Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hệ thống thông tin

Hệ thống thông tin (còn gọi là hệ thống thông tin máy tính, hệ thống thông tin quản lý; tiếng Anh information systems, computer-based information systems, management information systems) là hệ thống bao gồm con người và các thành phần (các phần tử) liên quan nhau, thực hiện việc thu thập đầu vào (input), thao tác (xử lý), lưu trữ và cung cấp đầu ra (output) dữ liệu và thông tin và có cơ chế điều chỉnh (dựa trên phản hồi) để đáp ứng một mục đích xác định của tổ chức.

Một hệ thống thông tin trong một tổ chức bao gồm các thành phần sau đây:

  • Thành phần đầu vào đảm nhận việc thu thập và nắm bắt dữ liệu cần thiết để cung cấp cho thành phần xử lý.
  • Thành phần xử lý đảm nhận việc biến đổi dữ liệu đầu vào thành kết quả đầu ra hữu ích. Xử lý liên quan bao gồm việc tính toán, tìm kiếm, sắp xếp, so sánh dữ liệu và lưu trữ dữ liệu để sử dụng về sau. Xử lý dữ liệu thành thông tin hữu ích là rất quan trọng trong quá trình tiến hành hoạt động kinh doanh. Xử lý dữ liệu được thực hiện hoặc thủ công hoặc với sự hỗ trợ của máy tính. Sau khi các thao tác xử lý được hoàn thành, kết quả (dữ liệu và thông tin, bao gồm cả đầu ra) thường được lưu lại nhằm đảm bảo tính sẵn có để sử dụng về sau. Hoạt động xử lý trong hệ thống thông tin được tiến hành theo đơn vị xử lý là giao dịch (transaction, còn được gọi là giao tác).
  • Thành phần đầu ra đảm nhận việc cung cấp các thông tin hữu ích hướng mục đích, thường ở dạng tài liệu và báo cáo. Bảng lương nhân viên, các báo cáo cho người quản lý, các thông tin cung cấp cho cổ đông, ngân hàng, cơ quan chính quyền và các tổ chức khác là các ví dụ về đầu ra. Đầu ra của một hệ thống này lại trở thành đầu vào của một hệ thống khác. Ví dụ, đầu ra từ một hệ thống xử lý đơn hàng lại được sử dụng như một đầu vào của một hệ thống thanh toán với khách hàng.
  • Thành phần phản hồi là rất quan trọng, đảm nhận việc tiếp nhận các thông tin “phản hồi” từ môi trường ngoài để hỗ trợ việc thay đổi đầu vào và/hoặc thay đổi thao tác xử lý. Có nhiều giải pháp đa dạng trong thành phần phản hồi. Ví dụ, các hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (QLQHKH) thu nhận được ý kiến phản hồi đa dạng của khách hàng để cải tiến hoạt động của doanh nghiệp và của các hệ thống thông tin liên quan. Phản hồi còn bao gồm dự báo, chẳng hạn ước tính doanh số trong tương lai và đặt thêm hàng lưu kho trước khi xảy ra tình trạng thiếu hụt. Dự báo xuất hiện trong nhiều hệ thống thông tin (quản lý chuỗi sản xuất và cung ứng, QLQHKH, hệ thống hỗ trợ quyết định (còn được gọi là hệ thống trợ giúp quyết định), hệ thống thông tin chuyên dụng, v.v.).

Tồn tại hai khung nhìn về hệ thống thông tin là khung nhìn rộng và khung nhìn hẹp.

Theo khung nhìn rộng, hệ thống thông tin là một hệ thống xã hội - kỹ thuật, gồm bốn thành phần là công nghệ thông tin (công nghệ thông tin), Quy trình, Con người, Cấu trúc tổ chức.

