Hệ quản lý nội dung học trực tuyến (tiếng Anh Learning Content Management System) là hệ thống tích hợp trợ giúp việc xây dựng chương trình, nội dung học tập và đào tạo, thiết lập bản quyền tác giả và quyền truy nhập trong môi trường mạng máy tính, nhiều người sử dụng có thể phân tán theo không gian và thời gian.
Chức năng chính[sửa]
Mỗi hệ quản lý nội dung học trực tuyến bao gồm các nhóm chức năng sau đây:
- Xây dựng chương trình và giáo án đào tạo: Mỗi chương trình được mô tả chi tiết về mục đích, nội dung lý thuyết và thực hành, sơ đồ thời gian thể hiện trật tự các môn học, tiết học, soạn thảo các bài giảng, tài liệu cần đọc, tài liệu đọc thêm, bài thực hành, bài tập dự án, các bài kiểm tra trực tuyến. Các tài liệu được soạn thảo dưới dạng tích hợp (đa phương tiện) bao gồm văn bản, đồ họa, ảnh, video, bản đồ, các đoạn mã chương trình máy tính kèm theo các mô phỏng động, …
- Quy định hình thức và địa chỉ lưu trữ và truy nhập các tài liệu học tập và tương tác với giáo viên, khoa, bộ phận quản lý và cơ sở đào tạo.
- Phân tích, đánh giá khả năng tiếp thu của người học theo mỗi chương trình, khóa học và môn học. Các thông tin này sẽ được phản hồi cho nhóm biên soạn chương trình để cập nhật lại nội dung.
Hình thành và phát triển[sửa]
Các hệ thống quản trị nội dung ra đời vào khoảng những năm 1980 và được phát triển mạnh vào những năm 1990. Cùng với đà phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, các hệ thống được nâng cấp, bổ sung dần các chức năng như soạn thảo và trình diễn các văn bản đa phương tiện, quản lý thành viên, hội luận từ xa, giảm thiểu thời gian truy nhập, mở rộng phương thức lưu trữ, tăng cường tính bảo mật, khả năng tích hợp hệ thống, tìm hiểu tâm lý người học,…
Với sự ra đời của điện toán đám mây, các hệ quản lý nội dung học trực tuyến được nâng cấp với các khả năng quản lý linh hoạt, nội dung phong phú, giảm thiểu kinh phí và thời gian khai thác, tăng cường năng lực lưu trữ, tăng cường khả năng tương tác theo phương châm học suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi.
Lợi ích[sửa]
Các hệ quản lý nội dung học trực tuyến được sử dụng rộng rãi trong giáo dục và đào tạo. Lợi ích rõ rệt nhất của các hệ quản lý nội dung học trực tuyến là
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho người học hoàn thiện tri thức theo phương châm học suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc.
- Đặc biệt, các hệ quản lý nội dung học trực tuyến đóng vai trò rất lớn trong việc đào tạo, huấn luyện trong một số lĩnh vực chuyên nghiệp mà điều kiện thực hành khó khăn hoặc nguy hiểm như lái tầu biển, cấp cứu khi gặp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, cấp cứu trong hầm lò, trên biển hoặc dưới biển, cấp cứu khi cháy nổ, cấp cứu trong vũ trụ,… Trong các hệ quản lý nội dung học trực tuyến hiện đại có các chương trình điều khiển mô phỏng hiện thực ảo, hoạt động trong thời gian thực để học viên thực hành thành thạo trước khi ra hiện trường.
- Khắc phục, giảm thiếu các tổn hại về giáo dục và đào tạo trong các tình huống bất khả kháng như thiên tai và dịch bệnh. Ví dụ điển hình là khi đối đầu với dịch bệnh toàn cầu, hầu hết các trường học trên thế giới đã chuyển dần sang hoạt động đào tạo từ xa với sự trợ giúp của các hệ quản lý nội dung học trực tuyến.
Định hướng phát triển[sửa]
Theo nhu cầu của thị trường các hệ quản lý nội dung học trực tuyến đang được phát triển theo các hướng sau đây:
- Định hướng tới các thiết bị di động cầm tay. Trước những năm 2000 hầu hết các hệ thống dạy học từ xa đều hoạt động trên các máy tính cá nhân. Hiện nay, các thiết bị di động cầm tay được phổ biến rộng rãi, do đó các nhà sản xuất tập trung vào đối tượng mới là các máy điện thoại di động và các bảng tính cầm tay.
- Tự động hóa nội dung. Nhờ sự phát triển của các kỹ thuật và thuật toán học sâu và trí tuệ nhân tạo, các hệ quản lý dạy học trực tuyến phát triển theo hướng tự động phát sinh các khóa đào tạo. Vd., từ các bộ từ điển ngôn ngữ của mỗi dân tộc có thể thiết kế tự động các khóa học ngoại ngữ cho các đối tượng từ trẻ em đến các nhà khoa học chuyên nghiệp.
- Game hóa. Vận dụng các kỹ thuật đồ họa động và tâm lý vui tươi trong các trò chơi điện tử, các hệ quản lý nội dung học trực tuyến đã bổ sung những thay đổi căn bản trong quá trình hiển thị và tương tác với người học theo hướng chi tiết hóa, linh hoạt và nhẹ nhàng khi thông báo lỗi và đánh giá kết quả.
- Giáo viên ảo. Là tiếp cận tạo ra các giáo viên thường trực tương tác với học viên để giải đáp thắc mắc, trợ giúp học viên trong quá trình học tập.
Hiện nay còn thiếu vắng các hệ thống dạy học và đào tạo dành riêng cho người khuyết tật. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do sự phát triển chậm các thiết bị tương tác cho người khuyết tật và thiếu các chuyên gia về đào tạo người khuyết tật mà bản thân là người khuyết tật.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Gilhooly K. (2001). Making e-learning effective. Computerworld, 35 (29), 52-53.
- Long Phillip D. (2004). Learning Management Systems (LMS), Encyclopedia of Distributed Learning, Thousand Oaks: SAGE Publications, Inc. pp. 291-293. ISBN 9780761924517.
- Solomon Arulraj David, (2013). A Critical Understanding of Learning Management System, academia.edu.