Mục từ này cần được bình duyệt
Hát ru

một loại hình dân ca đã có tự lâu đời, phổ biến ở nhiều vùng, nhiều tộc người trên khắp mọi miền đất nước; được diễn xướng bằng ngôn ngữ riêng của mỗi tộc người và được sử dụng với mục đích chính là đưa em bé vào giấc ngủ. Nói một cách đơn giản, HR chính là những bài hát để “dụ” cho đứa trẻ ngủ. Ở mỗi tộc người, điệu hát này có một tên gọi riêng: hát ru con, hát ru em (Việt); ú lục non (Thái), ru ún (Mường), ứ nọng nòn, vén eng, vén nọng nèn (Tày, Nùng); khổng mí nhủa, lù tra mí nhủa (H’Mông); gu nư, gu anứh (Chăm); bompê kôn, bompê chao (Khmer); niêng kôon (Xtiêng); um con (Ba Na); ping điêng con (Châu Ro); yài kòn, nao nờh kòn (Châu Mạ)…

Thể loại HR hình thành từ rất sớm, được lưu truyền một cách mạnh mẽ và bền lâu từ thế hệ này sang thế hệ khác, phân bổ rộng khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, là tài sản dân ca mà dân tộc nào cũng có. Các công trình khảo cứu phong tục sớm nhất ở nước ta đều ghi chép về lối hát theo tập quán truyền thống này. Cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính liệt kê HR cùng các điệu ca khúc lục bát khác như hát xẩm, hát trống quân, hát quan họ, hát đò đưa ở mục “Văn chương”, cuốn Nếp cũ của Toan Ánh liệt kê các điệu hát trong lúc làm việc để con người đỡ mệt như hát đò đưa, hò tát nước, hò kéo gỗ..., hoặc có tác dụng hẳn với việc làm như hát ru em ở mục “Các giọng ca hát bình dân”.

HR rất đa dạng, có thể được phân loại theo vùng miền: hát ru Bắc Bộ, hát ru Trung Bộ, hát ru Nam Bộ; theo tộc người: hát ru người Việt, hát ru người Thái, hát ru người Mường…; theo thể thức làn điệu: hát ru – nói ngâm, hát ru – ca xướng; hò ru…; theo đối tượng: hát ru con, hát ru cháu, hát ru em; theo môi trường diễn xướng: HR trong sinh hoạt thế tục, HR trong sinh hoạt nghi lễ…

Môi trường HR trước hết và chủ yếu là ở trong không gian sinh hoạt gia đình, mẹ HR con, bà HR cháu, chị HR em để dỗ dành trẻ nhỏ vào giấc ngủ, bên chiếc nôi đưa hoặc cánh võng. Cũng có khi tiếng HR được cất lên trong môi trường lao động khi người mẹ địu theo đứa con thơ lên nương, vào rẫy, khi kiếm củi, hái rau... Lại cũng có trường hợp, người ta HR trong môi trường nghi lễ, tín ngưỡng, chẳng hạn trong một lễ nhập cữ của người H’mông, bên cạnh những kỷ vật như kiềng cổ bạc, khối sắt của ông cậu, chiếc mũ của bà ngoại…, đứa trẻ mới sinh còn được bà cúng mụ trao truyền cho tiếng HR, sau những lời cầu khấn tổ tiên và lực lượng siêu nhiên phù hộ đứa trẻ khỏe mạnh. Người Thái cũng có một điệu thức HR gọi là Quám há phú sáư kamon (lời hà hơi vào thóp) chỉ dành để HR cho đứa trẻ mới sinh còn chưa liền thóp; người mẹ sẽ vừa HR vừa hà hơi vào thóp đứa bé như một nghi thức ma thuật cầu mong đứa trẻ mạnh khỏe, lớn nhanh.

Cấu trúc chung của một điệu HR luôn là hai thành tố: “tiếng đưa hơi” và “câu ru, lời ru”. Tiếng đưa hơi thường là các tiếng À ơi, Ù ơ, Ầu ơ, Bống bông, Hời hời, Ru hời, ụt ới ụt ơi… được gọi chung là “âm điệu cơ bản” của thể loại ru, vì nó khá giống nhau giữa các dân tộc. Có quan điểm cho rằng, những từ này chính là sự cách điệu hóa tiếng khóc của đứa trẻ. Đứa trẻ thường có hai kiểu khóc chính. Khi bị xúc động mạnh như sợ hãi, đau đớn, giận hờn thì khóc “oa oa” hay “oe oe”, đó là tiếng khóc biểu cảm. Còn trong trường hợp đói ăn, buồn ngủ thì nó khóc “u ơ”, đó là tiếng khóc tín hiệu. “U ơ” tùy theo phương ngữ trở thành à ơi, ù ơ, ầu ơ… Phần câu ru, lời ru thì đa dạng, phong phú, không giống nhau giữa các dân tộc, nhưng có điểm chung là được lấy phần lớn từ các lời thơ dân gian rồi thêm những tiếng đệm, tiếng láy và tiếng đưa hơi vào, được hát lên theo một tiết tấu đều đặn, nhịp nhàng, có chu kỳ lặp lại để dễ dàng đưa đứa trẻ vào giấc ngủ.