  • Thành phần công nghệ thông tin gồm phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL) và truyền thông. Thành phần công nghệ thông tin là nền tảng của mọi hệ thống thông tin hiện đại, tiến hành các hoạt động cần thiết của một hệ thống thông tin.
  • Thành phần quy trình gồm chiến lược, chính sách, phương pháp, và quy tắc sử dụng hệ thống thông tin.
  • Thành phần con người gồm các cá nhân (người dùng cuối, nhà quản lý, hoặc chuyên viên công nghệ thông tin) hoặc nhóm người tham gia trực tiếp vào hệ thống thông tin. Các cá nhân này có kỹ năng, thái độ, chính kiến, và chương trình làm việc của họ nhằm xác định điều gì họ làm và điều gì mà họ được chọn để làm như một bộ phận của hệ thống thông tin.
  • Thành phần cấu trúc tổ chức đề cập đến việc thiết kế tổ chức (phân cấp - hierarchy, phân quyền - decentralized, gắn kết lỏng - loose coupling), các báo cáo (chức năng, bộ phận, lưới - matrix), và các quan hệ (cơ chế truyền thông và hồi đáp) nội tại hệ thống thông tin. Hiểu biết về thành phần cấu trúc là rất quan trọng bởi vì sự đề kháng của người sử dụng (user resistance), các hệ thống ưu đãi (incentive systems), và các mối quan hệ thường là các kẻ thù thầm lặng đối với sự thành công của hệ thống thông tin; nếu các đề kháng này không được phát hiện để khắc phục sớm và đầy đủ thì hệ thống thông tin sẽ thất bại.

Hai thành phần công nghệ thông tin và quy trình hình thành Hệ thống con kỹ thuật, hai thành phần cấu trúc tổ chức và con người hình thành Hệ thống con xã hội.

Khung nhìn hẹp về hệ thống thông tin tập trung vào hệ thống con kỹ thuật. Định nghĩa hệ thống thông tin máy tính sau đây đề cập tới một khung nhìn hẹp về hệ thống thông tin: hệ thống thông tin dựa trên máy tính (computer-based information systems - CBIS, gọi tắt là hệ thống thông tin máy tính) là một hệ thống bao gồm phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu (CDSL), truyền thông, con người, và quy trình được cấu hình để thu thập, thao tác, lưu trữ và chuyển đổi dữ liệu thành thông tin.

Các thành phần trong định nghĩa hệ thống thông tin máy tính đều tham gia vào các thành phần đầu vào - xử lý - đầu ra - phản hồi trong định nghĩa chung về hệ thống thông tin. Con người là thành phần quan trọng bậc nhất trong hầu hết các hệ thống thông tin vì con người mới chính là thành phần tạo nên sự khác biệt giữa thành công hay thất bại của hệ thống thông tin. Hai lớp người tham gia vào các hệ thống thông tin là nhân viên hệ thống thông tin và người sử dụng hệ thống thông tin.

  • Nhân viên hệ thống thông tin gồm toàn bộ người chuyên nghiệp hệ thống thông tin tham gia vào việc quản lý, điều hành, lập trình, và duy trì hệ thống thông tin. Đối với một số công việc hệ thống thông tin đặc thù, chẳng hạn như phát triển một hệ thống thông tin mới, chính sách thuê ngoài nhân viên hệ thống thông tin để hoàn thành công việc đặc thù đó được áp dụng.
  • Người sử dụng hệ thống thông tin là những người làm việc với hệ thống thông tin để nhận kết quả mong muốn, gồm giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, đại diện tiếp thị, người sản xuất, và nhưng người khác. Người sử dụng hệ thống thông tin là thành phần chủ chốt làm cho dữ liệu trở thành hữu dụng kinh doanh, bởi vì họ là những người hiểu rõ nhất bối cảnh cụ thể của dữ liệu, là những người cần ra quyết định từ dữ liệu đó dựa trên nền tảng thấu hiểu sâu sắc các vấn đề kinh doanh được sáng tỏ từ dữ liệu.

Quy trình (còn được gọi là thủ tục) là một tài nguyên quý giá (được coi là bí quyết), là một cột trụ tăng cường lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Thủ tục tốt cho phép các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế từ các cơ hội mới và tránh được thảm họa. Ngược lại, thủ tục được phát triển kém (trong giai đoạn xây dựng thủ tục) hoặc thủ tục được thực hiện không đầy đủ (trong giai đoạn thực thi thủ tục) sẽ gây lãng phí thời gian của con người do các quy tắc vô ích hoặc dẫn đến những phản ứng không đầy đủ đối với thiên tai (bão, lốc xoáy, v.v.).

