH thành Trung tâm Thông tin-Thư viện trường Đại học Y Dược Huế, ĐHH.
  8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 03.3.2015 về việc thành lập Trường Đại học Luật trực thuộc ĐHH.
  9. Đại học Nông Lâm, ĐHH, Báo cáo thường niên 2018, Huế, 2019.
  10. . Đại học Kinh tế, ĐHH, Quyết định số 38/QĐ-ĐHKT ngày 14.1.2020 của Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, ĐHH về việc sáp nhập Trung tâm Thông tin - Thư viện với Phòng Công tác sinh viên thành Phòng Công tác sinh viên - Thư viện thuộc Đại học Kinh tế, ĐHH.