người tạo nên sự sống động tích cực trong các chuyến tham quan của du khách, HDVDL có rất nhiều vai trò và thông qua sự dẫn dắt của mình làm chuyến du lịch có ý nghĩa nhiều hơn với mỗi người tham dự.
Định nghĩa của Ủy ban tiêu chuẩn hóa Châu Âu (European Committee for Standardization) cho HDVDL như sau: "HDVDL là ngườidiễn giải các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên của một khu vực, hướng dẫn du khách bằng ngôn ngữ mà họ lựa chọn và thường sở hữu một văn bằng cụ thể được ban hành theo khu vực và/ hoặc được cơ quan có thẩm quyền công nhận". (Theo Tiêu chuẩn của Châu Âu về thuật ngữ chung khối điều hành và đại lý du lịch - EUROPEAN STANDARD EN13809:2003 Tourism services - Travel agencies and tour operators terminology).
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư về Du lịch và Giải trí trong môi trường biển (The Encyclopedia of Tourism and Recreation in Marine Environments), HDVDL là người dẫn đường cho khách du lịch và khách tham quan tại một thị trấn, bảo tàng hoặc khu du lịch khác hoặc hướng dẫn suốt hành trình được xác định trước. Tour du lịch có hướng dẫn trong đó du khách xác định hành trình của riêng mình và các dịch vụ hướng dẫn kèm theo. Đối với các kỳ nghỉ trọn gói, vai trò của một người hướng dẫn du lịch thường được nhà điều hành du lịch sắp xếp để thực hiện nhiệm vụ thuyết minh hướng dẫn kết hợp yêu cầu xử lý các nhiệm vụ mang tính kỹ thuật hoặc tổ chức trong tourkhác, chẳng hạn như đón khách tại các điểm đón khách (sân bay và khách sạn…) và chăm sóc khách sau khi họ đã đến điểm đến/ khu nghỉ mát và tham gia vào các chương trình tham quantại địa phương. Người hướng dẫn tham quan này thường được coi là đại diện của công ty trong chuyến tham quan.
Ở Châu Âu, HDVDL được đại diện bởi FEG - Liên đoàn các hiệp hội hướng dẫn du lịch châu Âu. Trình độ hướng dẫn du lịch đặc trưng cho từng quốc gia; trong một số trường hợp, trình độ theo tiêu chuẩn quốc gia, nhưng trong một số trường hợp khác, nó được chia thành các khu vực. Trong mọi trường hợp, nó được gắn vớichương trình giáo dục đạo đức và đào tạo của quốc gia đó. EN15565 là một tiêu chuẩn châu Âu cho việc đào tạo và trình độ chuyên môn của hướng dẫn du lịch.
Tại Úc, các HDVDL có đủ điều kiện để đạt được Chứng chỉ Hướng dẫn III tối thiểu. Họ phải thuộc về một vài tổ chức, đặc biệt là Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp của Úc [PTGAA] hoặc Hướng dẫn viên Úc [GOA].
Tại Nhật Bản, HDVDL được yêu cầu phải vượt qua kỳ thi chứng nhận của Ủy ban Cơ quan Du lịch Nhật Bản và đăng ký với các quận có liên quan. Các hướng dẫn viên không được cấp phép nếu bị phát hiện khi đang hoạt động hướng dẫn có thể bị phạt tới 500.000 Yên.
Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017:
HDVDL là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch.
Hướng dẫn du lịch là hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch sử dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch.
HDVDL bao gồm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
HDVDL xuất hiện từ bao giờ? Các nhà điều hành tour du lịch đã tiến hành kinh doanh du lịch đầu tiên ở Anh vào năm 1758, và ngày nay ngành du lịch đã trở thành một ngành kinh tế mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở châu Âu, du lịch bắt đầu được kinh doanh một cách nghiêm túc trong những năm 1840, khi Thomas Cook bắt đầu tiến hành các tour du lịch đến Paris và sau đó là khắp châu Âu. Đến những năm 1850, các tour du lịch đường sắt đã đi vào hoạt động. Các nhà điều hành tour du lịch hiện đại - các công ty đã tổ chức các tour du lịch theo nhóm và du lịch trọn gói độc lập từ giữa thế kỷ XIX, và rất có thể họ cũng làm đại lý bán vé cho các chuyến đi bằng tàu hơi nước và đường sắt. Ngoài việc bán hàng, các đại lý có nhiều sáng kiến để phát triển hành trình, gia tăng dịch vụ và đảm bảo an toàn cho khách hàng của họ. Trong số này doanh nghiệp có tổ chức bán các tour du lịch trọn gói theo kế hoạch cho các nhóm khách du lịch đã bắt đầu hình thành và phát triển. Nhu cầu cần có người đi cùng giám sát và đảm bảo an toàn cho khách trong chuyến đi bắt đầu trở nên cần thiết hơn.