Một lớp thủ tục đặc biệt quan trọng đối với các hệ thống thông tin là mô hình quy trình nghiệp vụ (business process models), chúng mô tả quy trình nghiệp vụ mà hệ thống thông tin cần phải đảm bảo thực hiện. Mô hình quy trình nghiệp vụ là bản quy định hoạt động đối với một hệ thống thông tin, đồng thời, nó còn cung cấp một khung nhìn chính xác về nghiệp vụ trong tổ chức. Quản lý quy trình nghiệp vụ (business process management: BPM) là một hoạt động nền tảng và quan trọng trong các tổ chức tại các nước có nền kinh tế phát triển.

Lịch sử[sửa]

Doug Vogel, Chủ tịch Hiệp hội hệ thống thông tin (https://aisnet.org/), cho rằng việc nghiên cứu một cách có hệ thống về lịch sử ngành hệ thống thông tin có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng cường hiểu biết về xuất phát điểm của ngành, những gì đã xảy ra trong suốt ngành và cách thức phát triển ngành đi tới vị thế quan trọng hiện nay.

Nói riêng, bản thân khái niệm hệ thống thông tin đã trải qua một quá trình tiến hóa từ “hệ thống cung cấp … xử lý giao dịch và hỗ trợ quyết định” (Mader và Hagin, năm 1974), “mọi hình thức thu thập, lưu trữ, truy xuất, xử lý và truyền thông thông tin... như... công cụ của tổ chức... thông báo cho những người ra quyết định về tình trạng của tổ chức... bao gồm cả hệ thống dựa trên máy tính và do con người thực hiện” (Brookes và cộng sự, năm 1982), “một hệ thống gồm phần cứng, phần mềm, con người, quy trình và dữ liệu, được tích hợp với mục tiêu thu thập, lưu trữ, xử lý, truyền tải và hiển thị thông tin” (Tatnal và cộng sự, năm 1995) v.v. tới định nghĩa như được nêu ở trên.

