, hệ thống cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
Tòa án Nhân dân là cơ quan tư pháp của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng hoạt động xét xử, Tòa án Nhân dân xử lý những vi phạm pháp luật, giải quyết những tranh chấp trong xã hội thông qua các thủ tục tố tụng tư pháp; kiểm soát các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện các quyền lập pháp, quyền tư pháp.
Trong mỗi quốc gia, tập hợp các toà án có mối quan hệ tố tụng luật định tạo thành hệ thống toà án hoàn chỉnh. Ở các quốc gia tuỳ theo mô hình tổ chức nhà nước và pháp luật khác nhau mà hệ thống toà án được tổ chức khác nhau theo cấp xét xử, theo đơn vị hành chính lãnh thổ hoặc kết hợp theo cấp xét xử và theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Đồng thời, cùng với các toà án thẩm quyền chung, ở các quốc gia cũng thiết lập các toà án chuyên biệt như Toà án Hiến pháp, Toà án quân sự, Toà án sở hữu trí tuệ…
HTTAVN được hình thành và phát triển hoàn thiện cùng với các thời kỳ phát triển tương ứng của đất nước, được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Giai đoạn từ 1945 đến 1958, HTTAVN bao gồm các Toà án khác nhau là Toà án binh để xét xử các vụ án quân nhân phạm tội; Toà án quân sự để xét xử các vụ án phản cách mạng, chống chính quyền nhân dân; Toà án đặc biệt để xét xử nhân viên các Uỷ ban Nhân dân, nhân viên Chính phủ phạm tội (1945 – 1949), Toà án đặc biệt Cải cách ruống đất theo sự việc (1953) xét xử các vụ án đối với những người chống lại hoặc phá hoại chính sách Cải cách ruộng đất và Toà án thường. Các Tòa án thường theo quy định của Hiến pháp 1946 gồm Toà án tối cao, Toà án phúc thẩm, Toà án đệ nhị cấp và Toà án sơ cấp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kháng chiến, hệ thống Toà án này không được thực hiện, mà trên thực tế, hệ thống Toà án thường gồm Toà Thượng thẩm (từ 1950 được đổi thành Toà án phúc thẩm), Toà án đệ nhị cấp (từ 1950 được đổi thành Toà án cấp tỉnh) và Toà án sơ cấp (từ 1950 được đổi thành Toà án cấp huyện).
Giai đoạn từ 1959 đến 2014, theo các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và các Luật tổ chức Tòa án Nhân dân 1960, 1980, 1992, 2002, dù có một số điểm khác nhau, hệ thống Toà án bao gồm các Tòa án Nhân dân, các Toà án quân sự và Toà án đặc biệt. Các Tòa án Nhân dân được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ bao gồm Tòa án Nhân dân tối cao; các Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án Nhân dân quận, thành phố thuộc tỉnh, huyện. Các Toà án quân sự gồm Toà án quân sự trung ương (Toà án quân sự Cấp cao 1986 – 1993); các Toà án quân sự quân khu và tương đương; các Toà án quân sự khu vực. Tòa án Nhân dân đặc biệt để xét xử các trường hợp chống lại chính sách công hữu hoá tư sản mại bản (1976), xét xử các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội tại Hồ Chí Minh (1978). Các Toà án đặc biệt này được giải thể năm 1986.
Theo Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Tòa án Nhân dân 2014, các Tòa án Nhân dân là các cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Hệ thống toà án bao gồm Tòa án Nhân dân tối cao, các Tòa án Nhân dân và các Toà án quân sự. Toà án đặc biệt đã không còn được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Tòa án Nhân dân 2014.
Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có quyền giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định; thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Các Tòa án Nhân dân khác được thiết lập theo nguyên tắc kết hợp đơn vị hành chính lãnh thổ và cấp xét xử, bao gồm các Tòa án Nhân dân cấp cao, các Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Tòa án Nhân dân cấp tỉnh), các Tòa án Nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Tòa án Nhân dân cấp huyện).
Các Tòa án Nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghịtrong thời hạn luật định; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, các Tòa án Nhân dân cấp huyện bị kháng nghị. Các Tòa án Nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm các vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện; xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án Nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định. Tòa án Nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền.
Các Toà án quân sự được tổ chức theo nguyên tắc kết hợp theo đơn vị hành chính quân sự và theo cấp xét xử gồm Toà án quân sự trung ương, các Toà án quân sự quân khu và tương đương (Toà án cấp quân khu), các Toà án quân sự khu vực. Toà án quân sự trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự cấp quân khu, các Toà án quân sự khu vực bị kháng nghị. Các Toà án quân sự quân khu và tương đương xét xử sơ thẩm các vụ án không thuộc thẩm quyền của các Toà án quân sự khu vực; xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn luật định. Các Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm các vụ án thuộc thẩm quyền.
Tài liệu tham khảo:
1. Trương Hoà Bình, Ngô Cường, Hệ thống Toà án của một số nước trên thế giới, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2014
2. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2019.
3. Các Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (1960, 1980, 1992, 2002, 2014), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.