Trên cơ sở phát triển của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, việc kinh doanh du lịch ngày càng trở nên dễ dàng hơn vì phương tiện vận chuyển hành khách thoải mái và giá cả phải chăng đi lại ít tốn kém. Sự ra đời của máy bay thương mại tầm xa hiện đại và sự phát triển của hệ thống đường cao tốc liên tiểu bang đều mở đường dài cho hàng triệu du khách hạng trung. Thêm vào đó sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ, tăng khả năng tiếp cận các sân bay và khả năng đi lại rẻ hơn, đã tạo cơ hội cho hàng triệu người trên khắp hành tinh được tiếp cận với các điểm đến mới lạ.
Các phương tiện truyền thông hỗ trợ việc tiếp cận với công chúng, điều này đã giúp tăng số lượng khách du lịch. Các chương trình truyền hình đã truyền cảm hứng cho những du khách ở hạng sang đến hạng thấp. Quảng bá du lịch qua phim ảnh, phổ biến trên xe buýt du lịch. Hàng triệu công ty lữ hành, hãng du lịch toàn cầu bán buôn và bán lẻ các tour du lịch bán thông qua các đại lý du lịch, hoặc bán trực tiếp trên internet. Trong thời đại của internet, du khách có thể dễ dàng tạo ra hành trình của riêng mình, các đơn vị khai thác du lịch vẫn cần tính tới các yếu tổ để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình và an toàn cho người tiêu dùng…Tất cả những yếu tố trên đặt nền móng cho sự phát triển một ngành du lịch chuyên nghiệp được chính thức hình thành. Theo đó, cần có một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng của các chương trình với khoảng cách xa hơn, đòi hỏi chất lượng nhiều hơn và cũng có nhu cầu khám phá, trải nghiệm tích cực hơn.
Ở Việt Nam, trên thực tế, đến nay, chưa có một tài liệu nào đề cập tới xuất xứ nghề hướng dẫn du lịch. Trong cuốn Cẩm nang du lịch Việt Nam của tác giả Nguyễn Bích San có giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Đắc Xuân phỏng vấn công chúa Lương Linh, con vua Thành Thái, em ruột vua Duy Tân, là người từng làm hướng dẫn viên du lịch tại cố đô Huế, người có thể được xem là HDVDL đầu tiên của Việt Nam. Như vậy, việc xác định thời điểm chính thức nghề hướng dẫn du lịch xuất hiện ở Việt Nam cũng chưa có căn cứ cụ thể. Nhưng do nhiều yếu tố tác động, hoàn cảnh và điều kiện lịch sử đất nước, đến nay du lịch mới có điều kiện phát triển và được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Theo con số thống kê, giai đoạn 1984-1985, toàn ngành du lịch Việt Nam chỉ có khoảng 150-200 HDVDL. Lúc bấy giờ, hàng năm chỉ đón khoảng 15-20 ngàn khách du lịch tới thăm. Đến nay, số lượng khách du lịch đến Việt Nam không ngừng tăng lên với sự đa dạng về thị trường khách, đội ngũ HDVDL ngày càng đông đảo với yêu cầu công việc cao hơn. Tính đến năm 2017, số hướng dẫn viên chuyên nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp thẻ là 21.303 người. Trong đó hướng dẫn viên đang hoạt động là 21.289 người. Việc quản lý hướng dẫn viên trên cả nước thông qua trang web: http://www.huongdanvien.vn.
Theo Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau:
(1) Có thẻ HDVDL;
(2) Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDVDL quốc tế và HDVDL nội địa;
(3) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với HDVDL tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Ngoài ra, họ phải đáp ứng một số yêu cầu cụ thể để được cấp, đổi thẻ hướng dẫn du lịch: đảm bảo các tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của HDVDL quốc tế, tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên quốc tế và hướng dẫn viên nội địa...
