Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hệ quản lý dạy và học trực tuyến

Hệ quản lý dạy học trực tuyến (tiếng Anh Learning Management System) là hệ thống trợ giúp người quản trị tổ chức, vận hành, điều khiển các khóa học, huấn luyện, đào tạo và đánh giá học viên trong môi trường mạng máy tính, Internet nhiều người sử dụng có thể phân tán theo không gian và thời gian.

Chức năng chính[sửa]

Các hệ quản lý dạy và học trực tuyến (hệ quản lý dạy học trực tuyến) hoạt động tương tự như một hệ thống điều hành của một đơn vị giáo dục và đào tạo với các nhóm chức năng chủ yếu sau đây:

  • Tổ chức và điều hành quá trình xây dựng, soạn thảo, thiết kế nội dung, chương trình và tài liệu học tập theo từng khóa học, lớp học với các đối tượng học viên khác nhau.
  • Tổ chức và điều hành các lớp học, khóa học
  • Tổ chức thu nhận thông tin phản hồi, các báo cáo đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức của học viên.

Hệ quản lý dạy học trực tuyến tập trung vào các nhiệm vụ đào tạo trực tuyến với nhiều học viên tương tác trong thời gian thực, chia sẻ các kế hoạch, lược đồ, tiến độ đào tạo, trợ giúp, đánh giá học viên theo từng mức đối tượng và khả năng tiếp thu.

Nhiều hệ thống được trang bị các thuật toán trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật để xử lý nhu cầu cùa học viên và hỗ trợ kịp thời.

Cùng với đà phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông và Internet, các hệ quản lý dạy học trực tuyến được nâng cấp, bổ sung dần các chức năng tương tác với học viên theo thời gian thực như soạn thảo và trình diễn các văn bản (học liệu) đa phương tiện, quản lý thành viên, hội luận từ xa, giảm thiểu thời gian truy nhập thông tin, mở rộng phương thức lưu trữ, tăng cường tính bảo mật, khả năng tích hợp hệ thống, tìm hiểu tâm lý người học,… và được sử dụng cho mọi đối tượng người học, từ học sinh, sinh viên trong và sau đại học đến những người muốn tự học để nâng cao tay nghề hoặc trình độ hiểu biết nói chung như kỹ thuật cắm hoa, trang trí phòng khách, trồng cây cảnh, chăm sóc trẻ thơ,…

Thông qua hệ quản lý dạy học trực tuyến giáo viên có thể soạn thảo các bài giảng tích hợp động thái, mô phỏng, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn trực tuyến, gián tuyến, kiểm soát học viên, tương tác với từng đối tượng để hỗ trợ kịp thời.

Ưu thế nổi trội[sửa]

Một vài ưu thế nổi trội của hệ quản lý dạy học trực tuyến.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo thời gian thực: Vd., các hệ thống dạy ngoại ngữ hiện đại có các phần mềm nghe và đánh giá trình độ phát âm và cảm nhận ngôn ngữ của người học, sau đó hiển thị cơ chế minh họa hoạt động của cơ quan phát âm dưới chế độ động 3D theo các tốc độ khác nhau.

Tổ chức trao đổi với phụ huynh, người đỡ đầu học viên về tiến độ học tập của học viên: Mời và tạo điều kiện cho phụ huynh và người đỡ đầu tham dự, theo dõi quá trình hoạt động của các lớp học, khóa học.

Cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng: Dựa trên sự đồng thuận và yêu cầu của học viên, hệ quản lý dạy học trực tuyến có thể cung cấp thông tin về năng lực và trình độ chuyên môn của học viên để các công ty tham gia tuyển chọn.

Nhiều hệ thống có chế độ làm việc tự động mức độ cao như cho phép giáo viên cập nhật trực tiếp, gián tuyến, chỉnh sửa bài giảng tại mọi thời điểm và địa điểm, thậm chí giáo viên có thể tương tác, hỏi đáp với cả lớp hoặc chỉ định từng học viên trình bày.