Công dụng quan trọng nhất của những bài HR là trợ giúp giấc ngủ của đứa trẻ. Một khi đứa trẻ còn chưa ngủ thì người ru sẽ hát mãi, chắp nối các câu hát khác nhau vào mà hát cho đến khi đứa trẻ ngủ rồi mới thôi. Bên cạnh đó, những bài HR cũng thực hiện nhiệm vụ chuyển tải thông tin một cách độc đáo. Người HR có thể đưa vào bài hát những lời dạy dỗ đứa trẻ các kiến thức sơ đẳng về cuộc sống (“Con mèo, con chó có lông/ Đòn gánh có mấu, nồi đồng có quai”) hoặc thể hiện tình yêu thương con vô bờ bến và đức hy sinh thầm lặng của người mẹ (“Nuôi con chẳng quản chi thân/ Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn”), hay thổ lộ những tâm sự thầm kín như nỗi nhớ chồng đang ở xa, nỗi than phiền những cơ cực của đời sống, ca ngợi đạo lý gia đình…Những nội dung và các hình ảnh cụ thể được sử dụng để thể hiện trạng thái tình cảm này, ở mức độ nào đó mang sắc thái đặc trưng của từng dân tộc, qua đó mà có thể thấy những nét cơ bản nhất trong tâm hồn, cảm xúc, tiếng nói của mỗi dân tộc. HR là một sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa có giá trị ích dụng vừa có giá trị tinh thần.

HR người Việt từ chiếc nôi sông Hồng (hát ru đồng bằng Bắc Bộ, hát ru trung du Bắc Bộ) chạy theo dòng chảy dọc miền duyên hải Trung Bộ, tạo nên ba gam màu mang sắc riêng của ba vùng: Thanh – Nghệ - Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh); Bình – Trị - Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế); Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…). Bên cạnh những đặc điểm phổ quát, mỗi vùng miền lại có những nét riêng biệt về lời ca, thang âm, thể điệu. Ví dụ, ở Bình – Trị - Thiên gọi HR là hò ru, do thường lấy những tiếng xô của hò thay cho tiếng ru (“là dô dô hậy y hậy dô”); kết cấu một lời ru tương ứng với hai câu lục bát, đệm những tiếng “bồng bồng”, mang sắc thái nhịp nhàng, đều đặn. Hát ru Nam Trung Bộ thường có cấu trúc hai đoạn. Đoạn I có nhịp điệu chậm rãi, sắc thái tha thiết dịu dàng, tạo một giai điệu ngọt ngào, dễ buồn ngủ (“à ơi, chiều chiều lại nhớ chiều chiều…”; “à ơi, khăn điều vắt vai”…); đoạn II ứng dụng thang 4 âm dạng IV, V (một thang âm đặc thù, để lại dấu ấn rõ nét trong một số làn điệu dân ca Nam Trung Bộ như Lý cô ba, Lý hoa thơm, Lý thương nhau, Hò khoan, Vè Quảng…), giai điệu gần như thể hát nói (“áo vắt vai quần hai ống ướt, chữ nghĩa lần nào lấn lướt vô thi”…).

Những bài HR của các dân tộc thiểu số sống rải rác ở hầu khắp các tỉnh thượng du và trung du Bắc Bộ mang nhiều sắc thái, dáng vẻ phong phú và đa dạng. Do quá trình cộng cư và sinh sống ổn định từ lâu đời, HR vùng này có thể nhận diện qua các nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường; Tày – Thái; H’mông – Dao; Tạng – Miến. Đặc điểm chung dễ nhận thấy là những bài HR hầu như có những nét dạo đầu, biểu hiện nhiều tiếng ru độc đáo, như bài Ru em (Mường, Hòa Bình) với “Bồng bống bang bồng bống bống ru hời”; bài Ru con (Tày) với “Ú ù la hây! Tẩy tì u u!”; Ru con ngủ (Thái) với “U ú lả ú u u, non ú lả non ơi”; HR (Dao Đỏ) với “Ẩy u ẩy an ù ẩy an” hay “ư ư ư u ơi u ơi”… Đối với các dân tộc này, điệu HR bắt đầu bằng nguyên âm “Ứ”, vừa là tên gọi của chiếc nôi (ăn ứ: chiếc nôi), vừa là động từ có nghĩa là “ru”.

