Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hầm chữ A

Hầm chữ A (hay Hầm kèo) là hầm trú ẩn, có tiết diện tam giác cân, góc đỉnh khoảng 500, khung thường bằng tre, gỗ hoặc sắt giống như vì kèo nhà hai mái.

Hầm chữ A có thể làm chìm hoặc nửa chìm nửa nổi, có lớp bảo vệ bằng đất hoặc đất trộn lẫn rơm, rạ, cỏ...

Theo vật liệu làm hầm, có: Hầm chữ A khung hầm bằng tre, gỗ và khung hầm bằng bê tông đúc sẵn lắp ghép thành từng khối. Theo công dụng, có: Hầm chữ A 1 tầng, Hầm chữ A 2 tầng. Theo cấu hình, có: Hầm chữ A hình khối thẳng, hình chữ chi, hình thước thợ. Hầm chữ A là sáng kiến quân sự nổi tiếng của Quân đội nhân dân Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53). Ở Việt Nam , Hầm chữ A đầu tiên được quân và dân Khu 4 làm khi không quân Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt vào đầu năm 1965 và sau đó được phổ biến ở tất cả các tỉnh miền Bắc và trên chiến trường miền Nam. Hầm chữ A dùng cho dân sự thường xây dựng ở gần nhà, tiện ẩn nấp, cạnh bờ ao, gốc cây to, bụi tre, rặng dừa, bờ sông... Khu vực làm hầm phải khô ráo, có độ dốc trung bình, cửa hầm nhìn ra mặt nước để vừa lợi dụng địa hình che chắn vừa tránh bị ngập úng nước trong hầm khi trời mưa to. Hầm có độ sâu 1-1,2 m; rộng 1,2-1,5 m, dài 1,8-2 m. Hầm chữ A dùng cho quân sự để ẩn nấp hoặc tác chiến cho một tổ hoặc một tiểu đội, tùy theo địa hình, địa vật có ý nghĩa về mặt chiến thuật mà thiết kế hầm cho phù hợp; độ sâu thông thường 1,2-1,5 m; dài 1,5-1,7 m; rộng 1-1,3 m.

Hầm chữ A kết cấu đơn giản, chịu lực tốt (có thể không bị sập khi bom phá cỡ 225 kg nổ cách hầm 7-10 m), dễ làm, dễ tháo dỡ, tiện ứng dụng trong điều kiện dã chiến; là loại hầm tránh bom đạn hiệu quả (do miệng hầm che chắn kỹ chống được bom bi, mảnh bom, pháo; nếu là hầm chìm sâu dưới đất 5 m chịu được đạn pháo khoan) không chỉ đối với bộ đội nơi chiến trường, mà còn là loại hầm trú ẩn phòng không thông dụng, hiệu quả cho nhân dân miền Bắc khi máy bay Mỹ đánh phá các công sở, bệnh viện, trường học, khu dân cư... Hiện nay, Hầm chữ A ở một số vùng biên giới được làm bằng chất liệu đúc sẵn bằng các thanh bê tông lắp ghép.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục kỹ thuật, Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kì cách mạng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  3. Học viện Kĩ thuật quân sự, Tổng kết 40 năm hoạt động khoa học công nghệ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2006
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007