Cơ sở hình thành và phát triển[sửa]

Tiền thân của các hệ quản lý dạy và học trực tuyến là các loại hình dạy học từ xa, dạy học qua thư, ra đời trong thế kỷ XVIII. Trong thế kỷ XIX cũng đã xuất hiện các máy điện-cơ huấn luyện và kiểm tra kiến thức học viên. Khái niệm về dạy học đa phương tiện đã xuất hiện từ năm 1909, trong đó các phương tiện được hiểu là radio, điện thoại, đĩa nhựa và một số thiết bị điện cơ khác.

Các hệ quản lý dạy học trực tuyến với sự trợ giúp của máy tính ra đời vào khoảng những năm 1980 và được phát triển mạnh vào những năm 1990. Giai đoạn đầu, các hệ thống được sử dụng chủ yếu cho bậc đào tạo đại học.

Các hệ quản lý dạy học trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số và mạng máy tính được phát triển qua các giai đoạn: dạy học từ xa, đào tạo trực tuyến và giảng dạy và đào tạo qua Internet.

Lợi ích[sửa]

Các hệ quản lý dạy học trực tuyến được sử dụng rộng rãi trong giáo dục và đào tạo. Lợi ích rõ rệt nhất của các hệ quản lý dạy học trực tuyến là:

  • Khuyến khích và tạo điều kiện cho người học hoàn thiện tri thức theo phương châm học suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc.
  • Đặc biệt, các hệ quản lý dạy học trực tuyến đóng vai trò rất lớn trong việc đào tạo, huấn luyện trong một số lĩnh vực chuyên nghiệp mà điều kiện thực hành khó khăn hoặc nguy hiểm như lái tầu biển, cấp cứu trong hầm lò, trong vũ trụ,… Trong các hệ quản lý dạy học trực tuyến loại này có các chương trình điều khiển mô phỏng hiện thực ảo, hoạt động trong thời gian thực để học viên thực hành thành thạo trước khi ra hiện trường.
  • Khắc phục, giảm thiếu các tổn hại về giáo dục và đào tạo trong các tình huống bất khả kháng như thiên tai và dịch bệnh. Ví dụ điển hình là khi đối đầu với dịch bệnh toàn cầu, hầu hết các trường học trên thế giới đã chuyển dần sang hoạt động đào tạo từ xa với sự trợ giúp của các hệ quản lý dạy học trực tuyến.

Lợi thế và khó khăn[sửa]

Lợi thế[sửa]

Các hệ quản lý dạy học trực tuyến có những ưu điểm và lợi thế sau đây: Linh hoạt, có khả năng kết nối cao, đa dạng, dễ truy nhập, nội dung hấp dẫn, có khả năng tái sử dụng, có tính thích nghi cao phù hợp với nhiều môn học như lịch sử, sinh học,…

Khó khăn[sửa]

Những khó khăn chủ yếu trong việc triển khai các hệ quản lý dạy học trực tuyến có thể là:

  • Một số nội dung học tập đòi hỏi chi phí thiết kế cao.
  • Giáo viên phải có hiểu biết tốt về công nghệ thông tin và tâm lý người học trên cơ sở tương tác từ xa. Giáo án và nội dung tri thức phải cập nhật thường xuyên.
  • Việc giao tiếp giữa hệ thống với người học dễ gây ra cảm giác khô cứng, dễ bộc lộ các yếu tố máy móc, cơ khí.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Davis, B., Carmean, C., Wagner, E. (2009). "The Evolution of the LMS: From Management to Learning". The ELearning Guild Research.24.
  2. Gilhooly, K. (2001) Making e-learning effective. Computerworld, 35 (29), 52-53.
  3. Levensaler, Leighann; Laurano, Madeline (2009), Talent Management Systems 2010, Bersin & Associates.
  4. Solomon Arulraj DAVID. A Critical Understanding of Learning Management System, academia.edu.