Lấy ví dụ cấu trúc một bài HR Mường (Thanh Hóa) thường có ba phần: Mở - Giữa – Đóng. Mở đầu bài ru thường là: “lếu lếu lêu làng lốc, cố trôốc con ùn tảy ti, rú ru là rày rày, à í ôi à í ơi”; đoạn giữa là nội dung chính bài ru muốn đề cập; kết thúc bài ru thường là: “úch ò mế ới ơi.. ” hay “là ụt ới là ụt ơi”. Ở đoạn nội dung, người hát có thể sử dụng bất cứ câu thơ, chùm thơ hay cả một bài thơ, một trích đoạn truyện thơ có sẵn làm lời hát, với nhiều chủ đề khác nhau: từ kể lại một tích truyện cổ (hát ru kể truyện thơ Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Nàng Nga – Hai Mối…) đến ca ngợi cảnh đẹp tự nhiên, hay bày tỏ tâm tư tình cảm của con người. Hai thể thức hát chính là hát ngâm (ngâm thơ tự do hoặc lục bát) và hát nói (lời có vần điệu, lời đồng dao…).

Những bài HR của các dân tộc cư ngụ dọc theo dãy Trường Sơn cũng hết sức đa dạng, có giai điệu chung là mềm mại, bình ổn, tốc độ chậm rãi. Khúc thông thường gồm hai câu nhạc ứng với hai lời ca. Một số bài có lời mở đầu và kết thúc biểu thị tiếng ru, tiếng dỗ dành, tiếng nựng con…, như bài Ru con (Cơ Tu) với “mẹ ru con ngoan ơi ơi ơi hời”; Ru con (Xơ Đăng) với “con ơi, con nín đi con”…

Trong bối cảnh của đời sống hiện đại, HR không chỉ được coi là một lối hát dân ca trong sinh hoạt gia đình mà còn được xem như một loại hình nghệ thuật biểu diễn. Liên hoan Hát ru lần đầu tiên do Viện Nghiên cứu Âm nhạc và Múa cùng với Sở Văn hóa thông tin, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu năm 1989. Từ đó đến nay, các cuộc liên hoan HR, hội diễn HR diễn ra thường xuyên. Việc thu băng cassette các điệu HR do Sài Gòn Audio thực hiện nhanh chóng thu hút sự chú ý, số lượng băng đĩa HR xuất hiện ngày càng nhiều. Trong các gia đình trẻ hiện đại, người ta bắt đầu mở các băng đĩa này để ru đứa trẻ ngủ bên chiếc nôi điện. Bên cạnh đó, những điệu HR dân gian cũng truyền cảm hứng cho các sáng tác hiện đại. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sưu tầm nhiều lời ru cũ, đặt lời mới như nhà thơ Lê Giang, Lệ Vân, Ngọc Sương,... Lối kết hợp làn điệu HR các miền vào lĩnh vực sáng tác âm nhạc, đặc biệt ở lĩnh vực ca khúc với một số tác phẩm điển hình và khá nổi tiếng (Mẹ yêu con – Nguyễn Văn Tý; Hát ru – Tô Vũ; Lời ru trên nương – Nguyễn Khoa Điềm…), thậm chí có một số kiểu HR kết hợp cả phong cách nhạc nhẹ từ nhạc Estrade đến nhạc Rock... ở Liên hoan Hát ru toàn quốc năm 1992 cũng mang đến những sắc thái đa dạng, phong phú cho loại hình âm nhạc dân gian này.

Trong ý nghĩa văn học, HR trở thành biểu tượng cho truyền thống, quê hương, và tấm lòng người mẹ: “Mai rồi con lớn khôn/ Trên đường xa nắng gắt/ Lời ru là bóng mát/ Lúc con lên núi thẳm/ Lời ru cũng gập ghềnh/ Khi con ra biển rộng/ Lời ru thành mênh mông” (Xuân Quỳnh); hay “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru…” (Nguyễn Duy). Lời HR trở thành nguồn nuôi dưỡng và hình thành nên tâm hồn, tính cách con người; là điểm tựa tinh thần mỗi khi con người nhớ về ấu thơ và nơi chôn nhau cắt rốn.

Tài liệu tham khảo:

Lê Giang, Lê Anh Trung, Những bài hát ru, Nxb. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1991.

Trần Hữu Sơn, Văn hóa H’Mông, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1996.

Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2005.

Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Hát ru Việt Nam, Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2005.

Lê Vân, Hát ru ba miền, Nxb. Phụ Nữ, Hà Nội, 2006.

Toan Ánh, Nếp cũ, Nxb. Trẻ, Hà Nội, 2011.

Hoàng Minh Tường (sưu tầm, tuyển chọn), Hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2016.