Lịch sử phát triển ngành hệ thống thông tin đã trải qua bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 (giữa thập niên 1960 - giữa thập niên 1970) là giai đoạn sơ khai. hệ thống thông tin được quản lý tập trung như một thành phần của kế toán. Phần cứng là máy tính lớn thế hệ thứ ba (IBM 360), phần mềm được phát triển trên các ngôn ngữ lập trình (Assembler, Fortran, COBOL), dữ liệu được tổ chức trong CSDL thế hệ tương ứng, mạng Ethernet đã xuất hiện. Các chủ đề nghiên cứu hệ thống thông tin là hệ HTQĐ, tương tác người - máy, khung hệ thống thông tin sơ khai, chấp nhận và hoài nghi về hệ thống thông tin, các giai đoạn tăng trưởng của hệ thống thông tin và giá trị thực sự của hệ thống thông tin. Không diễn ra sự kiện thực sự về phương pháp nghiên cứu hệ thống thông tin, song hình thành một vài trường phái hệ thống thông tin. Về đào tạo, xuất hiện khung chương trình đào tạo (CTĐT) sau đại học ACM (1972), khung CTĐT đại học ACM (1973) và khung IFIPTC3 (1974). Các tổ chức quan tâm là TIMS, AoM, ACM, DPMA, ASM, SMIS, AIDS, IFIPTC8 và các trung tâm nghiên cứu CISR, MISRC, ISRAM.
  • Giai đoạn 2 (giữa thập niên 1970 - giữa thập niên 1980) là giai đoạn hình thành chuyên nghiệp hệ thống thông tin. Về quản lý, các ủy ban hệ thống thông tin và các dự án phát triển hệ thống thông tin hướng người dùng xuất hiện. Thành phần công nghệ thông tin có phần cứng là máy tính cỡ vừa, máy tính cá nhân với dự án máy tính thế hệ năm (hệ thống thông tin thông minh). Các chủ đề nghiên cứu điển hình là khung nhìn mới về hệ thống thông tin, định nghĩa ngành hệ thống thông tin, tác động từ hệ thống thông tin thành công, lợi thế cạnh tranh, công nghệ thông tin và thay đổi tổ chức, hệ thống thông tin trong khu vực công, thiết kế với trợ giúp của hệ thống thông tin. Về sự kiện, có Manchester Business School 1984 về sự cần thiết của các phương pháp nghiên cứu đặc thù ngành, DPMA (1981) về định hướng hành nghề. Các ấn phẩm điển hình là ICIS, HICSS, IRIS, IFIPTC8WG8.2 và các tạp chí MISQ, I&M, IS, JMIS.
  • Giai đoạn 3 (Giữa thập niên 1980 - cuối thập niên 1990) là giai đoạn hệ thống thông tin rõ ràng theo tư cách ngành. Về quản lý, hệ thống thông tin bộ phận, khu vực, phân cấp với sự xuất hiện chức danh giám đốc thông tin (CIO). Thành phần hệ thống thông tin bao gồm liên kết mạng dẫn đến sự xuất hiện của Internet. Các chủ đề nghiên cứu điển hình là năng suất và hiệu quả kinh tế của công nghệ thông tin (ví dụ, nghịch lý năng suất công nghệ thông tin [10, 5]), giá trị công nghệ thông tin, chấp nhận công nghệ, hệ hỗ trợ quyết định nhóm (GDSS), khung nhìn theo quy trình triển khai công nghệ thông tin, gia công phần mềm, sắp xếp chiến lược công nghệ thông tin cân bằng. Về sự kiện có hội nghị Harvard Business School về phương pháp nghiên cứu, Hội nghị Copenhagen 1990 mở rộng phương pháp nghiên cứu. Về CTĐT, có khung CTĐTIFIP/BCS (1987). Về ấn phẩm có Kỷ yếu hội nghị AIS, ISWorld (AISNet) như ECIS, PACIS, AMCIS, ICOIS và các tạp chí như ISR, CAIS, JAIS, JIT, EJIS, JIS, I & O, JSIS, IT & P, SJIS, AJIS, DSS.
  • Giai đoạn 4 (Cuối thập niên 1990 - hiện nay) đang diễn ra, đánh dấu sự thay đổi đáng kể công nghệ hệ thống thông tin và môi trường kinh doanh trong kỷ nguyên Internet và số hóa. Hoạt động quản lý hệ thống thông tin bao trùm các công nghệ và nhân sự phân bố rộng (bao gồm nhân viên, nhà cung cấp ở nước ngoài). Công nghệ điển hình là tính toán phổ biến (máy tính xách tay, netbook, máy tính bảng, điện thoại thông minh, v.v.), công cụ tìm kiếm, truyền thông xã hội. Chủ đề nghiên cứu điển hình là thương mai qua Internet, toàn cầu hóa và đa văn hóa, công nghệ thông tin ở các nước đang phát triển, đội ảo, quản lý tri thức, nhân viên công nghệ thông tin, kinh doanh thông minh, năng suất nghiên cứu hệ thống thông tin, khoa học thiết kế, thực hành và xếp hạng tạp chí hệ thống thông tin, khung ngành hệ thống thông tinmới, phê bình ngành (tương lai ngành, liên quan hay nghiêm ngặt). Sự kiện điển hình là Hội nghị Philadelphia 1997 khuyến khích nghiên cứu định tính, hội thảo Aalborg (2000) thúc đẩy các phương pháp nghiên cứu mới, Hội nghị các vấn đề đặc biệt của MISQ, Hội nghị Manchester lần thứ hai (2004) mở rộng các phương pháp nghiên cứu, các sách về phương pháp nghiên cứu định tính trong hệ thống thông tin. Về đào tạo, các khung hướng dẫn CTĐTIS97, IS 2002, MS 2006, IS 2010 và MS 2016 được xây dựng và công bố. Về ấn phẩm, tạp chí điển hình là JECR, EJISDC, ISF, JITTA, JITCA, MISQ Executive cùng các tạp chí mới do AIS tài trợ.

