Hệ quản trị nội dung web (tiếng Anh Web Content Management System) là hệ thống phần mềm trợ giúp tạo lập, biên tập, cập nhật và điều hành các hoạt động đăng ký, phân quyền, đăng nhập, chia sẻ, tương tác các nội dung trên các trang web.
Hệ quản trị nội dung web trợ giúp xây dựng và vận hành hệ thống quản lý nội dung các trang web. Hệ thống hướng tới người dùng cuối, là những người có hiểu biết hạn chế về các ngôn ngữ lập trình web hoặc các ngôn ngữ gán nhãn văn bản.
Chức năng chính[sửa]
Hệ thống cung cấp các chức năng cơ sở sau đây:
Thiết kết tự động theo mẫu: Bố trí giao diện thể hiện các chức năng trên trang web. Các mẫu được tổ chức theo định dạng chuẩn thường là HTML hoặc XML.
Quản lý và kiểm soát truy cập: Trang web có thể thuộc một cá nhân hoặc tập thể, đại diện cho một tổ chức, công ty, tập đoàn, hiệp hội, quốc gia hoặc liên quốc gia. Cơ cấu tổ chức của trang web tập thể tương tự như cơ cấu tổ chức của một tờ báo hoặc tạp chí, bao gồm người chịu trách nhiệm chính (chủ trang web), ban biên tập bao gồm trưởng ban và các thành viên, cộng tác viên, phụ trách điều hành, phụ trách kỹ thuật, nhân viên bảo mật và an toàn nội dung. Ngoài ra còn một nhóm bạn đọc. Tùy theo quyền hạn được chủ trang web quy định, người điều hành trang web có thể thực hiện việc kết nạp thành viên mới, cấp phép cho mỗi thành viên các quyền truy nhập, vd. chỉ đọc, thảo luận, lưu lại nội dung, phân phát nội dung,… Hệ thống có thể có các chức năng tự động thống kê, phân tích và đánh giá số lần truy nhập theo từng chủ đề của người đọc,… Hệ thống cung cấp các tiện ích tổ chức các hoạt động nói trên một các dễ dàng.
Mở rộng phạm vi: Chuyển đổi từ một trang web cá nhân sang dạng hợp tác, tạo thêm các trang phụ bản (microsites) hoặc các cổng thông tin (portals).
Biên tập nội dung: Cung cấp cho người phụ trách trang web các tiện ích trực quan để có thể dễ dàng biên tập, cập nhật nội dung. Nhiều hệ thống cho phép biên tập tập thể. Mỗi phiên cập nhật nội dung được ghi lại dưới dạng nhật ký cập nhật.
Hệ quản trị nội dung web có thể làm việc theo một trong ba phương thức: gián tuyến, trực tuyến hoặc hỗn hợp. Theo phương thức gián tuyến biên tập viên làm việc trên một bản sao một phần hoặc toàn bộ nội dung và tách rời với hoạt động của trang web. Sau khi được phê duyệt, bản sao này sẽ được thay thế vào bản chính. Phương thức trực tuyến cho phép biên tập viên cập nhật trực tiếp trên một vài mục của bản chính đang vận hành của trang web. Phương thức hỗn hợp cho phép biên tập viên cập nhật trực tiếp trên một vài mục "nóng" của bản chính đang vận hành trên trang web đồng thời làm việc trên một bản sao một số mục và tách rời với hoạt động của trang web. Một số hệ quản trị nội dung web được cung cấp miễn phí như Drupal, eZ Publish, TYPO3, Joomla, Zesty.io, WordPress. Một số nhà cung cấp có thu kinh phí dưới dạng thuê bao, căn cứ theo dung lượng nội dung và chức năng khai thác. Ngoài ra, chủ sở hữu nội dung web có thể phải trả các chi phí về đăng ký tên miền, thuê cơ sở sao lưu, bảo quản nội dung, huấn luyện nhân viên vận hành trang web, nâng cấp hệ thống hoặc bổ sung các tính năng mới.
An toàn và bảo mật[sửa]
Một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến các hệ quản trị nội dung web là an toàn và bảo mật. Thường xảy ra các trường hợp tin tặc tấn công hoặc lặng lẽ ẩn mình trong các trang web để lấy cắp hoặc làm sai lệch nội dung trong các trang web.
Năm 1970 các nhân viên của IBM: Charles F. Goldfarb, Ed Mosher và Ray Lorie xây dựng hệ thống ngôn ngữ đánh nhãn chuẩn tổng quát (Standard Generalized Markup Language, SGML). Các năm 1989-1990 Tim Berners-Lee công bố hệ thống ngôn ngữ gán nhãn văn bản HTML và xây dựng bộ tìm kiếm nội dung web đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời các hệ thống quản trị nội dung web. Các hệ quản trị nội dung web sau đó được phát triển cùng với các thế hệ web từ 1G đến web 5G và cách mạng công nghệ 4.0.
Vận dụng các kết quả nghiên cứu về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và học sâu, một số hãng đã nâng cấp các hệ quản trị nội dung web thành các hệ thống có gắn các yếu tố thông minh, gọi là các hệ thống quản trị nội dung web không_cần_đầu (headless) cho phép người phụ trách trang web sử dụng các tiện ích trực quan để có thể dễ dàng biên tập, cập nhật nội dung tại bất kỳ địa điểm và thời gian nào. Các hệ thống mới liên tục được bổ sung và hoàn thiện các chức năng tự động tối ưu hóa cho các bộ duyệt web, theo dõi hành vi của người đọc để phân loại và phục vụ linh hoạt và an toàn, hiển thị và trình diễn các nội dung đa dạng, phát hiện các nội dung nhạy cảm, các nội dung trùng lặp hoặc nội dung vi phạm bản quyền để tư vấn cho chủ trang web….
Các hệ quản trị nội dung web được ứng dụng trong việc xây dựng và điều hành các trang web. Nền tảng phát triển của các hệ quản trị nội dung web là lý thuyết thiết kế, các chuẩn ngôn ngữ gán nhãn, các ngôn ngữ siêu dữ liệu và các bộ duyệt web.
Việc phát triển và cung cấp các hệ quản trị nội dung web là một trong những hoạt động sinh lợi cao nhất trong công nghiệp công nghệ thông tin.
Trang web là bộ mặt của mỗi cơ quan hoặc tổ chức nên cần được thiết kế và vận hành một cách nghiêm cẩn. Tại Việt Nam, ngoài một vài trang web được đầu tư đúng mức, hầu hết các trang web còn lại thường thể hiện những thiếu sót sau đây:
- Thiếu các chuyên gia thiết kế và bảo trì nội dung. Nhiều đơn vị cho rằng thiết kế được trang web là xong, không hề đầu tư cho việc cập nhật nội dung và vận hành trang web.
- Nội dung hời hợt, cũ và lạc hậu, những thông tin bắt buộc thường được thể hiện một cách hình thức, thiếu những hướng dẫn cụ thể.
- Gần như không quan tâm đến bảo mật và an toàn nội dung.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Woric Faithfull (08.11.2007), "Using XSLT to Make Websites", woric.net.
- Mike Johnston (07.09.2011), "CMS or WCM - Which is Which?", cmscritic.com.
- Brent Heslop (19.12.2018), "History of Content Management Systems and Rise of Headless CMS", contentstack.com/blog/all-about-headless.