Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hát xẩm
Những người hát xẩm ở Hải Phòng thời thuộc Pháp.

Hát xẩm là một thể loại ca nhạc chuyên nghiệp hình thành từ quá trình hành nghề ca hát của người khiếm thị vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Những người khiếm thị sống bằng nghề ca hát, dân gian gọi đơn giản là “xẩm”, đã tiếp thu nhiều làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, dựa vào đó kiến tạo lại sao cho hấp dẫn và thực hành biểu diễn liên tục. Qua quá trình hành nghề hát, các khuôn mẫu làn điệu dân ca dần dần mang phong cách riêng của xẩm, trở thành một thể loại ca hát được dân gian gọi là hát xẩm.

“Xẩm” không đồng nghĩa với “mù”. Cách gọi “xẩm” để chỉ những người khiếm thị sống bằng nghề ca hát, phân biệt với những người khiếm thị khác, dân gian vẫn gọi là “người mù”. Xẩm là những người khiếm thị giàu lòng tự trọng và nghị lực sống, khát khao khẳng định giá trị bản thân bình đẳng với người bình thường. Họ là người khuyết tật, thiếu thị giác, cuộc sống bị phủ trong bóng tối, không thể làm nghề nông hay buôn bán, mọi giao tiếp với đời sống nhờ vào đôi tai, cái miệng và đôi tay. Để tồn tại, tai của họ thính nhạy hơn người thường; miệng nói của họ khiêm nhường, khéo léo hơn người thường; tay của họ mềm mại và nhạy cảm hơn người thường. Với những điều kiện trời cho đó, lấy ca hát làm nghề sinh nhai là một sự lựa chọn thông minh. Trong bối cảnh xã hội thời xưa, không đâu khác, nơi xẩm tìm đến hành nghề, là chợ quê và lễ hội làng. Ở đó, xẩm chọn một chỗ hát sao cho không vướng víu người qua lại mà vẫn rất gần đám đông. Ngoài giọng hát, đồ nghề xẩm còn có trống mảnh, phách, đàn bầu (hoặc nhị), một chiếc chiếu để ngồi và một cái chậu đồng để đựng tiền “thưởng” của người nghe hát. Xưa kia dùng tiền chinh, tiền xu, xẩm có thể nghe tiếng xu rơi vào chậu mà xác định thu nhập. Khi nào và ở đâu mà tiếng xu trở nên thưa thớt, xẩm sẽ di chuyển đến chỗ khác. Mỗi khi di chuyển đến vùng nào mới, xẩm vừa hành nghề vừa dành thời gian chú ý nghe dân ca vùng đó, nhập tâm và chuyển hóa rất nhanh để bổ sung vào vốn liếng nghề nghiệp của mình. Cứ như vậy, xẩm đã tạo dựng được cả một hệ thống làn điệu mang đặc trưng phong cách riêng có của họ.

Không rõ nghề hát xẩm và hệ thống làn điệu của thể loại hát xẩm hình thành từ thời điểm nào trong lịch sử. Theo truyền thuyết về tổ nghề (được lưu truyền trong những dịp Giỗ tổ nghề vào ngày 22/3 âm lịch hàng năm) thì nghề hát xẩm do một vị hoàng tử thời nhà Trần khai mở và truyền dạy cho những người khiếm thị. Theo một tư liệu của người Pháp thì hát xẩm được ghi nhận có mặt ở Huế vào năm 1892. Qua xuất xứ và nội dung của một số bài thơ, trong đó có bài thơ được xẩm hát theo điệu xẩm chợ (nổi tiếng tới tận thời nay), có thể đoán định nghề hát xẩm rất phổ biến và phát đạt vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế ỷ XX ở miền Bắc. Đó là bài thơ “Mục hạ vô nhân” của tác giả Nguyễn Khuyến (1835-1909) viết dành riêng cho xẩm: “Cái sênh cái trống cái đàn ai mang; Ai ơi thương kẻ dở dang; Miệng ca tay gảy khúc đàn tương tư”... lời thơ này mô tả chính xác về xẩm với những đồ nghề, nhạc cụ bất ly thân của họ, thậm chí còn cho thấy “cái đàn” trong đó là đàn bầu, không thể là loại nhạc cụ nào khác. Theo lời kể của bà Hà Thị Cầu trong phim tư liệu “Xẩm đỏ” sản xuất năm 2011 của tác giả Lương Đình Dũng, thì đầu thế kỷ XX xẩm đã có mặt, hành nghề ở Nam Bộ.

