Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hình luật Trung Quốc cổ đại

Hình luật Trung Quốc cổ đại những quy định của pháp luật Trung Quốc thời cổ đại về phạm tội và hình phạt, cg. hình pháp.

Trung Quốc thời cổ đại dùng nhiều khái niệm khác nhau như như hình, pháp, luật, lệnh, điển...Trong đó, “hình” là cách gọi thông dụng từ thời Hạ, Thương, Tây Chu và Xuân Thu, có nội hàm tương đồng với “pháp”, cơ bản để chỉ “hình luật”, không đơn thuần chỉ hình phạt. Về sau, “hình” còn được coi như “luật” hay “pháp” và được mở rộng nội hàm thành “hình luật” hay “hình pháp” để chỉ các hình thức phạm tội và hệ thống các hình phạt tương ứng.

Dưới thời Hạ, Trung Quốc chưa có pháp luật thành văn. Việc quản lí đất nước chủ yếu dựa theo tập quán pháp.

Thời Thương: hình luật chủ yếu tồn tại dưới hình thức là mệnh lệnh, chiếu chỉ của nhà vua.

Thời Tây Chu: khái niệm hình luật dùng để trừng trị những cái mà “lễ” không cho phép.

Sang thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nhiều hệ phái tư tưởng xuất hiện như Nho gia, Pháp gia, Mặc gia, Đạo gia...nhưng không cái nào có thể giúp quân vương thống nhất được Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Pháp trị của Pháp gia, đặc biệt là tư tưởng của Hàn Phi đã được Tần Thủy Hoàng sử dụng có hiệu quả trong việc thống nhất đất nước và có vai trò nhất định trong việc trị nước trong những năm sau đó. Năm 359 TCN, Thương Ưởng đổi pháp làm luật, chế định ra Tần luật gồm 6 phần.

Thời Hán, Thừa tướng Tiêu Hà dựa trên Tần luật đã soạn thành Cửu chương luật, chế định hệ thống hình pháp thống nhất.

Dưới thời Tam quốc, Lưỡng Tấn, Lục Triều, các triều đại đều biên soạn các bộ pháp điển cho riêng mình. Triều đình Bắc Ngụy đã có sự điều chỉnh hệ thống pháp luật với việc soạn định Ngụy luật gồm 18 phần và đổi các điều luật cụ thể làm danh hình, quy phạm hóa ngũ hình vốn đã có từ thời tiên Tần gồm: Mặc (thích chữ vào mặt rồi bôi mực lên), tị (cắt mũi), phí (chặt chân), cung (cắt bộ phận sinh dục với nam và tống giam trong ngục tối với nữ), đại tịch (xử tu). Đây cũng là thời kỳ đặt ra chế độ bát nghị với những quy định về đặc quyền trong thẩm xét hình án đối với 8 nhóm người quyền quý (gồm cả quý tộc, quan liệu, địa chủ...). Về sau, trong Bắc Tề luật của nước Tề đã lần đầu tiên soạn “trong tội thập điều” (còn gọi là tội thập ác).

Đến thời Tùy - Đường, năm mức hình phạt mới đã được quy định để thay thế cho các ngũ hình thời tiên Tần gồm: xu (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (bắt làm việc khổ sai), lưu (bắt đi đày) và tử (xử tội chết).

Chế độ pháp điển đời Đường bao gồm 4 phần luật, lệnh, cách, thức, trong đó luật chiếm vị trí hàng đầu, luật tức là hình pháp điển, là dùng để định tội. Dưới thời Đường, luật pháp ngày càng hoàn thiện từ Đường luật đến Đường luật sớ nghị. Trong đó, Đường luật sớ nghị - bộ luật có giá trị nhất của đời Đường đã có những quy định cụ thể những hành vị cấu thành tội phạm đối chiếu với hình phạt trong các điều khoản. Đường luật sớ nghị đã quy định chi tiết hơn về ngũ hình và thập ác. Ví dụ: thập ác được liệt kê bao gồm các tội mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất lý, bất mục, bất nghĩa, nội loạn. Người phạm phải thập ác đều bị trọng hình, không được chuộc bằng tiền, không được hưởng quyền ưu đãi.