Ngày 03/11/2017, Hội HDVDL Việt Nam đã chính thức ra mắt, công bố quyết định thành lập Hội HDVDL Việt Nam, công bố Ban chấp hành của Hội và ban hành kế hoạch triển khai hoạt động cuối năm 2017 và năm 2018. Hội HDVDL Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Việc thành lập Hội HDVDL Việt Nam giúp giới thiệu việc làm, hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên cũng như giúp các cơ quan nhà nước quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên.
Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch
1. HDVDL có quyền sau đây:
a) Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch;
b) Nhận tiền lương và khoản thù lao khác theo hợp đồng;
c) Tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn du lịch;
d) Trong trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng, được quyền thay đổi chương trình du lịch, điều chỉnh tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch.
2. HDVDL có nghĩa vụ sau đây:
a) Hướng dẫn khách du lịch theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng hướng dẫn;
b) Tuân thủ, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật nơi đến du lịch, nội quy nơi đến tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;
c) Thông tin cho khách du lịch về chương trình du lịch, dịch vụ và các quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch;
d) Hướng dẫn khách du lịch theo đúng chương trình du lịch, có thái độ văn minh, tận tình và chu đáo với khách du lịch; báo cáo người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quyết định thay đổi chương trình du lịch trong trường hợp khách du lịch có yêu cầu;
đ) Có trách nhiệm hỗ trợ trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
e) Tham gia khóa cập nhật kiến thức theo quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;
g) Đeo thẻ HDVDL trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;
h) HDVDL quốc tế và HDVDL nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì HDVDL phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Theo Luật Du lịch năm 2017, việc phân loại hướng dẫn viên về cơ bản gồm: Hướng dẫn viên nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc); Hướng dẫn viên quốc tế (phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài) và HDVDL tại điểm (phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch). HDVDL tại điểm thực chất là lực lượng thuyết minh viên du lịch được xác định tên mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, để tránh trùng lắp với lực lượng thuyết minh viên bảo tàng, đồng thời thể hiện rõ được vai trò và bản chất công việc của người hành nghề hướng dẫn du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch.
Trong xã hội, quan niệm về nghề HDVDL cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Vào những năm trước đây, người ta cho rằng chỉ cần biết ngoại ngữ là có thể làm nghề HDVDL. Nghề này được xem giống như phiên dịch ngoại ngữ. Hoặc có quan niệm cho rằng hướng dẫn viên du lịch cũng giống như một cán bộ ngoại giao vì thường xuyên làm việc với người nước ngoài. Tiêu chí lựa chọn hướng dẫn viên chủ yếu phụ thuộc vào ngoại hình và ngôn ngữ mà họ có thể sử dụng.
Tuy vậy, với sự thay đổi nhanh chóng trong ngành du lịch hiện nay nghề hướng dẫn du lịch cũng có một số chuẩn mực nhất định vì đây là một công việc phức tạp và quan trọng, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng và nghiệp vụ khi tác nghiệp.
Hướng dẫn viên là người tiếp xúc trực tiếp và xây dựng nền móng cho mối quan hệ từ các nguồn khách hàng khác nhau để lôi cuốn khách mua tour và luôn có nhu cầu được mua dịch vụ hướng dẫn từ một tổ chức kinh doanh du lịch cụ thể. Họ vừa là người bạn để chia sẻ đồng thời là người có khả năng lan tỏa những tình cảm tích cực cho cộng đồng và khách du lịch. Trên cơ sở đó họ cũng góp phần ngăn ngừa các hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của du khách, bảo vệ môi trường ở những nơi mà họ đang tác nghiệp.
HDVDL là người bạn đồng hành của du khách trong suốt chuyến tham quan, từ khi du khách đặt chân tới điểm đến cho tới lúc họ quay trở lại nhà, trong các hoạt động ăn uống, nghỉ dưỡng cho đến các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm,…khi du khách đặt chân đến những nơi xa lạ lần đầu tiên. Họ chính là người giữ vị trí trung tâm trong việc xây dựng lòng tin đối với du khách.
Trường hợp xảy ra những tình huống bất thường trong quá trình tham quan làm ảnh hưởng đến chất lượng của chuyến đi của du khách thì hướng dẫn viên là người đại diện, là người đầu tiên đứng ra giải quyết, dàn xếp ban đầu để du khách an tâm tiếp túc cuộc hành trình của mình. Điều này chứng tỏ hướng dẫn viên cũng đóng vai trò quan trọng việc xử lý để bảo vệ du khách bên cạnh các cơ quan chức năng.
