Mục từ này cần được bình duyệt
Hạn ngạch khai thác

Hạn ngạch khai thác là phần sản lượng hoặc cường lực khai thác được phép khai thác đối với một loài hoặc nhóm loài ở một ngư trường nhất định và được phân bổ cho một thực thể cụ thể (tàu khai thác, cá nhân, hợp tác xã, cộng đồng ngư dân,…).

Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên thuộc sở hữu chung, mọi người đều có quyền sử dụng hoặc khai thác theo quy định của cơ quan quản lý. Vì vậy, nó có thể được duy trì lâu dài nếu được quản lý và khai thác hợp lý, hoặc suy kiệt nếu không có biện pháp quản lý phù hợp. Để quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản, việc giới hạn mức độ khai thác (hạn ngạch khai thác)đối với tổng thể nghề cá và đối với từng tàu, từng cá nhân ở các vùng biển cụ thể là một giải pháp hiệu quả được áp dụng trong hoạt động quản lý nghề cá.

Trong quản lý nghề cá, tổng sản lượng cho phép khai thác (Total Allowable Catch – TAC) hay tổng cường lực khai thác cho phép (Total Allowable Effort – TAE) đối với mỗi loài hoặc nhóm loài thường được xác định theo vụ khai thác hoặc hàng năm. Do đó, HNKT có thể định nghĩa là một phần của TAC (sản lượng được phép khai thác) hoặc một phần của TAE (số lượng tàu, số ngày được phép hoạt động khai thác,…) được phân bổ cho các tổ chức, cá nhân. HNKT có thể chuyển nhượng, trao đổi, mua bán được, nên nó còn được gọi là hạn ngạch chuyển nhượng cá nhân.

Hạn ngạch khai thác được xác định dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn về đánh giá biến động nguồn lợi và nghề cá. Tổng sản lượng cho phép khai thác thường được xác định dựa trên mức sản lượng bền vững tối đa (MSY) và Tổng cường lực cho phép sử dụng thường được xác định dựa vào cường lực khai thác thực tế F, xu thế biến động năng suất khác và một số yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị khác.

Hạn ngạch khai thác có thể là công cụ quản lý hiệu quả trong việc hạn chế sự đầu tư lãng phí vào hoạt động khai thác và làm tăng lợi nhuận của ngư dân và chủ thể sở hữu nguồn lợi thuỷ sản. Ngoài ra, chế độ quản lý dựa vào hạn ngạch cũng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự hợp tác minh bạch giữa cơ quan quản lý và các bên có liên quan. Việp áp dụng HNKT theo tổng sản lượng cho phép khai thác được áp dụng phổ biến ở các nước có nghề cá phát triển, khai thác đơn loài như: Australia, Canada, New Zeland, Đan Mạch,… và HNKT theo tổng cường lực khai thác cho phép được cho là phù hợp với nghề cá đa loài, đang được áp dụng phổ biến ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Mỹ, Malaysia, Faroes,…

Hạn ngạch khai thác và chế độ quản lý nghề cá dựa vào HNKT đã được giới thiệu vào Việt Nam và được qui định tại Luật Thuỷ sản năm 2017. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện thí điểm áp dụng cơ chế quản lý nghề cá dựa vào hạn ngạch ở vùng biển khơi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • Cochrane K.L. & Garcia S.M., A fishery manger’s guidebook: Management measures and their application, 2th edition, FAO, Rome, 2009.
  • Grafton R. Q., Individual transferable quotas: theory and practice, Reviews in Fisheries Biology and Fisheries 6 (1), p 5-20, Chapman & Hall,1996.
  • Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Thuỷ sản, Hà Nội, 2017.
  • Ward J.M., Kirkley J.E., Metzner R., and Pascoe S., Measuring and assessing capacity in fisheries: 1. Basic concepts and management options, FAO Fisheries Technical Paper 433/1, FAO, Rome, 2004.