Hạ sĩ quan gọi chung quân nhân có quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hạ sĩ quan gồm 2 ngạch: tại ngũ và dự bị. Hạ sĩ quan tại ngũ là Hạ sĩ quan đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Cảnh sát biển; thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng; trường hợp đặc biệt có thể được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ, nhưng không quá 6 tháng. Cấp bậc quân hàm và chức vụ của hạ sĩ quan được quy định: hạ sĩ - phó tiểu đội trưởng; trung sĩ - tiểu đội trưởng; thượng sĩ - phó trung đội trưởng. Nguồn bổ sung vào đội ngũ Hạ sĩ quan tại ngũ gồm: quân nhân tốt nghiệp các trường đào tạo Hạ sĩ quan; binh sĩ có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, học tập công tác có đủ điều kiện để xét phong quân hàm Hạ sĩ quan; sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường trung học chuyên nghiệp trường dạy nghề, những người có chuyên môn kĩ thuật, nghiệp vụ đã qua huấn luyện quân sự hết chương trình Hạ sĩ quan được điều động vào Quân đội và có đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ của Hạ sĩ quan. Hạ sĩ quan dự bị và những người có chuyên môn kĩ thuật, nghiệp vụ ở các ngành ngoài Quân đội được động viên có đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ của Hạ sĩ quan. Hạ sĩ quan xuất ngũ nếu đủ đáp ứng yêu cầu sẽ được chuyển sang ngạch dự bị. Hạ sĩ quan dự bị là Hạ sĩ quan đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hạ sĩ quan dự bị gồm các đối tượng: Hạ sĩ quan xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ 06 tháng trở lên; Hạ sĩ quan xuất ngũ đã qua chiến đấu; công dân nam là công nhân, viên chức quốc phòng được chuyển chế độ từ hạ sĩ quan đã thôi việc; công dân là binh sĩ dự bị hạng hai đã qua huấn luyện tập trung đủ 06 tháng trở lên. Hạn tuổi phục vụ của Hạ sĩ quan dự bị: công dân nam giới đến hết 45 tuổi, công dân nữ đến hết 40 tuổi. Căn cứ vào lứa tuổi, Hạ sĩ quan dự bị được phân chia thành 2 nhóm: nhóm A là công dân nam đến hết 35 tuổi, công dân nữ đến hết 30 tuổi; nhóm B là công dân nam từ 36 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ 31 tuổi đến hết 40 tuổi. Hạ sĩ quan dự bị phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng. Hạ sĩ quan dự bị có nghĩa vụ và quyền lợi cơ bản như Hạ sĩ quan tại ngũ. Hạ sĩ quan dự bị hết độ tuổi dự bị hoặc không còn đủ sức khỏe phục vụ trong ngạch dự bị thì được giải ngạch theo quyết định của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Hạ sĩ quan sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ hoặc đang phục vụ trong ngạch dự bị có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của Quân đội, nếu tự nguyện và Quân đội có nhu cầu thì được tuyển chọn chuyển sang phục vụ theo chế độ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định của pháp luật. Hạ sĩ quan có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy định hiện hành của Chính phủ. Hạ sĩ quan là một bộ phận góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều tấm gương Hạ sĩ quan tiêu biểu lập được chiến công xuất sắc như Cù Chính Lan, Triệu Tiến Xuân, Tô Vĩnh Diện,... đã lập nên những chiến công tiêu biểu của đơn vị và Quân đội.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
- Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019.