(A. TIS - Traffic Information System)
hệ thống thu thập, lưu trữ, cung cấp các thông tin để phục vụ hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông, các tổ chức điều hành, quản lý giao thông. Hệ thống thông tin giao thông là một phần của hệ thống giao thông thông minh, nó nhằm hỗ trợ hoạt động của các đối tượng tham gia cũng như bị ảnh hưởng bởi giao thông. Các đối tượng này sẽ có được những thông tin kịp thời, chính xác, có được các dự báo, dự đoán để đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực vận tải v.v. Tùy theo loại hình giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy, đường biển mà sẽ có hệ thống thông tin giao thông chuyên dụng khác nhau.
Thông tin trong giao thông là yêu cầu tất yếu từ khi xuất hiện nhu cầu di chuyển của con người. Theo sự phát triển của khoa học công nghệ, sự đòi hỏi của con người trong việc di chuyển: an toàn, nhanh, tiện lợi thì việc ra đời hệ thống thông tin giao thông là tất yếu.
Mỹ, các quốc gia châu Âu, Nhật bản là những nước đi đầu trong việc phát triển các hệ thống thông tin giao thông, từ đơn giản như các biển báo, đèn hiệu đến phức tạp như các hệ thống định vị, điều khiển đối tượng chuyển động v.v. Giá trị phát triển của hệ thống thông tin giao thông luôn được gắn với đảm bảo an toàn, thuận tiện, thoải mái cho các đối tượng tham gia và quản lý, vận hành giao thông.
Với sự phát triển của kỹ thuật thông tin truyền thông, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật, tự động hóa điều khiển, các nhu cầu có được thông tin chính xác, thời gian thực, ở mọi lúc mọi nơi sẽ được hệ thống thông tin giao thông đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Để cung cấp được thông tin cho đối tượng tham gia giao thông cũng như quản lý, điều hành, hệ thống thông tin giao thông cần có:
Các thành phần hợp thành
Với đối tượng chuyển động, hệ thống cần có các hệ thống thiết bị để truy cập được thông tin từ xa: internet, dịch vụ tin nhắn ngắn SMS, truyền thông không dây, hệ thống phát thanh, truyền hình CCTV v.v.
Hệ thống trung tâm có: Hệ thống thu thập dữ liệu, Giao diện người-máy, máy tính, hệ thống cung cấp thông tin giao thông, đường dây liên lạc.
Các thiết bị trên đường, tuyến giao thông như: bảng biểu thị thông báo và bảng thông tin v.v
Nội dung và phương thức cung cấp thông tin
Sự kiện cần cung cấp: thời gian, địa điểm, nguyên nhân và tình trạng tắc nghẽn, tai nạn thảm họa, hỏa hoạn, hỏng hóc phương tiện, thiết bị, thời tiết, trạng thái tuyến đường, môi trường.
Địa điểm cung cấp thông tin: các thông tin cần cho người điều khiển phương tiện tại địa điểm trước khi khởi hành hoặc khi vào các vị trí tình huống trên hành trình có tính quyết định.
Thời điểm cung cấp thông tin: các thông tin cần được cập nhật kịp thời, được lưu trữ và được tổ chức để có thể cung cấp cho những nhà quản lý, điều hành và những người điều khiển phương tiện ở bất cứ thời điểm nào.
Chu kỳ cung cấp thông tin: tùy thuộc loại hình giao thông và mức độ quy mô vận tải của phương tiện mà hệ thống cần có chu kỳ cập nhật, cung cấp thông tin đảm bảo an toàn và thuận lợi cho các phương tiện.
Công nghệ truyền thông tin
Ngoài các công nghệ truyền thống, đang dần phổ biến các công nghệ truyền dữ liệu, truyền hình ảnh, truyền đa kênh. Trong tương lai gần các hệ thống truyền thông tin sẽ phổ biến truyền thông IP và các công nghệ được phát triển mới.
Tài liệu tham khảo
DeVito, J. A. The communication handbook: A dictionary. New York: Harper & Row.(1986).
G. BARBU, “E-Train - Broadband Communication with moving trains” Technical Report - Technology state of the art, Jun. 2010,
Copenhagen, Denmark “Practical mechanism to improve the compatibility between GSM- R and public mobile networks and guidance on practical coordination,” ECC Report 162, 2011
UIC GSM- R Operators Group, “GSM-R system requirements specification (SRS),” UIC, Paris, France, UIC EIRENE Technology Report