Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hát cưới

Hát cưới phong tục dùng lời ca tiếng hát để thực hành các nghi lễ trong đám cưới và thể hiện tình cảm, chúc phúc cho cô dâu chú rể cùng gia đình dòng họ trong ngày cưới. hát cưới (tên đầy đủ là hát trong đám cưới) phổ biến ở nhiều dân tộc của Việt Nam. Theo phong tục truyền thống của Việt Nam, đám cưới được xem là nghi lễ quan trọng trong các nghi lễ vòng đời người nên được tổ chức rất long trọng, với sự tham gia chứng kiến của đông đủ gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Tiếng hát trong đám cưới là một phong tục đẹp và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo một số tư liệu cổ, trước đây người Kinh có phong tục hát trong các đám cưới, đặc biệt là tục “hát giăng dây đón ngõ”. Khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, nhà gái giăng dây đỏ ngăn lại, nhà trai phải hát đối đáp được với nhà gái thì mới được mở dây cho vào. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XX tục này đã không còn. Trong các ghi chép An Nam phong tục sách (Mai Viên Đoàn Triển), Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính),… đầu thế kỷ XX đã không còn ghi tục hát cưới, chỉ còn tục giăng dây với việc nhà gái cho vài đứa trẻ bụ bẫm giăng dây chặn đoàn đón dâu, nhà trai phải cho chúng một ít tiền chúng mới mở dây cho đi qua. Tục hát đám cưới của người Kinh hiện nay chỉ còn lưu lại ở một vài cộng đồng ở Quảng Ninh (Sách Đại Nam nhất thống chí đã chép về tục này ở Hoành Bồ, Tiên Yên hay Địa chí Quảng Ninh cũng ghi lại tục hát đám cưới ở Vân Đồn, Móng Cái) và ở cộng đồng người Kinh ở Kinh Đảo (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc).

Với các dân tộc thiểu số thì hát đám cưới là phong tục vẫn còn được thực hành hiện nay. Tục hát cưới phổ biến ở nhiều tộc người như: Tày, Nùng, Thái, Dao, Giáy, Mông, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Si La, Pa kô, Khơmer, Chăm,…, trong đó có những bài ca đám cưới được gọi tên như một thể loại (dân ca đám cưới) hay một loại hình gắn bó chặt chẽ với tên tộc người như: hát Quan lang của người Tày, Nùng, Pá dung của người Dao, Sình ca đám cưới của người Cao Lan, Soọng cô đám cưới của người Sán Dìu, hát tiễn rể, hát xin dâu trong đám cưới người Thái, hát trao dâu trong đám cưới người Giáy,…

Nằm trong sự đa dạng của văn hoá các tộc người ở Việt Nam, hát cưới cũng rất đa dạng cả ở hình thức, nội dung cũng như đối tượng hát. hát cưới có thể được xuất hiện theo từng nghi lễ, hoặc chỉ trong một nghi thức đặc biệt nào đó trong đám cưới (ví như hát trong lễ rửa chân cho chú rể trước khi bước vào nhà gái trong đám cưới của người Chăm ở An Giang). hát cưới có khi được dùng thay cho lời giao tiếp giữa hai gia đình, hát cưới cũng có thể được sử dụng chỉ khi cần chúc tụng. hát cưới có nội dung phong phú, có thể theo từng chặng hát (hát chào hỏi, hát xưng danh, hát mời, hát đố, hát chúc, hát dặn dò, hát tiễn, hát se kết,…) và cũng có thể không theo chặng hát nghiêm ngặt mà chỉ là những lời hát chúc mừng cô dâu chú rể và hai họ. Hát đám cưới có thể do nhiều đối tượng hát, có nơi người hát chủ yếu là ông bà mai mối (người Thái, người Giáy), có nơi người hát là những người họ hàng, bạn bè của cô dâu chú rể, có nơi cả cô dâu chú rể cũng tham gia hát (như ở cộng đồng người Kinh ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc cô dâu và chú rể cùng hát bài hát kết nghĩa kết thúc đám cưới).

Dù đa dạng như vậy song hát đám cưới có một đặc điểm chung nằm ở nội dung chuyển tải những bài học về đạo đức và ứng xử của con người. Hầu hết các bài hát cưới đều đề cập đến hai nội dung chính: Một là những bài hát có tính chất chỉ bảo, dặn dò, răn dạy về đạo lý làm người, nhắc nhở cô dâu chú rể về công ơn của cha mẹ, gia đình, họ hàng, về việc phải ứng xử cho phải đạo làm chồng, làm vợ, làm con dâu, con rể, về việc nuôi dạy con cái sau này,…; Hai là những bài hát chúc tụng, ca ngợi vẻ đẹp, sự hiền thảo của cô dâu chú rể, sự xứng đôi vừa lứa của đôi trẻ, sự nề nếp của đôi bên gia đình, cảnh đẹp của làng xóm, quê hương,…

Hiện nay, trong đời sống hàng ngày ở cộng đồng người Kinh, tục hát đám cưới đã hầu như vắng bóng, ở các dân tộc thiểu số cũng không còn phổ biến nữa. Tuy nhiên phong tục này luôn là một phong tục đẹp được trân trọng bảo vệ bằng nhiều hình thức khác nhau: Bên cạnh việc thực hành trong đời sống ở một tộc người, tục hát cưới còn được trưng bày và phục dựng ở các bảo tàng, trên các sân khấu, trong các lễ hội,… Chính vì vậy, phong tục hát cưới truyền thống vẫn hiện diện trong đời sống đương đại với giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn đặc biệt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Đào Phương Bình dịch từ bản chữ Hán chép tay của thư viện Viện Văn học, Hà Nội, 1968.
  2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh tái bản, 1990.
  3. Hà Văn Cầu, Phong tục Việt Nam (cưới gả và tuổi vợ tuổi chồng), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992.
  4. Nguyễn Thị Phương Châm, Nghi lễ hôn nhân của người Kinh ở Trung Quốc, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2006.
  5. Nhiều tác giả, Địa chỉ Quảng Ninh, tập 1, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011.