Luật pháp thời Đường đã quy định một số nguyên tắc trong việc nhận định tính chất tội phạm và xác định mức hình phạt; việc phân chia công tội và tư tội, việc miễn giảm hình phạt, nguyên tắc luận tội, quy định tình tiết tăng nặng...Những quy định này chứng tỏ chế độ pháp luật đời Đường tương đối hoàn chỉnh và chi tiết. Đây là lí do các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh về sau cơ bản đều có sự kế thừa Đường luật.

Dưới thời Minh, Đại Minh luật (tên gọi đầy đủ là Đại Minh luật tập giải phụ lệ) là bộ pháp điển quan trọng được ban hành dưới thời Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương). Bộ luật này gồm 30 quyển, phân thành Danh lệ 01 quyển, Lại luật 02 quyển, Hộ luật 7 quyển, Lễ luật 02 quyển, Binh luật 05 quyển, Hình luật 11 quyển và Công luật 02 quyển, tổng cộng có 460 điều. Không chỉ tỏng phần Hình luật, các quyển khác trong Đại Minh luật đều có những quy định chi tiết về chế tài xử phạt các hành vi phạm tội. Tất nhiên, Đại Minh luật dẫu hoàn chỉnh đến đâu cũng không cụ thể hóa chế tài cho tất cả các hành vi phạm tội trên thực tế. Do đó, nhà Minh cũng đã ban hành những điều lệ để bổ sung và hoàn thiện cho luật gọi là Vấn hình điều lệ.

Đến thời Thanh, bộ Đại Thanh luật lệ ra đời là kết quả của một quá trình lập pháp lâu dài trong gần một trăm năm (1644 – 1740) của vương đại. Đại Thanh luật lệ chia thành các phần: Danh lệ luật (quy định về những nguyên tắc tổng quát về tội phạm và hình thức trừng phạt), Lại luật, Hộ luật, Lễ luật, Binh luật, Hình luật, Công luật. Tổng cộng điều luật chính là 436 điều, điều lệ có 1765 điều. Đại Thanh luật lệ lấy những điều luật thành văn là phần chính bộ luật, các điều lệ là phần bổ sung và làm sáng rõ hơn các điều luật.

Sự gia tăng một số lượng lớn các điều lệ phản ánh những nỗ lực của những người cầm quyền nhà Thanh trong tiến trình lập pháp. Những điều lệ ra đời nhằm đáp ứng và thích nghi với những đòi hỏi mới của tình hình xã hội thời Thanh trong tiến trình hoàn thiện hệ thống khung hình phạt gắn với đối tượng phạm tội cụ thể. Sự phát triển của hệ thống HLTQCĐ đã trở thành khuân mẫu và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng pháp luật của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Tất nhiên, các quốc gia này khi tiếp thu luật pháp các thời Đường, Tống, Minh, Thanh...đều có sự vận dụng sáng tạo nhất định để phù hợp với điều kiện đặc thù của nước mình.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Thanh Bình, Nguyễn Thị Thu Thủy, “Về bộ “Đại Thanh luật lệ” và những đặc trưng cơ bản của nó”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 09.
  2. Jiang Yonglin, The Great Ming Code, University of Washington Express, Seattle, 1969 (Jiang Yonglin, Đại Minh luật, Nxb. Đại học Washington, Seattle, 1969).
  3. 西田太郎:《中国刑法史研究》,段秋关译,北京大学出版社,北京,1985年版 (Taro Nishida, Nghiên cứu lịch sử hình pháp Trung Quốc, Đoàn Thu Quan dịch, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1985).
  4. 徐寒主编《中国历史百科全书》,卷8 《典章制度卷》,吉林大学出版社,吉林,2004年版 (Từ Hàn chủ biên, Bách khoa toàn thư Lịch sử Trung Quốc, quyển thứ 8 “Chế độ điển chương”, Nxb. Đại học Cát Lâm, Cát Lâm, 2004).
  5. 徐成宝,《中国古代刑法解释相关问题探究》,《湖北警官学院学报》,2011年第4期 (Từ Thành Bảo, “Nghiên cứu vấn đề liên quan đến việc dịch thuật hình pháp của Trung Quốc cổ đại”, Học báo học viện Cảnh sát Hồ Bắc, số 4/2011).