Vai trò[sửa]

Hệ thống thông tin có ba vai trò cơ bản:

  • Hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và vận hành. Ngày nay, hoạt động nghiệp vụ (tác nghiệp) của hầu hết các tổ chức đều do các hệ thống thông tin xử lý giao dịch (XLGD) đảm nhận. Xuất hiện dầu tiên là hệ thống XLGD lương, tiếp đến là các hệ thống XLGD mua-bán. Vào giữa thập niên 1990, dựa trên công nghệ Internet và WWW, hệ thống thương mại điện tử (TMĐT) xuất hiện, phát triển thái quá “bong bóng dot. com” tưởng chừng bị diệt vong, song được hồi sinh và hiện đang phát triển bền vững. Thương mại di động, loại hình TMĐT dựa trên công nghệ di động, đã và đang phát triển rất nhanh chóng với các yếu tố đặc thù về giao thức, về màn hình, về không-thời gian và đặc biệt là yếu tố cá nhân hóa, tạo nên sự khác biệt so với TMĐT thông thường. Ban đầu, hệ thống XLGD là cục bộ theo bài toán, phân tán theo các khu vực chức năng dẫn đến tình trạng phân tán dữ liệu, vì vậy, hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (HĐNLDN) được xây dựng, tích hợp các hệ thống XLGD toàn doanh nghiệp với một hệ thống CSDL toàn doanh nghiệp nhất quán. Xây dựng hệ thống HĐNLDN là một công việc rất phức tạp, đòi hỏi kinh phí rất lớn và thời gian dài vài ba năm. Tuy giá trị cung cấp thông tin ra quyết định là không đáng kể nhưng hệ thống XLGD không chỉ tạo ra dữ liệu gốc cho các hệ thống thông tin mức trên mà còn là thành phần giao tiếp trực tiếp, có tác động rất lớn đến sự hài lòng của khách hàng và các bên liên quan.
  • Hỗ trợ ra quyết định kinh doanh. Người quản lý cấp trung cần ra quyết định kinh doanh trong phạm vị quản lý của mình theo các tình huống kinh doanh. hệ thống thông tin quản lý giúp người quản lý cấp trung ra quyết định lập trình được (Programmed decision) ứng phó với tình huống kinh doanh xảy ra thường xuyên tới mức cho phép phát triển được các quy tắc, thủ tục, phương pháp định lượngra quyết định để áp dụng về sau. Lập trình thực thi quy tắc để tự động hóa việc hỗ trợ ra quyết định là không khó khăn. Tình huống để ra quyết định lập trình được hoặc theo các quy tắc kinh doanh phổ biến và/hoặc được nhận diện từ nguồn dữ liệu XLGD. Đầu ra cơ bản của hệ thống thông tin quản lý là các báo cáo thuộc năm kiểu (định kỳ, chỉ số chính, theo yêu cầu, ngoại lệ và chi tiết hóa (khoan xuống)). Hệ hỗ trợ (trợ giúp) quyết định (HTQĐ) giúp người quản lý cấp trung ra quyết định không lập trình được (Nonprogrammed decision) ứng phó với tình huống không thể phát triển các quy tắc ra quyết định. Thành phần đặc thù của hệ HTQĐ là cơ sở mô hình và hệ quản lý mô hình chứa các mô hình ra quyết định tương ứng với các tình huống không lập trình được. Khi một tình huống xuất hiện, hệ HTQĐ đối sánh nó với tình huống của các mô hình thuộc cơ sở mô hình, chọn ra các mô hình phù hợp nhất để cung cấp cho người quản lý cấp trung. Hệ HTQĐ hướng mô hình sử dụng các mô hình phân tích toán học hoặc định lượng được thiết kế sẵn, hệ HTQĐ hướng dữ liệu phát hiện các mô hình từ dữ liệu của tổ chức. Hệ thống hỗ trợ nhóm (Group Support System: GSS) đảm nhận việc hỗ trợ ra quyết định cho một nhóm người mà không phải cho một cá nhân. Hệ thống hỗ trợ điều hành (Executive Support System: ESS) hỗ trợ giám đốc điều hành cấp cao trong tổ chức.
  • Hỗ trợ chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh. Người quản lý cấp cao có nhiệm vụ ra quyết định chiến lược để phát triển tổ chức dựa trên sự trợ giúp của các hệ thống quản lý tri thức trong tổ chức. Mở rộng thị trường, cải tiến sản phẩm hiện có, phát triển sản phẩm mới, cải tiến hoặc thay đổi hình thức kinh doanh, tăng cường lòng trung thành khách hàng, v.v. nhằm tạo được lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ là một số ví dụ về các quyết định chiến lược. Hệ thống trí tuệ nhân tạo (TTNT) và các hệ thống thông tin chuyên dụng (các hệ thống khoa học dữ liệu (data science), thực tại ảo (virtual reality), thực tại tăng cường (augmented reality)) cung cấp các thông tin và tri thức hỗ trợ ra quyết định của quản lý cao cấp. TTNT bao gồm hệ chuyên gia, người máy, hệ thống thị giác máy, hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống học và mạng nơ-ron [11]. Trong thời đại số ngày nay, TTNT đang phát triển với tốc độ “hàm mũ”, có nhiều đóng góp quan trọng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống con người, tuy nhiên, TTNT là một lĩnh vực rất phức tạp và cũng tạo ra nhiều thách thức rất đáng lo ngại [2]. Các hệ thống thông tin khoa học dữ liệu sử dụng tài sản dữ liệu nhằm cải thiện quyết định kinh doanh, cải thiện quy trình tác nghiệp và tăng doanh số trực tiếp từ dữ liệu.