Với hệ thống các làn điệu mang phong cách riêng và kỹ năng biểu diễn được trau chuốt thường xuyên, xẩm có thể hát bất cứ loại thơ nào, hát về bất cứ vấn đề gì theo yêu cầu của người nghe. Xẩm thường dùng 8 làn điệu chính là Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bực, Phồn huê, Hò bồn mùa, Hát ai và Thập ân; tùy từng thể thơ và bối cảnh hát thơ mà vận dụng. Bởi thế, rất tự nhiên và thời sự, xẩm tham gia vào đời sống tinh thần xã hội ở bất cứ đâu, bất cứ giai đoạn lịch sử nào mà họ góp mặt. Từ hát kể Truyện Kiều đến hát chê trách thói hư tật xấu của người đời; từ hát kể tội người Pháp, kêu gọi chống Pháp, ca ngợi Đề Thám, ca ngợi Việt Minh, đến vận động tham gia bình dân học vụ (1945-1950), tham gia vận động chống di cư vào Nam (1954-1955)...

Phương thức kiếm tiền của xẩm khiến những người không hiểu cho rằng xẩm là ăn mày. Hoạt động hành nghề hát xẩm chấm dứt năm 1969, khi Nhà nước thành lập Hội Người mù Việt Nam, hợp nhất xẩm, người mù và thương binh hỏng mắt vào đó, dạy họ học chữ nổi và hướng cho họ một số nghề khác được cho là phù hợp, như mát xa tầm quất bấm huyệt chẳng hạn.

Nghề hát xẩm không còn nhưng nghệ thuật hát xẩm, thể loại hát xẩm vẫn tồn tại, được lưu giữ bởi những người mắt sáng từng theo xẩm, cùng hành nghề hát xẩm. Năm 1982, có một tiết mục hát xẩm xuất hiện trên sân khấu văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 tại thủ đô Hà Nội đã gây dấu ấn mạnh mẽ đối với các đại biểu và người dân cả nước. Người biểu diễn là bà Hà Thị Cầu, vợ của một trùm xẩm ở Ninh Bình.

Từ những năm đầu của thế kỷ XXI đến nay, nhiều nhóm xẩm (chiếu xẩm) ở Hà Nội và một số tỉnh thành ở miền Bắc được thành lập, như Chiếu xẩm Đồng Xuân, Chiếu xẩm Hà Thành (Hà Nội), Chiếu xẩm Hải Phòng hay mới đây nhất là Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình). Bên cạnh đó, ngày giỗ tổ nghề hát xẩm được khôi phục và duy trì hàng năm. Không chỉ biểu diễn các làn điệu, bài bản cổ truyền, trong hoạt động của mình, một số nhóm xẩm vẫn tiếp nối truyền thống sáng tạo, truyền thống tham gia vào tình hình thời sự của đất nước. Xẩm hát chống tham nhũng trong đợt phát động chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam; xẩm hát chống dịch Covid, động viên mọi người cũng chung tay chống Covid khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam.

Tất cả các hoạt động khôi phục, truyền dạy và biểu diễn hát xẩm đều do người sáng mắt tổ chức và thực hiện, với mong muốn khôi phục, bảo tồn và quảng bá nghệ thuật hát xẩm, ghi nhận và phát huy những giá trị của hát xẩm, một thể loại ca nhạc dân tộc truyền thống trong đời sống đương đại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
  2. Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
  3. Bùi Trọng Hiền, “Ngày xuân tản mạn đôi điều về hát Xẩm”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 1997, số 2, tr. 78-79.
  4. Phạm Phúc Minh, Cây đàn bầu – những âm thanh kỳ diệu, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 1999
  5. Trần Việt Ngữ, Hát Xẩm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
  6. Paul Doumer (1905), Xứ Đông Dương (Hồi ký), Nhóm dịch giả Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy, Nxb Thế giới, 2016.
  7. Kiều Trung Sơn, Hát xẩm: di sản âm nhạc và thích ứng văn hóa, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2020.