Một trong những vai trò cơ bản của hướng dẫn viên đó là truyền tải thông tin, quảng bá về du lịch quốc gia, quảng bá cho doanh nghiệp, cho địa phương. Bên cạnh đó, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp họ sẽ nắm bắt được rõ ràng thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch.
Hướng dẫn viên có thể đưa ra các tour du lịch thông thường với phương tiện chủ yếu là ô tô. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu của khách du lịch họ có thể hướng dẫn theo các tour du lịch chuyên đề có thể đi bộ, đi xe buýt, hoặc thậm chí dẫn khách du lịch trên sông bằng thuyền. Hiện nay các công ty du lịch có xu hướng sử dụng hướng dẫn viên là người dân địa phương để đảm bảo yếu tố khác biệt và chân thực trong quá trình trải nghiệm của du khách.
Nhiệm vụ của hướng dẫn viên phụ thuộc vào địa điểm và người sử dụng lao động của họ. Ba lĩnh vực chuyên môn chính trong ngành hướng dẫn là hướng dẫn du lịch lịch sử, hướng dẫn du lịch theo chuyên đề, hướng dẫn du lịch tại các khu thiên nhiên hoặc khu du lịch sinh thái.
Hướng dẫn viên lịch sử hướng dẫn các nhóm du khách đến các di tích quốc gia, các di tích lịch sử, các di tích tôn giáo, khảo cổ và các viện bảo tàng…Những hướng dẫn viên này rất thông thạo về lịch sử của địa điểm đến và các di tích đặc biệt. Họ cung cấp cho du khách thông tin về các giá trị bao gồm lịch sử và hiệu quả của nó đối với xã hội hiện đại. Ngoài ra, họ trả lời các câu hỏi của du khách và duy trì chuyến tham quan được tổ chức một cách hiệu quả và an toàn.
Hướng dẫn viên du lịch theo chuyên đề là những người thường có chuyên môn sâu về một lĩnh vực cụ thể hoặc họ được đào tạo theo chuyên đề của các khu tham quan chuyên đề như công viên giải trí, công viên chuyên đề, các vườn thú, động vật hoang dã, công viên safari, hoặc nơi lưu giữ động vật.
Các HDVDL tại các khu vực tự nhiên dẫn các nhóm đến các điểm tham quan tự nhiên, công viên quốc gia và các địa điểm ngoài trời khác nơi mà các hoạt động thú vị và cảnh quan đẹp mắt là trọng tâm của chuyến đi. Những hướng dẫn viên du lịchnày là những chuyên gia về khoa học tự nhiên và có khả năng thu hút du khách với kiến thức về sinh học, địa chất, và lịch sử của địa điểm. Một loại hình du lịchngày càng phổ biến hiện naylà du lịch sinh thái. Mục tiêu của hướng dẫn viên du lịchsinh thái là hướng dẫn một nhóm nhỏ các cá nhân đến một khu vực thiênnhiên được bảo vệ nhưng cảnh quan tự nhiên trong khi đó có ít hoặc không có tác động đến môi trường. Du khách cần được cung cấp thông tin chi tiết về tác động môi trường do hành động của con người gây ra và biết cách tôn trọng môi trường sống tự nhiên trong quá trình tham gia vào chuyến tham quan, du lịch.
Trách nhiệm chính của HDVDL là đảm bảo tour diễn ra an toàn nhất cho cả đoàn khách du lịch, giám sát các hoạt động của nhóm để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về an toàn của địa điểm đến. Trong một số trường hợp, họ phải cung cấp dịch vụ sơ cứu hoặc cấp cứu ban đầu cho khách tham quan. HDVDL chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành trình phù hợp. Họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước chuyến đi, chuẩn bị và tổ chức cho từng bước của quy trình, từ đón tiễn du khách, sắp xếp phương tiện giao thông giữa các địa điểm, quản lý hành lý, cung cấp thông tin, tổ chức hoạt động, giới thiệu quảng bá về những đặc trưng vùng miền,…
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Du lịch Việt Nam năm 2017, NXB Lao động, 2017
2. Michael Luck, The Encyclopedia of Tourism and Recreation in Marine Environments, CAB International, 2008.
3. Vũ Thế Bình, Non nước Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2016.