Trong thực tiễn, một hệ thống thông tin cụ thể có thể đảm nhận cả ba vai trò trên đây, chẳng hạn, một hệ thống QLQHKH có thể bao gói các thành phần QLQHKH chiến lược, QLQHKH điều hành và QLQHKH phân tích.

Trong thời đại kinh tế số ngày nay, các hình thức kinh doanh đa dạng thuộc kinh tế dữ liệu (Data economy), kinh tế dịch vụ (Service economy), kinh tế nền (Platform economy), kinh tế Internet vạn vật (Internet of things economy), kinh tế chia sẻ (Sharing economy), kinh tế thịnh vượng (Prosumer economy), kinh tế đuôi dài (Long-tail economy), kinh tế hòa nhập (Inclusive economy), kinh tế cộng tác (Collaborative economy), kinh tế thông minh (Smart economy) và kinh tế gắn kết lỏng (Gig economy) đòi hỏi các loại hình hệ thống thông tin đa dạng và hoạt động hiệu quả.

Ở Việt Nam, nghiên cứu về hệ thống thông tin mới chỉ đề cập tới thành phần công nghệ thông tin và theo một số chủ đề riêng lẻ như CSDL (thập niên 1970), hệ thống Trí tuệ nhân tạo (thập niên 1980), hệ thống thông tin quyết định (thập niên 1980), hệ thống thông tin địa lý (thập niên 1980). Nghị quyết 49/CP năm 1993 của Chính phủ là một mốc phát triển công nghệ thông tin quan trọng, trong đó, ba hệ thống thông tin quốc gia (quản lý hành chính Nhà nước, kinh tế tổng hợp, tiềm lực khoa học-công nghệ - tài nguyên – môi trường) được xác định là ba dự án cấp Nhà nước cần được xây dựng và tổ chức thực hiện ngay. Vào đầu thập niên 2000, khung chương trình đào tạo bậc đại học ngành hệ thống thông tin được phác thảo, nhưng tới năm 2012 thì ngành đào tạo đại học hệ thống thông tin mới có mã số chính thức.

Việt Nam hiện thiếu hụt các nghiên cứu hệ thống thông tin trong một khung nhìn toàn diện và một nỗ lực nghiên cứu để khắc phục tình trạng thiếu hụt đó là rất có ý nghĩa. Vì vậy, trong không ít trường hợp, hệ thống thông tin còn bị giới hạn trong một khung nhìn hẹp (xt. Luật an toàn thông tin mạng).

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Peter Bernus, Kai Mertins, Günter Schmidt. Handbook on Architectures of Information Systems (2nd edition). Springer, 2006.
  2. George Marakas, James O'Brien. Introduction to Information Systems (16th edition). McGraw-Hill, 2012.
  3. R. Hirschheim, H. K. Klein. A glorious and not so-short history of the information systems field. Journal of the Association for Information Systems, 13 (4), 188-235, 2012.
  4. Kenneth Laudon, Jane P. Laudon. Management Information Systems. Pearson, 2014.
  5. Ralph M. Stair, George Reynolds. Principles of Information Systems (13thedition). Course Tachnology, 2018.