Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hát kể sử thi

Hát kể sử thi là diễn xướng tác phẩm sử thi bằng lời kèm giai điệu. Hát kể là cách diễn xướng sử thi phổ biến trên toàn thế giới, gắn với sử thi ngay từ buổi đầu nó xuất hiện. Lý do là, với những tác phẩm nói về những nhân vật vĩ đại trong buổi bình minh của lịch sử, người ta thường thấy rằng chỉ kể thôi là chưa được mà còn cần phải cất lên tiếng hát mới đủ sự tôn vinh. Hơn nữa, tác phẩm được diễn xướng trong một khoảng thời gian dài (có thể là cả đêm) nên việc có nhạc tính sẽ hấp dẫn người nghe hơn.

Trong diễn xướng sử thi, người ta tập trung vào hai yếu tố cơ bản là lời và nhạc, vì cái mà nghệ nhân và người nghe tập trung vào là câu chuyện quá khứ được thể hiện qua lời hát. Các phương tiện diễn xuất như trang phục, ánh sáng, động tác... không phải là điều quá quan trọng.

Để diễn xướng được những tác phẩm có dung lượng lớn, nghệ nhân thường sử dụng các công thức trong việc kể - tả. Những công thức này là những khuôn mẫu diễn đạt cho một nội dung nhất định, có thể được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần ở những phân đoạn khác nhau của tác phẩm. Chúng giúp làm giảm gánh nặng cho trí nhớ của nghệ nhân, tăng tính hấp dẫn của tác phẩm.

Nghệ nhân hát kể sử thi phải trải qua một quá trình học hỏi và rèn luyện nhất định để có thể diễn xướng tác phẩm. Bên cạnh đó, và rất quan trọng, người này còn cần những tố chất nữa. Đó phải là người có trí nhớ tốt, có giọng hát hay, nắm vững các làn điệu và biết vận dụng linh hoạt các làn điệu đó để tái hiện sinh động diễn biến câu chuyện và tính cách nhân vật. Nói cách khác, người này phải vừa là nhà thơ, vừa là ca sĩ, vừa là diễn viên hóa thân vào câu chuyện. Vì thế, trong mỗi cộng đồng, số nghệ nhân hát kể sử thi khá hiếm và nhiều khi là “cha truyền con nối”.

Ở Việt Nam, hát kể sử thi vẫn còn được thực hành ở một số nơi, vì nhiều sử thi vẫn còn là sử thi sống.

Các sử thi thường được cấu tạo bởi những câu nói vần hoặc văn xuôi xen lẫn với văn vần, thuận lợi cho việc âm nhạc hóa - người ta dễ chuyển từ cách đọc một cách có nhịp điệu những lời nói vần sang hát kể, bởi sự gần gũi giữa nó với lối đọc thơ có vần, điệu. Các nghệ nhân sẽ trình diễn những tác phẩm sử thi dưới hình thức gọi là nhạc hát. Ví như sử thi Ba Na (h’mon). Về lời, nó thường được thể hiện xen kẽ bằng văn xuôi và văn vần hoặc văn xuôi đối xứng cặp. Về nhạc, người diễn xướng sẽ dùng lối ngâm vịnh, bắt đầu từ âm cao nhất chuyển dần từng bậc theo hướng đi xuống, ở mỗi bậc âm giai điệu chạy dài theo âm đó, còn cuối mỗi mạch ngắt thì người diễn xướng dùng một loại âm hình giai điệu mang tính chất luyến láy cùng những hư từ trong lời ca để đánh dấu.

Địa điểm hát kể sử thi rất đa dạng: nhà rông, nhà nghệ nhân, nhà một người dân… Thời điểm hát kể thường là buổi tối, khi việc lao động trong ngày đã hoàn thành và người ta có thể toàn tâm toàn ý hướng tới câu chuyện trong tác phẩm. Nhiều ghi chép của các nhà nghiên cứu cho thấy không gian hát kể sử thi được xem là một không gian có tính thiêng. Người ta tin rằng linh hồn tổ tiên - những nhân vật trong tác phẩm - cũng theo các câu chuyện đó mà trở về với họ. Vậy nên mới có quy định bất thành văn rằng đã hát kể tác phẩm là phải hát kể bằng hết chứ không được bỏ giữa chừng, nhằm tránh việc làm phật ý những linh hồn nói trên.

Nghệ nhân hát kể sử thi ở Việt Nam không sống bằng việc diễn xướng sử thi nên không đầu tư cho nó như một nghề để sinh nhai. Vì thế, chưa có những đội, nhóm đi từ địa phương này đến địa phương khác để thu lượm vốn thơ ca sử thi, ứng tác và biểu diễn như những gì chúng ta được biết về nghệ nhân hát kể sử thi ở một số quốc gia cổ đại trước đây.

Hát kể sử thi là một hình thức diễn xướng mang tính nguyên hợp, một di sản văn hóa độc đáo. Ở một vài nơi tại Việt Nam, nó vẫn đang hiện diện, đáp ứng những nhu cầu văn hóa - tâm linh của người dân tại chỗ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tô Ngọc Thanh chủ biên, Đặng Nghiêm Vạn, Phạm Hùng Thoan..., Folklore Bahnar, Sở Văn hóa thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản, Pleiku, 1988.
  2. The Encyclopedia Britannica, Vol.4, Encyclopedia Britannica, Inc., Chicago, 1994.
  3. Tô Đông Hải, “Có một hình thức diễn xướng sử thi “sống” ở Tây Nguyên”, trong Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc, Sử thi Tây Nguyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
  4. Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Nghiên cứu Văn hóa, Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi châu Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
  5. Kiều Trung Sơn (chủ biên), Sử thi Ê Đê hiện nay: Nghệ nhân và việc trao truyền nghệ thuật diễn xướng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.